Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kí ức người mẹ chiến sĩ đầu tiên hy sinh tại mặt trận biên giới phía Bắc

(DS&PL) -

Câu chuyện cảm động của cụ Khương Thị Nhu, mẹ liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Đình Chinh, chiến sĩ đầu tiên hy sinh tại mặt trận biên giới phía Bắc.

Ngày 17-2-2019 là ngày kỉ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong những ngày này, quân dân ta lại tưởng nhớ về các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, xương máu và tính mạng của mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong đó không thể không nhớ tới anh Lê Đình Chinh - một người con Thanh Hóa, là người đầu tiên nằm xuống tại chiến địa năm ấy!

Hỏi thăm tìm nhà cụ Khương Thị Chu mẹ liệt sĩ Lê Đình Chinh, chúng tôi được chỉ vào nhà số 8 đường Trịnh Thị Ngọc Trúc, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóá. Thấy khách vào, cụ chậm bước ra cổng đón khách. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn của cụ chúng tôi thầm mừng. Sau khi trải qua mất mát đau thương không thể gì bù đắp nổi ông trời đã bù cho cụ khỏe mạnh tới giờ này.

Cụ mời ngồi rồi bảo người cháu gái rót nước mời chúng tôi, nhìn chúng tôi cụ nở nụ cười. Những vết chân chim, làn da chấm đốm đồi mồi, đó là kết quả của những năm tháng mưu sinh, của cuộc đời bao vất vả hằn in lên khuôn mặt tần tảo sớm hôm của cụ.

Khi được hỏi về người con trai Lê Đình Chinh của mình, nụ cười cụ Chu khép lại, ngậm ngùi, nhìn xa xăm rồi nói: “Thằng Chinh là anh cả. Tôi sinh được 6 người con. Nó là anh cả, nhà đông miệng ăn lại nghèo nên dù còn rất nhỏ nó vẫn phải vừa đi học, vừa phải chăm các em cho bố mẹ đi làm. Nó là đứa chịu khó, dù khi đó có đói, có rét vẫn đi học rất đều vẫn học giỏi hơn những bạn bè cùng trang lứa. Một ngày đi học về, nó nói với tôi “con sẽ đi bộ đội bố mẹ ạ” chồng tôi cản không cho đi thì nói lại “bố cũng đi còn gì” vậy là ông nhà tôi im lặng k nói gì nữa. Nói đi khi nó 15 tuổi đang học lớp 7. Khi thằng Chinh mất đứa con út của tôi mới được 6 tuổi.”

Ảnh chụp lại bài thơ viết về anh hùng Lê Đình Chinh tại nhà cụ Chu

Chồng bà - ông Lê Đình Tùng - 16 tuổi xung phong nhập ngũ và vào Nam chiến đấu. Sau đó ông xuất ngũ và được điều về Nông trường bò sữa Ba Vì. Tại đây, ông đã yêu và cưới cô công nhân Khương Thị Chu, một cô gái Hà Tây quê lụa đẹp người, đẹp nết. Đầu tháng 2 năm 1960, Lê Đình Chinh ra đời. Hai năm sau, khi vừa sinh cô con gái thứ hai, lúc này tại quê ông mới thành lập nông trường Sông Âm ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Vì vậy ông bà xin chuyển về đây công tác cho gần quê ông. Tại đây 4 đứa con nữa tiếp tục ra đời.

 Bà kể tiếp: “Từ khi chuyển về quê chồng, 40 năm sau tôi mới được về quê Thạch Thất của mình ăn tết.” Cuộc đời người phụ nữ Việt Nam nói chung và cụ Chu nói riêng luôn hết lòng hết dạ vì chồng vì con, luôn phát huy 8 chữ vàng mà bác Hồ dành tặng đó là “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

 

Cụ Chu và anh Lê Đình Chinh ngày 10/10 năm 1960, ảnh chụp lại từ tư liệu 

Năm 1975, Lê Đình Chinh nhập ngũ. Ngày anh nhập ngũ, bố đi họp, mẹ đi làm, các em đi học, không có một ai tiễn chân. Thời gian anh Chinh phụng sự bảo vệ Tổ Quốc vào đúng giai đoạn cự kỳ căng thẳng của quan hệ Việt-Trung. Những năm 1977-1978, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Tình hình biên giới Việt - Trung, đặc biệt ở các khu vực cửa khẩu cực kỳ căng thẳng, khi mà từng dòng người Hoa từ Việt Nam kéo về Trung Quốc ngày một tăng lên qua đường biển và cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). “Để kích động người Hoa bạo loạn, một mặt phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mặc thường phục trà trộn vào nhóm người này, mặt khác chúng cải trang bộ đội biên phòng Việt Nam đánh trọng thương một vài người Hoa rồi “đổ vấy” cho phía Việt Nam”, cụ Chu thủng thẳng kể lại.

