Thừa nhận Catalonia độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong Liên minh châu Âu, nhưng cách để dập tắt khủng hoảng hiện tại lại không dễ.
Bức tranh nền chính trị ở châu Âu đang mất dần những đường nét hài hòa vốn có, sau các cuộc khủng hoảng về kinh tế, tài chính ngân hàng, sự trỗi dậy của phong trào dân túy và dòng người tị nạn tràn ồ ạt vào châu lục.
Catalonia có thể trở thành tiền lệ ly khai nguy hiểm ở châu Âu. |
Tình hình tiếp tục diễn biến không mấy khả quan khi cuộc khủng hoảng Catalonia tiếp tục nổ ra khi khu vực này quyết tâm thông qua một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chủ nghĩa ly khai bùng phát sẽ không phải là một điềm lành cho châu Âu trong tương lai.
Chủ tịch chính quyền xứ Catalonia, Carles Puigdemont thông báo, khu vực này đang hoàn tất quá trình tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, sau khi có 90% số phiếu ủng hộ rời trong cuộc trưng cầu ngày 1/10, bất chấp nỗ lực ngăn chặn từ Chính phủ Tây Ban Nha.
Ông Carles Puigdemont cho biết, trong vài ngày tới sẽ gửi kết quả của cuộc bỏ phiếu đến cơ quan Nghị viện của Catalonia, để tiến hành các thủ tục cần thiết.
Cuộc trưng cầu diễn ra hôm 1/10 đã chứng kiến cảnh tượng đụng độ không khoan nhượng giữa người đi bỏ phiếu và cảnh sát.
Cuộc bỏ phiếu đã bị cấm bởi Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp nước này. Ước tính có khoảng 844 người bị thương khi cảnh sát chống bạo động đột kích vào các điểm bỏ phiếu nhằm ngăn chặn cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu.
Tuyên bố từ chính quyền Carles Puigdemont cho biết, có 2,2 triệu phiếu đã được kiểm cho đến nay, trong đó khoảng 90% ủng hộ độc lập. Cử tri đi bầu ở Catalonia được cho là sẽ còn cao hơn nếu không bị cảnh sát ngăn chặn. Ước tính có khoảng 770.000 phiếu bầu thất lạc do tình trạng hỗn loạn xảy ra.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố độc lập của xứ Catalonia về mặt luật pháp sẽ không có hiệu lực do vi phạm Hiến pháp của Tây Ban Nha.
Do đó, hành động đơn phương của chính quyền khu vực này có thể sẽ không nhận được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nó sẽ là một thách thức lịch sử đối với Tây Ban Nha, khi có thể nhấn chìm đất nước này trong cuộc khủng hoảng chính trị và Hiến pháp nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm qua.
Giới phân tích chính trị đánh giá, nếu Catalonia vẫn bất chấp tự tuyên bố độc lập, điều này sẽ dẫn tới việc Chính phủ Tây Ban Nha sử dụng các biện pháp cưỡng chế, tước bỏ quyền tự trị và giành lại kiểm soát chính quyền ở Catalan - Wolfango Piccoling, chuyên gia từ trung tâm tư vấn rủi ro Teneo Intelligence nói với CNBC News.
Thủ tướng Mariano Rajoy có thể sẽ phải nhượng bộ một số yêu cầu từ Catalonia. |
"Điều này sẽ dẫn đến việc Thủ tướng Mariano Rajoy kích hoạt Điều 155 trong Hiến pháp nhằm tạm thời nắm quyền kiểm soát quyền lực xứ Catalan. Bên cạnh những rủi ro liên quan đến các cuộc biểu tình liên tục trong khu vực, tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng vẫn là gây ra sự bất ổn chính trị sâu sắc cho đất nước", ông nói.
Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha sẽ cho phép đình chỉ quyền lực đang được Catalonia nắm giữ. Về lý thuyết, lực lượng Cảnh sát Catalonia, những người đứng về phía cử tri hiện tại sẽ chịu sự điều khiển trực tiếp bởi bộ Nội vụ Tây Ban Nha.
Bên cạnh những hậu quả chính trị từ cuộc trưng cầu dân ý, Catalonia được biết đến là khu vực kinh tế cực kỳ quan trọng đối với Tây Ban Nha, khi chiếm khoảng 19% GDP cả nước.
Điều này đồng nghĩa với việc một quyết định ly khai sẽ khiến nền kinh tế của quốc gia này suy sụp. Nếu không có Catalonia, Tây Ban Nha sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực châu Âu, sau Đức, Pháp và Ý, nhưng quy mô sẽ bị yếu đi nhiều.
Về mặt pháp lý, Tây Ban Nha sẽ có thể tẩy chay một Catalonia độc lập, nhưng trên thực tế phần còn lại của châu Âu không có lý do nào để từ chối quốc gia này nếu nó muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Ngay cả khi tình hình đối đầu giữa hai bên trở nên căng thẳng, tổ chức lớn nhất châu lục vẫn chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào, trong vai trò trung gian hòa giải, dù trước đó EU từng nhiều lần bày tỏ ủng hộ giải pháp tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha.
Vấn đề Catalonia đòi độc lập đã trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với EU khi nó có thể tạo thành tiền lệ ly khai ở khắp châu Âu.
Trước cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Catalonia, các nước châu Âu đều đưa ra những phản ứng thận trọng.
Bộ Ngoại giao của Anh cho biết, cuộc trưng cầu là một vấn đề riêng của Chính phủ Tây Ban Nha và người dân.
Đồng thời kêu gọi luật pháp và Hiến pháp Tây Ban Nha “cần được tôn trọng”.
Trong khi Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh, bạo lực không phải giải pháp hiệu quả và kêu gọi đối thoại chính trị giữa các bên.
Cùng với đó, Thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon, người ủng hộ quốc gia này độc lập khỏi Liên hiệp Anh nói, mọi người nên có quyền bỏ phiếu một cách hòa bình.
Jérémy Dodeigne, Giáo sư nghiên cứu về chính trị tại đại học Namur, Bỉ nhận định, cuộc khủng hoảng ở Catalonia đang đi quá xa và Liên minh châu Âu chưa muốn can thiệp vào lúc này vì vấn đề nhạy cảm.
Chuyên gia chính trị Dan Dungaciu từ Rumani cũng cho rằng “việc thừa nhận Catalonia độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong Liên minh châu Âu”, khi các phong trào đòi ly khai sẽ lợi dụng vỏ bọc dân chủ để đạt mục tiêu của mình trên khắp châu lục.
Các nhà phân tích đều đồng tình với quan điểm rằng chính quyền xứ Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha cần ngồi lại với nhau để thúc đẩy một cuộc đối thoại tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
DANH TUYÊN