Nằm bất động, hôn mê sâu, tay chân phải cột chặt lại để ứng phó với những cơn co giật... đó là hình ảnh gây nhức nhối khi các bé mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu tiêm vắc xin. Đáng tiếc, nhiều phụ huynh không tiêm cho con vì “cuồng” các hội nhóm anti vắc xin (bài trừ vắc xin) đang rầm rộ trên mạng xã hội.
Nhói đau trẻ mắc bệnh vì... không tiêm vắc xin
Không cầm được nước mắt khi hàng ngày phải ngóng trông tin con từ hành lang bệnh viện Nhi TƯ, chị Nguyễn Thị H. (Bắc Ninh) tâm sự: “Con trai chị được 4 tuổi. Trước khi nhập viện 3 ngày, cháu xuất hiện sốt cao 40 độ C. Gia đình có cho cháu dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Đến ngày thứ 5, cháu trở nên li bì, có biểu hiện co giật. Lúc gia đình đưa con tới bệnh viện, cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ có tiến hành khám, làm các xét nghiệm và kết luận con tôi bị viêm não Nhật Bản”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị H. cũng thật thà cho biết, con chị chưa tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản.
Không chỉ ở phía Bắc mà ở miền Nam, nhiều trẻ bị mắc bệnh này cũng rơi vào tình trạng rất nặng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa viêm não Nhật Bản nhưng năm nay nhiều trẻ bị rất nặng. Các cháu phải thở máy, nằm chật khoa. Khoa chúng tôi thiếu máy thở phải gửi các cháu sang khoa khác để điều trị. Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, họ không tiêm vắc xin vì con họ lớn. Cũng có bậc cha mẹ không biết bệnh này có vắc xin ngừa. Đặc biệt, có những bà mẹ cuồng hội anti vắc xin nên không cho con tiêm”.
Các ca bệnh viêm não Nhật Bản trong tình trạng nặng Không tiêm Không tiêm được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1. TP.HCM ghi lại. |
Bác sĩ Khanh cho rằng, họ có thể chưa hiểu hết vai trò của vắc xin hoặc con họ bị một số vấn đề và họ quy cho vắc xin. Sự “căm thù”, bực mình vô lối với vắc xin tạo nên sự chia sẻ khiến cho “phong trào” nguy hiểm này lan rộng.
“Việc không tìm hiểu kỹ mà chỉ nghe các thông tin, đọc các bình luận cực đoan, thêu dệt về nguy cơ của vắc xin khiến họ lo sợ không tiêm vắc xin cho con. Việc này không những ảnh hưởng đến cá nhân họ, nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng tất cả các loại vắc xin khác. Nó ảnh hưởng đến tầm nhìn, chiến lược quốc gia thanh toán các bệnh, giảm tỷ lệ bệnh, muốn cho sức đề kháng của người dân mạnh lên với các bệnh có vắc xin ngăn ngừa cũng không thực hiện được”, bác sĩ Khanh lo lắng.
Hành động cực đoan...
Liên quan đến việc nhiều phụ huynh cho rằng, tiêm vắc xin vẫn có thể bị bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải: “Tỷ lệ tiêm vắc xin mà vẫn bị bệnh là rất ít. Nếu tiêm mà bị mắc thì tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn bởi bản thân người được tiêm vắc xin đã có sức đề kháng sẵn với bệnh. Các trường hợp bị mắc có thể do tiêm vắc xin không đủ liều. Nhiều phụ huynh quá chăm chăm vào 1% tác dụng phụ của nó mà bỏ qua 99% tác dụng tuyệt vời của vắc xin”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho hay: “Những năm qua, số lượng bệnh nhân viêm não Nhật Bản đã giảm đi hàng nghìn lần là nhờ thành quả của chiến dịch tiêm vắc xin. Trước kia, số ca bệnh chiếm hơn 60% ca bệnh viêm não do vi rút giờ chỉ còn hơn 10%. Tiêm vắc xin là cách duy nhất để phòng tránh. Chính vì thế, việc các bà mẹ tham gia các hội nhóm và anti vắc xin không chỉ với vắc xin viêm não Nhật Bản mà còn với tất cả các loại vắc xin khác là một quyết định vô cùng nguy hiểm cho không những con của họ mà là cho cả cộng đồng”.
Ông Phu cũng chia sẻ, bản thân ông cũng từng phải thuyết phục rất nhiều lần một người cháu nhất định không cho con ăn thêm sữa ngoài. Dù sữa mẹ không đủ và đứa trẻ đã bị suy dinh dưỡng độ 2, 3.
“Tôi được biết có những hội nuôi con bằng sữa mẹ và có nhóm đối nghịch là nhóm anti nuôi con bằng sữa ngoài. Những thái độ, hành động cực đoan là điều cực kỳ nguy hiểm”, ông Phu cho biết. “Các hội nhóm trên các diễn đàn “ăn vào rễ” của nhiều bạn trẻ. Họ có kiến thức, có điều kiện vật chất nhưng lại suy nghĩ và hành động quá cực đoan. Chính vì thế, để thay đổi những bà mẹ “cuồng” hội anti vắc xin chỉ có thể bằng cách thuyết phục, giúp họ nhận ra lợi ích với con họ từ tiêm vắc xin”, vị này nhấn mạnh.
Đỗ Thơm