Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Kiệu bay" làng Xuân Đỉnh húc vỡ kính ô tô: "Đường thánh, thánh đi"?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Việc "kiệu bay" làng Xuân Đỉnh đâm vỡ kính xe ô tô gây xôn xao dư luận là “đường của thánh, thánh đi” hay thực chất là phá hoại tài sản?

(ĐSPL) - Việc "kiệu bay" làng Xuân Đỉnh đâm vỡ kính xe ô tô gây xôn xao dư luận là “đường của thánh, thánh đi” hay thực chất là phá hoại tài sản?

Xem video:

Kiệu rước đâm đến vỡ kính xe ôtô người dân

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước đoạn video clip ghi lại cảnh đoàn rước kiệu tại một lễ hội liên tục đâm vào chiếc ô tô hiệu KIA trắng làm chiếc ô tô vỡ kính phía sau. Theo clip ghi lại, đây là đoàn rước kiệu diễn ra tại đình Gián, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Một số người nhận định rằng, đây là hành động “cố ý” của nhóm thanh niên khiêng kiệu đang lợi dụng nghi thức của lễ hội để đập phá tài sản của người khác. Tuy nhiên, người dân ở Xuân Đỉnh cho rằng, việc húc kiệu này xảy ra đã lâu và nó không đáng bị... lên án!?

“Thánh kiệu” đâm liên tiếp vào ô tô

Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội, vì thế cùng với việc đi lễ đền, chùa cầu an đầu năm thì những thông tin liên quan đến mùa lễ hội cũng được nhiều độc giả quan tâm. Hình ảnh clip được cho là “phá hoại” tài sản của đoàn rước lễ ở Xuân Đỉnh, Hà Nội cũng đang khiến nhiều người tranh cãi, với những ý kiến trái chiều.

Clip ghi lại hình ảnh đoàn rước kiệu nhiều lần lao thẳng vào chiếc xe ô tô KIA Morning màu trắng, mang biển kiểm sát 29A-607.65. Nhiều người chứng kiến sự việc còn reo hò trong tiếng trống khi đoàn rước kiệu lao vào xe. Sau từng hồi trống và còi, kiệu lao thẳng vào kính sau xe Morning nhiều lần đến mức kính vỡ vụn.

Đám đông đứng xung quanh liên tục hò reo, trong số những người đứng xem cổ vũ, có người xui chủ xe đánh ra chỗ khác để tránh đường cho “thánh kiệu” đi, có người xui chủ xe phải lễ thì Thánh mới tha cho. Đồng thời trong clip cũng xuất hiện một người phụ nữ (giáo viên) được cho là chủ xe đã quỳ sụp xuống, tay cầm tờ tiền liên tục khấn vái hướng về phía kiệu rước. Sau đó, chiếc kiệu đã chuyển hướng đi đường khác.

Địa điểm xảy ra sự việc được xác định là khu vực gần cổng trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh trong lễ rước kiệu lễ hội đình Gián. Sự việc đoàn rước kiệu đâm vỡ kính xe ô tô của một giáo viên nói trên khiến dư luận tranh cãi nảy lửa về quy cách thực hành nghi lễ rước kiệu. Người thì cho rằng đó là “đường của thánh, thánh đi, không cấm được”. Người lại cho rằng, đó là hành động nhân danh tâm linh để phá hoại tài sản của công dân.

Hình ảnh kiệu đâm vào ô tô trong clip.

Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho biết: “Rước kiệu là một hình thức văn hóa dân gian độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Các làng xã thường tổ chức rước kiệu trong hội làng vào dịp Tết, nhằm tôn vinh công trạng của Thành hoàng làng. Theo chủ nghĩa duy vật, hiện tượng kiệu bay, kiệu quay là một dạng vô thức tập thể của những người tham gia rước kiệu.

Đây cũng có thể là hiện tượng tâm lý đám rước. Cũng có thể người rước kiệu cố tình làm như vậy để cho Thành hoàng làng của mình thiêng hơn. Cũng có thể chiếc ô tô kia đỗ ở vị trí làm cản trở đường đi của đoàn rước, cũng có thể đoàn rước thấy chướng mắt với chiếc ô tô này nên làm vậy,...”.

PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ thêm: “Pháp luật Việt Nam cũng có những chiếu cố nho nhỏ cho những trường hợp ma chay cưới hỏi, chẳng hạn như nhà có tang, nhà có đám cưới, với không gian chật hẹp nơi phố phường, người ta vẫn căng phông dựng bạt lấn chiếm không gian công cộng trong một khoảng thời gian. Rõ ràng điều này pháp luật không cho phép nhưng lại được chiếu cố linh hoạt. Tuy nhiên, hiện tượng phá hoại tài sản của người khác dù hữu thức hay vô thức thì vẫn phải bồi thường tài sản cho người bị hại”.

