Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiện Trung Quốc: Ưu tiên kiện vụ nào trước?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nếu kiện TQ, trước hết kiện việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép; kiện việc TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân VN trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của TQ.

(ĐSPL) – Giả sử Việt Nam kiện Trung Quốc, trước hết kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép; kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế.
Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền, cho biết như trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật tại cuộc họp báo chiều 25/6.
Sau những hành động liên tiếp làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông của Trung Quốc, chiều 25/6, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục ra tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc.
Video: Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Luật gia VN đọc bản tuyên bố:
Buổi họp báo diễn ra tại trụ sở của Hội Luật gia Việt Nam (Tầng 3, tòa nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội).
Chủ trì họp báo có ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký; ông Nguyễn Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội và bà Lê Thị Kim Thanh, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban đối ngoại và hợp tác quốc tế Hội Luật gia Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục ra tuyên bố phản đối TQ.Ảnh: Nguyễn Mạnh.
Theo Hội Luật gia Việt Nam, những hành động từ phía Trung Quốc trong suốt thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) mà cả 2 nước đều là thành viên và 7 nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Trước những diễn biến đang xảy ra trên Biển Đông hiện nay, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức họp báo, tiếp tục ra tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ mọi hành động của Trung Quốc cố tình cản trở và chủ động tấn công đối với tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Việt Nam, đồng thời một lần nữa yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay lập tức những hành động gây hấn, làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng khu vực, đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói chung và vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam nói riêng.
Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đọc bản tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc tàu Trung Quốc đâm hỏng tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Luật gia VN đọc bản tuyên bố. Ảnh: Nguyễn Mạnh.
Toàn văn bản tuyên bố như sau:
Ngày 9/5/2014, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã ra Tuyên bố cực lực phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Từ đó đến nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi nỗ lực thiện chí giải quyết căng thẳng bằng con đường hoà bình của Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên có nhiều hành động leo thang căng thẳng. Các tàu của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn, dùng súng bắn nước nhắm thẳng vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam.
Ngày 26/5/2014, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 của Việt Nam, làm 10 thuyền viên trên tàu gặp nạn, toàn bộ hải sản, ngư cụ của tàu ĐNa 90152 bị hư hỏng hoàn toàn. Ngày 1/6/2014, tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát Biển 2016 và đâm mạnh bên mạn phải của tàu làm thủng 4 lỗ, cách mép nước biển chỉ 40 cm.
Trầm trọng nhất là vào ngày 23/6/2014, cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 11,5 hải lý về phía Tây Nam, tàu kiểm ngư của Việt Nam mang số hiệu KN-951 đã bị 7 tàu của Trung Quốc bao vây, sử dụng tốc độ cao để áp sát, phun vòi rồng với áp lực lớn, đâm va, ngăn cản trong khi tàu Kiểm ngư 951 đang thực thi pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các hành vi trên đây của Trung Quốc rõ ràng là những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người, bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Các hoạt động mà Trung Quốc thường phát ngôn là “chỉ thực thi pháp luật bình thường” khác xa với các hành vi sử dụng vũ lực diễn ra trên thực tế, không chỉ làm ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt cá, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng các quốc gia trên vùng biển Đông, trái ngược hoàn toàn với đạo lý và luật pháp quốc tế.
Một lần nữa, Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân của các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người và vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc.
Hội Luật gia Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia Việt Nam - Trung Quốc, cùng phía Trung Quốc làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cố tình không tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam kiên quyết đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam, với số lượng hơn 46.000 hội viên luật gia yêu nước sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết cho quá trình này, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm.
Báo Pháp luật TP.HCM: Thời gian qua, tàu Trung Quốc đã đâm hỏng tàu của ngư dân ta, ngư dân cũng có nguyện vọng muốn chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện, vậy Hội Luật gia có sự hỗ trợ nào hay không?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc tàu Trung Quốc đâm hỏng tàu cá của Việt Nam, hiện nay Hội Nghề cá Đà Nẵng đã chuyển cho bên ủy quyền khởi kiện về việc này. Về mặt pháp lý, nếu nhận được yêu cầu từ các ngư dân, Hội Luật gia sẽ hỗ trợ. Cái khó nhất trong việc kiện là xác định chủ thể vi phạm trong việc đâm chìm tàu cá.
Nếu chúng ta khởi kiện theo tư cách cá nhân của chủ tàu thì quy trình cũng khác với việc kiện giữa hai quốc gia khác nhau. Vì việc này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có thể kiện lên tòa án của Việt Nam, các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn có quyền xử lý việc này.
Ông Nguyễn Văn Quyền trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: Nguyễn Mạnh.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM: Liên quan đến những chuẩn bị của Việt Nam về pháp lý khi khởi kiện ra tòa ánh quốc tế, cách đây 2 ngày Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với tòa trọng tài quốc tế PCA, ý nghĩa của việc hợp tác này và hiệu quả đối với việc VN chuẩn bị kiện?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc kiện ra tòa trọng tài quốc tế PCA ở phạm vi giải quyết tranh chấp về kinh tế, còn việc vi phạm chủ quyền biển đảo thì phải kiện ra các tổ chức quốc tế giải quyết về  tranh chấp lãnh thổ và quyền con người.
