Kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế
Theo thống kê của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, đến ngày 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đã đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương với 133,83% GDP cả nước, với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch và hơn 181 tỷ chứng khoán.
Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới con số gần 4 triệu, trong đó số tài khoản mở mới riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 70% so với cả năm 2020. Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi mà đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh. Tổng đầu tư xã hội với tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán năm 2020 ghi nhận đạt trên 37% GDP.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục là kênh để cộng đồng doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực, mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, đây là cơ sở định hướng tương lai của thị trường phát triển trong 5 -10 năm tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đang cùng với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Quan điểm phát triển thị trường cần nói đến phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế... đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu về chuyển đổi số", ông cho biết.
"Quản lý giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý", ông Chi nêu quan điểm.
Về mục tiêu tổng quát, theo ông Chi, sẽ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Kết quả của 25 năm qua cho thấy, thị trường chứng khoán đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Trước đây, kênh dẫn vốn, ngắn, trung và dài hạn đặt lên vai ngân hàng. Khi có thị trường chứng khoán, thị trường này đang san sẻ, chiếm tỉ trọng lớn dần trong kênh dẫn vốn với hệ thống ngân hàng.
"Thị trường chứng khoán trong nước cần gắn với thị trường chứng khoán khu vực, hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế, theo các thông lệ, chuẩn mực tốt trên quốc tế", ông Chi phát biểu.
Về mục tiêu cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030... Đối với trái phiếu, hướng tới mục tiêu 47% GDP năm 2025, và 58% GDP năm 2030. Với cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ hợp lý.
VN-Index được dự báo có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức đỉnh cao mới (ảnh minh hoạ)
"Về thị trường chứng khoán phái sinh, đặt mục tiêu tốc độ tăng 20%- 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% năm 2030 với cơ cấu tổ chức, cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý", ông Chi cho biết.
Về tổ chức thị trường một cách hiệu quả, thì tiến hành tổ chức lại thị trường, thành lập sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cơ cấu lại mô hình công ty mẹ, công ty con, trong đó có HOSE và HNX. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã có quyết định, chuẩn bị điều kiện để đưa mô hình Sở GDCK Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất.
Đồng thời, tổ chức lại Trung tâm lưu ký Chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE.
Về mục tiêu nâng cao sức mạnh của các định chế trung gian trên thị trường, củng cố và tăng cường năng lực của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư (ETF, hưu trí tự nguyện...), sẽ đưa vào thành lập và các tổ chức cung cấp dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm, tổ chức và nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán...
Đảm bảo thực thi các chính sách pháp luật, đảm bảo thị trường vận hành công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông minh trong giám sát thị trường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa bộ ngành trong kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường để nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư tham gia.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu là một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Cần biện pháp phòng chống rủi ro để phát triển bền vững
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: "Không nên quá lạc quan, cần quan tâm nghiên cứu các rủi ro".
Theo ông, sẽ có một gói kích thích kinh tế với quy mô thích hợp gắn với cơ cấu kinh tế trong thời gian ngắn được công bố cụ thể. Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế này cũng đòi hỏi chính sách tài khóa và tiền tệ đi kèm. "Sẽ có cả những rủi ro nếu không có sự tính toán điều hành phù hợp", ông nói.
Thứ trưởng cho biết rủi ro đến từ giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải tăng ở mức độ rất nhanh, thị trường lao động sau đại dịch có sự xáo trộn.
"Cùng đó, bản thân nội tại thị trường chứng khoán cũng có rủi ro cần tính đến trong giai đoạn sự hưng phấn của thị trường lên cao với giao dịch tăng mạnh, ông Chi nói thêm. Tăng trưởng thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng có thể nhìn thấy rủi ro hiện hữu nếu không có giải pháp đúng đắn.
Xét trên tình hình thực tế hiện nay, điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ này đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao (ảnh minh hoạ).
"Bản thân chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng cần biện pháp phòng chống rủi ro để thị trường ổn định phát triển bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đề cập đến giải pháp phát triển thị trường bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh yếu tố ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, các chủ thể yếu kém rủi ro cần chủ động giải pháp để đảm bảo cân đối vĩ mô bền vững.
Ngoài ra, chính sách tài khóa hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sau đại dịch như miễn giảm giãn thuế phí, bao gồm phí của thị trường chứng khoán và doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được thực hiện năm 2022.
"Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác cũng cần được tập trung như tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường sự quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường", Thứ trưởng cho hay.
8 nhóm giải pháp phát triển
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, trao đổi tại tọa đàm cũng cho biết đang triển khai 8 nhóm giải pháp phát triển gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ cấu hàng hoá, cơ cấu đầu tư, cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản lý giám sát, tăng cường vai trò xã hội nghề nghiệp của thị trường chứng khoán...
Về hoàn thiện cơ sở pháp lý, hiện Uỷ ban chứng khoán đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật để nhà đầu tư nắm rõ. Xem xét hoàn thiện thêm những khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn với hoạt động giao dịch mới của thị trường, số hoá.
Nhóm giải pháp thứ hai tăng cường nâng cao năng lực quản lý giám sát, theo ông Phạm Hồng Sơn, đây là điều kiện quan trọng để phát triển công khai, minh bạch.
"Kiện toàn bộ máy chức năng nhiệm vụ thanh tra giám sát trong đó có hoàn thiện khung pháp lý, hiện đã có nghị định sửa đổi ban hành năm 2021 nâng cao quy chế sửa đổi, xử lý các vi phạm kịp thời. Giám sát là quan trọng nhất, phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm", ông nhấn mạnh.
Về nhóm giải pháp đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro các công ty chứng khoán và các tổ chức tham gia thị trường, ông Sơn cho biết để tăng cường công tác thanh tra sẽ thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ, nâng cấp để giám sát mạnh hơn.
Theo ông Sơn, cần đa dạng hóa các sản phẩm mới, cơ cấu phù hợp trong sự phát triển chung của thị trường, nghiên cứu xem xét các doanh nghiệp tiềm năng, sáng tạo tham gia vào thị trường.
Bên cạnh đó, cũng cần đa dạng hoá các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trong thời gian tới phát hành trái phiếu xanh để nhằm huy động vốn phát triển kinh tế xanh bền vững, thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (40)
Trần Thu Thảo