 Trước tình hình trên, lực lượng của đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ, vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi. Về phía địch, hàng chục công an, biên phòng Trung Quốc mặc thường phục từ bên kia biên giới kéo sang hỗ trợ đám người Hoa đuổi theo tấn công, ném gạch, đá; dùng gậy gộc, dao quắm bổ vào đoàn người mà đa số là phụ nữ.

 Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sỹ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào. Trước tình thế hiểm nghèo, thượng sỹ Lê Đình Chinh đã cùng đồng đội xông lên giải vây. Lê Đình Chinh vừa cứu những cán bộ bị chúng hành hung, vừa phải đánh, đỡ những đường dao, gậy gộc của chúng. Bọn côn đồ hung hãn vây lấy anh. Chúng ném dao, đá tới tấp vào Chinh. Anh bị một hòn đá to ném trúng đầu, vết thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Nhưng anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. Lúc đó là 10h30 ngày 25/8/1978. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất địa đầu biên giới Tổ quốc thân yêu.

 “Chiều ngày 25/8/1978 ,nghe đài báo tin con trai đã hy sinh ở Lạng Sơn, chân tay tôi rụng rời nhưng vẫn không tin đó là sự thật. Nhiều công nhân trong nông trường động viên rằng, “chắc không phải thằng Chinh đâu, thiếu gì người trùng họ trùng tên”. Nhưng bằng linh cảm của người mẹ, tôi đã thấy điều chẳng lành với con mình…” mắt bà Chu nhòa lệ.

Nuốt nước mắt vào trong, bà chia sẻ tiếp: “Ông nhà tôi đánh điện ra đơn vị nhắn rằng, “Bố ốm nặng, con về ngay”, nhưng không thấy hồi âm. Ít ngày sau, vài cán bộ trong đơn vị về gia đình gửi giấy báo tử và làm lễ truy điệu cho nó. Lúc đó, tôi tưởng mình không sống nổi”, bà Chu nhớ lại thời khắc đau đớn của đời mình.

Đứa con là cả mạng sống của người mẹ! Chỉ cần con được vui khỏe, hạnh phúc thì dù khổ đau thế nào người mẹ vẫn chịu đựng được. Vì vậy mất con chẳng khác nào người mẹ mất đi một phần máu thịt cơ thể mình. Cụ Chu đã trải qua nỗi đau không ai có thể thấu được! Dẫu biết chiến tranh là phải đối diện với sự chia ly và cả hy sinh mất mát nhưng có người mẹ nào không đứt từng khúc ruột khi mất đi giọt máu của mình. Vẫn biết sự hy sinh cho Tổ quốc là vinh quang nhưng nhìn cụ Chu nghẹn giọng mà chúng tôi vô cùng xót xa.

Cụ Khương Thị Chu

Chia sẻ với chúng tôi, cô con gái thứ 2 của cụ cho biết: “Bố mẹ tôi tần tảo lao động nuôi các con trong thời buổi bấy giờ cả nước đều khó khăn. Vì thế dẫu có lao động cật lực “đầu tắt mặt tối” cũng không đủ ăn. Cái đói luôn đeo đẳng gần như suốt cả tuổi thơ của 6 anh em tôi. Khi vừa lớn chút, biết giúp đỡ bố mẹ thì anh Chinh lại lên đường nhập ngũ và vĩnh viễn không về. Đó là nỗi đau không gì bù đắp được của gia đình tôi.”

Khi ngã xuống, Lê Đình Chinh vừa tròn 18 tuổi. Anh là chiến sỹ đầu tiên hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc. Thi hài Lê Đình Chinh sau đó được an táng tại hang Muối, xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng, gần nơi anh hy sinh. Ngày 30/8/1978 đồng chí Chinh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã lập được nhiều thành tích trong cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Bắc”. Đến năm 1979, anh được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

 Ngày 6/01/2013, sau 35 năm nằm lại nơi địa đầu của Tổ quốc, hài cốt liệt sỹ Lê Đình Chinh đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa theo tâm nguyện của mẹ anh, cụ Khương Thị Chu. Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Chào cụ ra về, chúng tôi thầm cầu mong cụ Chu luôn khỏe mạnh. Mong rằng lần sau có dịp quay lại thăm cụ vẫn thấy cụ minh mẫn như bây giờ. Cảm ơn cụ -  Người mẹ đã sinh ra 1 anh hung  dâng hiến máu xương của mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thiên Anh - Thu Hà

Tin nổi bật