Báo Pháp luật TP.HCM: PCA thụ lý vụ kiện của Philippines, Việt Nam cũng tham gia PCA như vậy thì liệu có tìm được cơ hội nào để khởi kiện tại tòa này?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Tòa trọng tài thường trực quốc tế là một thiết chế để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Philippines đang sử dụng. Việt Nam đã gia nhập thành viên của PCA và đây chính là bước chuẩn bị từ rất sớm nên nếu thấy cần thiết thì ta cũng có thể mang ra tòa trọng tài này để kiện theo cách của nhiều nước đã làm.
Hội Luật gia với hơn 46.000 hội viên yêu nước sẵn sàng cũng nhà nước thực hiện mọi biện pháp để đòi lại chủ quyền.
Với tư cách là những người chuyên môn, Hội sẵn sàng dùng hết chức trách làm hết sức mình để chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đó cũng là cống hiến chuyên môn của Hội cho đất nước.
Báo điện tử Infonet: Hội Luật gia có bao giờ gửi các văn bản tư vấn cho PCA là nên hay ko nên kiện Trung Quốc và kiện thì có những lợi ích, mất mát gì?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc tham mưu với Chính phủ chúng tôi đã tính đến nhưng hiện nay chúng ta đang áp dụng biện pháp đàm phán hòa bình, đến thời điểm bất đắc dĩ ko thể đàm phán thì chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.
Báo Đời sống và Pháp luật: Giả sử Việt Nam kiện Trung Quốc, dưới góc độ pháp lý, theo Hội Luật gia, chúng ta nên kiện những hành động cụ thể nào của Trung Quốc, hay tiến hành đồng thời các vụ kiện về đường lưỡi bò, kiện hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép, kiện hành vi Trung Quốc dùng vũ lực đối với ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong vùng biển Việt Nam?
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế, phải thông qua đàm phán đa phương.
Báo Lao Động: Với tư cách là Hội Luật gia, nếu tham mưu cho Chính phủ thì Việt Nam nên chọn cách nào? Đưa ra cùng vụ kiện của Philippines hay đưa độc lập?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Mỗi cách làm đều có lợi thế và khó khăn riêng, cho đến lúc cần thiết thì chúng tôi sẽ đưa ra tham mưu cho chính phủ phương án thiết thực nhất.
Báo Đời sống và Pháp luật: Thời gian qua, tính từ khi Hội Luật gia tổ chức họp báo lần đầu tiên, đến nay Hội đã nhận được "đơn đặt hàng" nào từ Chính phủ hay từ các cơ quan có thẩm quyền, liên quan đến việc tư vấn, tham mưu về pháp lý cho việc chuẩn bị hồ sơ để tiến hành khởi kiện hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Chúng ta phải kiên trì giải quyết bằng con đường hòa bình, nếu chưa phải bất đắc dĩ thì chưa tính đến việc khởi kiện Trung Quốc.
Chính phủ cũng chưa chính thức đưa ra quyết định có kiện hay không nên chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ yêu cầu hỗ trợ nào từ các cơ quan có thẩm quyền về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho vụ kiện Trung Quốc. Nhưng nếu cần thiết, thì tôi tin rằng với 46.000 hội viện, Hội Luật gia Việt Nam luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi hồ sơ pháp lý cần thiết.
Báo Vietnamnet: Có cảnh báo không chính thức là Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc có thể kiện lại Việt Nam. Nếu đúng như thế thì ông đánh giá thế nào về việc cạnh tranh giữa hai nước, bởi việc này không chỉ bị chi phối bởi yêu tố pháp lý mà cả yếu tố phi pháp lý nữa?
Ông Lê Minh Tâm: Công lý là 1 giá trị lớn mà tất cả quốc gia tiến bộ và nhân dân các nước đều hướng tới. Trong trường hợp này, đó là lời cảnh báo, còn chúng ta luôn vững vàng 1 niềm tin chúng ta có công lý. Không những chúng ta, mà Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế là đại diện của hơn 100 nước thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc này.
Nếu chúng ta vững về mặt pháp lý, được sự ủng hộ của quốc tế, lại phù hợp với đạo lý chung, vì thế, Việt Nam đang ở 1 vị thế mà chúng tôi tin rằng, nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng.
Ông Lê Minh Tâm trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh:Nguyễn Mạnh.
VietnamNet: Trong vụ việc này, người thiệt hại nhất vẫn là ngư dân, vậy chúng ta có biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của họ?
Ông Lê Minh Tâm: Giới luật gia hiểu rõ pháp lý luôn có trách nhiệm làm sao làm sáng rõ các vấn đề pháp lý và dùng pháp lý để bảo vệ cho người dân một cách tốt nhất.
Việc dùng công cụ pháp lý là việc không thể thiếu nhưng bên cạnh pháp lý còn có nhiều giải pháp khác: hỗ trợ kinh tế, thông tin, tinh thần… và nhiều mặt chúng ta phải lo. Nhưng trước hết, chúng tôi khẳng định công cụ pháp lý là không thể thiếu trong vấn đề này.
Trước đó, vào chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam là đơn vị đầu tiên tổ chức họp báo để ra tuyên bố về tình hình Biển Đông. Tiếp đó, đến ngày 11/6, Hội luật gia Việt Nam nhận được sự ủy quyền của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế để đưa ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tin nổi bật