Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiên Lương - Kiên Giang: Ngó lơ pháp luật, hủy hoại tài sản công dân

  • Bảo An
(DS&PL) -

Theo quyết định của UBND huyện Kiên Lương, Dự án dưỡng lão tình thương của Công ty TNHH Khải Nam bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng, chặt phá cây cối của người dân. Dư luận đang đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương này.

 

UBND xã Dương Hòa

Ngang nhiên vi phạm

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo chí, ông Vương Thanh Sang (sinh năm 1989, xã Hương Hòa, huyện Kiên Lương) cho biết, ông Oàn Lộc Phến (người đại diện cho Công ty TNHH Khải Nam) đã xây dựng Viện dưỡng lão tình thương trái quy định, tự ý lấn chiếm đất và phá hủy cây cối nhà ông Sang.

Cụ thể: Ngày 23/06/2014, bà Vương Thị Mỹ Nga đã viết giấy sang nhượng mảnh đất 10.000m2 cho ông Sang, ranh giới đất tự nhiên được xác nhận là rặng tre, cây vải có tuổi đời trên 20 năm và hiện vẫn tồn tại hàng rào, gốc cây lớn được đánh dấu bằng sơn màu. Sau khi nhận sang nhượng, ông Sang đã tiến hành trồng gỗ sưa trên 10.000m2 đất đó, hiện số cây được trồng đã có tuổi đời là 8 năm.

Ông Vương Thanh Sang chỉ vào số cây sưa còn lại trên mảnh đất 10.000m2.

Năm 2021, Công trình Viện dưỡng lão tình thương được xây dựng ngay cạnh mảnh đất mà ông Sang đang trồng cây. Chủ đầu tư đã cho xe đào móc đất và phá hủy toàn bộ 200 cây gỗ sưa của gia đình ông Sang. Sau khi phát hiện sự việc, ông Vương Thanh Sang đã báo cáo sự việc với UBND xã Dương Hòa, nhưng đến chưa được giải quyết.

Mốc đánh dấu sơn trên cây sưa của nhà ông Sang nhằm xác định ranh giới đất và hiện trạng khu đất đã bị lấn chiếm, chặt sưa để thay thế bằng cây thông.

Tương tự, hộ giáp ranh phía bên trái công trình xây dựng Viện dưỡng lão tình thương là Bà Nguyễn Ngọc Sương cũng có đơn gửi ra UBND xã Dương Hòa về việc bị chủ đầu tư công trình này lấn chiếm đất và chặt phá một số cây mà gia đình đã trồng mấy chục năm nay.

Được biết, công trình xây dựng Nhà Dưỡng lão tình thương được Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Kiên Lương cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập do ông Oàn Lộc Phến làm chủ đầu tư, và cũng là người đại diện của Công ty TNHH Khải Nam tháng 4/2019.

Sau hơn 1 năm không triển khai dự án, xây dựng cơ sở vật chất và nộp đầy đủ giấy tờ, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động nên ngày 6/7/2022, cơ quan này đã ban hành quyết dịnh thu hồi Giấy phép hoạt động của cơ sở dưỡng lão này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 15/09, Dự án Viện dưỡng lão vẫn tiếp tục thi công xây dựng. Phần  khu nhà chính đã hoàn thiện xong; riêng hai khu nhà phía trước xây lấn vào hành lang giao thông thì vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Xã tiếp nhận vụ việc

Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, ông Ong Văn Lình cho biết, xã đã nhận được đơn của ông Vương Thanh Sang về việc công trình xây dựng của Viện dưỡng lão tình thương lấn chiếm đất và phá hủy cây gỗ sưa của gia đình ông Sang. Còn hộ gia đình bà Nguyễn Ngọc Sương thì vừa mới nhận được đơn thư, nhưng nội dung đang cần hoàn thiện mới có thể tiếp nhận đơn.

“Công trình xây dựng đó là của ông Oàn Lộc Phến. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã mời hai bên và chủ đất bán cho ông Sang và ông Phến lên xác định mốc giới để hai bên thỏa thuận với nhau. Buổi làm việc đó cũng đã xác định công trình xây dựng đã phạm vào đất của ông Sang chiều dài hơn ba chục mét và chiều rộng hơn chục mét. Tuy nhiên, số cây sưa bị phá hủy là bao nhiêu thì chưa xác định được nên hai bên chưa có sự thỏa thuận. Tuần tới chúng tôi sẽ mời hai bên lên xác định lại mốc giới và hòa giải” - Ông Ong Văn Lình cho biết thêm.

Liên quan đến công trình xây dựng Viện dưỡng lão, lãnh đạo xã này cũng cho biết, công trình đang vi phạm do xây vượt số tầng và diện tích sàn theo giấy phép được cấp, xây lấn ra hành lang giao thông. Hiện UBND huyện Kiên Lương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Oàn Lộc Phến - chủ công trình xây dựng này.

Công trình xây dựng Viện dưỡng lão ông Oàn Lộc Phến- chủ công trình xây dựng này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình Viện dưỡng lão được treo biển sở hữu của Công ty TNHH Khải Nam đã làm sai so với thiết kế, xây thêm công trình phụ vượt tầng, vượt sàn, sai so với diện tích được cấp phép. Không chỉ vậy, công trình phụ viện dưỡng lão của ông Phến còn lấn sang hành lang an toàn giao thông.

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1779, ngày 2/8/2022 của Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương ban hành, ông Oàn Lộc Phến bị xử phạt vì công trình xây dựng vi phạm các vấn đề như: Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Xây dựng công trình sai so với Giấy phép được cấp; Khai thác khoảng sản không có giấy phép cấp có thẩm quyền cấp.

Quyết định cũng nêu rõ, trong thời hạn 90 ngày nếu ông Oàn Lộc Phến  không không khắc phục, bổ sung giấy phép xây dựng được thì buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng.

Quy định về việc xử phạt hành vi lấn chiếm đất

Căn cứ Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, nếu cá nhân/tổ chức nào thực hiện hành vi lấn hoặc chiếm đất thì đều sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt cụ thể được quy định như sau:

Lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, mức xử phạt 1 - 3 triệu đồng.

Lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định này) mức xử phạt 3 - 5 triệu đồng. Lấn, chiếm đất ở, mức xử phạt 5 - 10 triệu đồng.

Lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình: Thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật…

Thời hiệu xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là 2 năm. Cũng theo Điều 65 của Luật này, khi đã hết thời hiệu xử phạt, cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thể ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.

Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định pháp luật; chấm dứt hợp đồng mua/bán/cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Việt Anh

Tin nổi bật