Chuyên gia văn hoá Lê Giang cho biết: “Quan niệm tâm linh của người rước kiệu từ xưa tới nay là “Đường thánh thánh đi, đường trần trần đi”, người rước kiệu có thể đi bất cứ đường nào vì “thánh muốn”. Tuy nhiên, trong xã hội bây giờ, cũng không loại trừ nhiều trường hợp những người thực hiện nghi lễ vô tình hay hữu ý lợi dụng tâm linh để tạo ra những sự việc khiến dư luận bức xúc.

Xung đột xã hội Việt Nam với người giàu người nghèo, người nông dân thường bức xúc với những khoảng cách song hành trong xã hội đương đại. Nên việc kiệu đâm hỏng ô tô cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Xe đó của ai, có mâu thuẫn gì với đội ngũ rước kiệu hay không, có đậu xe đúng quy định hay không... Nhưng tôi cần nhấn mạnh rằng phải xem xét kỹ xem xung đột đời thường ở trường hợp này là như thế nào”.

Clip khiêng kiệu đã có từ lâu?

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm lên tiếng xác nhận sự việc: “Kiệu bay” đâm vỡ kính ô tô trên xảy ra tại địa điểm gần trường THPT Xuân Đỉnh của quận này ba năm trước, vào năm 2012. Hội chính ở đây mới có lễ rước kiệu, nhưng bốn năm mới tổ chức một lần (sang năm 2016 mới có - PV). Còn năm nay, trên địa bàn chưa có lễ hội nào cả...”.

Sau khi xác minh sự việc, chúng tôi được biết, chiếc ô tô bị đoàn rước kiệu đâm vỡ trong lễ hội đình Gián, Xuân Đỉnh. Người dân ở đây cho biết, hội chính được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch và có lễ rước kiệu. Trong quá trình này, đoàn rước kiệu đi như bay, dẫn đến có một số tình huống khó đỡ như trong clip đang phát tán trên mạng.

Nhà nghiên cứu văn hoá Lê Giang cho rằng: “Lễ hội là ngày kỷ niệm thiêng liêng của cộng đồng, làng xã, là nơi để người dân đến vui chơi, giao lưu văn hóa. Bạo lực, đánh nhau hay đâm thẳng kiệu vào tài sản của người khác là không nên. Những hành động đó đẩy lễ hội theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí là hành động phi văn hóa.

Cho dù là việc khiêng kiệu đã diễn ra từ năm 2012 hay mới xảy ra thì việc dùng yếu tố tâm linh để làm hư hại tài sản của người khác là không chấp nhận được, nhất là trong thời gian gần đây, việc xô xát, ồn ào trong các lễ hội tâm linh, văn hoá đã làm cho nhiều người có cái nhìn méo mó về lễ hội.

Ứng xử văn hoá lễ hội giữa đám đông cần có sự chuẩn mực, không nên để yếu tố mê tín làm hoa mắt đám đông. Các cấp quản lý, cán bộ chính quyền địa phương cần có những biện pháp cụ thể để những năm tới, không xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm cho hay, trong clip nhiều người dân tin vào tâm linh nên liên tục vái vì sợ “thánh phạt” khi kiệu húc vỡ cửa kính ô tô, nhưng sau đó ban tổ chức đã có giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đó là gia cố barie chắn hai đầu để kiệu đi đúng lộ trình, không cho kiệu “chạy ra” đường cao tốc và chặn các phương tiện giao thông vào gần khu vực rước kiệu.

Ông Khiêm cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo phường Xuân Đỉnh đã triệu tập Ban di tích và đưa ra quan điểm rất rõ ràng là phải khắc phục, bồi thường cho người có ô tô bị đâm hỏng. Tuy nhiên, chủ xe ô tô là một cô giáo trong vùng khi đó không đòi hỏi, yêu cầu bồi thường.

Thời điểm đó, cô giáo cho biết, ô tô mới mua nên có bảo hiểm chi trả và số tiền bồi thường coi như công đức vào đình Gián. Còn sau khi xảy ra sự việc trên, lãnh đạo phường Xuân Đỉnh đã liên tục quán triệt các đơn vị liên quan phải có biện pháp chấn chỉnh cho các năm tiếp theo. Cho đến thời điểm này không có trường hợp nào như vậy nữa.

Kiệu làng Xuân Đỉnh húc vỡ kính ô tô là vi phạm pháp luật

Chúng tôi đem câu chuyện trên đến trao đổi với luật sư Lê Văn Hải (Công ty luật Lê Hải). Luật sư Hải cho biết: “Hành vi khiêng kiệu liên tiếp húc vào chiếc xe ô tô khiến kính sau của chiếc xe này vỡ vụn, đủ cấu thành hành vi vi phạm pháp luật về tội hủy hoại tài sản người khác. Theo đó, những người này sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hành chính và mức phạt tiền cao nhất là 5 triệu đồng. Dù việc đã xảy ra năm 2012 nhưng nếu cơ quan chức năng vào cuộc, nhận thấy cần phải khởi tố vụ án hình sự nếu xét thấy tính chất nguy hiểm của vụ việc thì có thể áp dụng quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự, mức xử phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Tin nổi bật