Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thanh Hóa: Hàng vạn du khách lên đỉnh non thiêng xin "nước thánh" đầu xuân

(DS&PL) -

Đi lễ đầu năm với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với bản thân và gia đình. Trong những ngày đầu xuân đã có hàng vạn du khách đến dâng hương cầu may tại Phủ Na.

Đi lễ đầu năm với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với bản thân và gia đình. Trong những ngày đầu xuân đã có hàng vạn du khách đến dâng hương cầu may tại Phủ Na.

Lễ hội Phủ Na được tổ chức hai lần trong năm, lần thứ nhất từ tháng giêng đến hết tháng hai âm lịch; lần hai từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Tám âm lịch, tại khu vực Na Sơn động phủ, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, cách Thành phố Thanh Hóa 30km. Đây là lễ hội tín ngưỡng dân gian, được hình thành từ rất lâu và ngày càng phát triển. Vào những ngày hội, khách thập phương về đây dâng hương, lễ bái, cầu tài, cầu lộc... rất đông. 

Du khách nô nức về Phủ Na cầu may 


Tại hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phủ Na tháng 9/2003, chùa Phủ Na ra đời năm 1909 được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na với quy hoạch xây dựng chi tiết với diện tích 70ha. Đây là vùng đất linh thiêng và là nơi bà Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Hằng năm cứ dịp đầu xuân bắt đầu từ giao thừa năm mới đến 16/2 (âm lịch) và ngày 1-16/8 (âm lịch), hàng vạn người dân và du khách thập phương lại cùng nhau kéo về trẩy hội Phủ Na dâng hương tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, và cầu may cầu cho một năm mới nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, gia đình khoẻ mạnh.

Du khách dâng hương cầu mong sự may mắn cho bản thân và gia đình  

Tín ngưỡng  thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Trước khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên sơn thánh, mẹ Âu Cơ và chúa Thượng Ngàn. Cho đến này nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa chung cùng tín ngưỡng của người dân địa phương cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na. Na Sơn động phủ gồm đền thờ Cô Ba nằm bên trái chiếc cầu bắc qua con suối vào khu vực chính của Na Sơn động phủ, được xây dựng năm 1993. Đền thờ Đức Ông (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam), đền thờ Nguyệt Nga Thánh Mẫu, gồm ba toà nhà lợp ngói mũi hài liền thông với nhau. Đây là khu đền chính của lễ hội. Đền thờ mẫu Thượng Ngàn và đền thờ cô Chín được xây phía trong, sát bên thác nước trên núi, ở một vị trí đẹp. Đây là nơi có phong cảnh hữu tình, có khe suối, có rừng thông hàng chục năm tuổi, có căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến… làm nên một Phủ Na đẹp như tranh.

Du khách chen lấn dâng hương cầu bình an may mắn
 
Đến với Phủ Na những ngày này ngoài những lễ hội độc đáo, còn hệ thống đền, miếu quy tụ dưới thung lũng chân núi Ngàn Nưa. Với quần thể các đền thờ như Bà Triệu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Triệu Quốc Đạt tạo nên một quần thể di tích độc đáo mang tính nguyên sơ, mộc mạc. Ngoài các nghi thức cúng tế mang đặc điểm tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện đậm nét còn có các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được địa phương tổ chức góp phần làm sinh động cho lễ hội

Trên đỉnh núi Nưa xuất hiện một dòng suối mát chảy quanh năm không bao giờ cạn. Khi du khách đến dâng hương và vãn cảnh thường lấy nước về nhà và xem đây là nước lộc, nước thánh. Bởi theo quan niệm của nhiều cao niên trong làng, nước suối Phủ Na rất thiêng, tắm rửa bằng nước này sẽ được nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi.

Nhiều người dân lấy nước thánh để cầu may

 Sau khi dâng hương cầu bình an, sức khỏe, tài lộc, du khách có thể tham quan chợ cũng như ăn uống và mua các cây giống như lá đắng, chè, cây cảnh, lan… và mua đặc sản của vùng núi Xuân Du.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sinh, chủ tịch xã Xuân Du cho biết: “Quy mô lễ hội năm 2019 vẫn như mọi năm, lượng khách thập phương tới lễ hội khá đông. Do tiến độ thi công khu Tam Phà chưa hoàn thiện nên cũng ảnh hưởng tới lễ hội. Ban quản lý lễ hội lên kế hoạch tham mưu cho chủ tịch Ủy ban huyện thành lập các tiểu ban quản lý trong đó phó chủ tịch huyện làm trưởng ban để đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng chặt chém khách.”

Trong những ngày đầu xuân, ban tổ chức lễ hội Phủ Na đã có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc bố trí bãi đỗ xe, sắp xếp khu vực bán đồ lễ, khu vực lấy nước cầu may, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng ăn uống, tăng cường công tác quản lý. Mặc dù lượng du khách đến du xuân ở Phủ Na rất đông, nhưng địa phương đã bảo đảm an ninh trật tự, kiên quyết dẹp bỏ nạn cờ bạc, các trò chơi núp bóng cờ bạc trá hình, bói toán, mê tín dị đoan.

Lễ hội Phủ Na đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xứ Thanh mỗi độ tết đến xuân về. Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi đã có hàng vạn du khách về với Phủ Na để dâng hương, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.
Sông Lô – Thu Hà

Tin nổi bật