Trưa 18/1, tờ VietNamPlus dẫn lời chuyên gia Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết theo các dự báo, từ đêm 20/1 tới sẽ có một đợt không khí lạnh khá mạnh, ảnh hưởng đến Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh miền Bắc.
Dự báo nhiệt độ tại các khu vực núi cao có thể xuống xấp xỉ 0 độ C kèm với mưa nhỏ nên người dân cần đề phòng khả năng sương muối và băng giá.
Cụ thể, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cho biết từ đêm 20/1, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng và duy trì đến ngày 21/1. Từ ngày 22/1, không khí lạnh sẽ tăng cường, tràn xuống rất mạnh đến các tỉnh miền Bắc. Do vậy, khu vực Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh, sau đó không khí lạnh mở rộng tới khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Đợt không khí lạnh trên dự báo sẽ kéo dài, có khả năng đến hết tuần tới (ngày 27-28/1), tuy nhiên thời điểm rét nhất sẽ rơi vào khoảng ngày 22-23/1 khi có khả năng sẽ xuất hiện thêm đợt không khí lạnh bổ sung.
Đối với các tỉnh Bắc và Bắc Trung Bộ, ông Lâm cho biết ngoài rét còn kéo theo mưa vừa, có nơi mưa to. Tuy nhiên, mức nhiệt độ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi dự báo sẽ không thấp như các tỉnh Bắc Bộ.
Trong khi đó, trên biển ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông, ông Lâm lưu ý tới khả năng sẽ có gió cấp 6, cấp 7 và giật cấp 8, cấp 9.
Không khí lạnh tràn về khiến nhiệt độ giảm đột ngột. Ảnh minh họa
Thời điểm không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng là từ đêm 20/1, sau đó ổn định và tăng cường trong ngày 22/1, do vậy đây sẽ là thời điểm ở khu vực Bắc Bộ có khả năng mưa rõ nhất, có thể xuất hiện mưa rào và mưa rào nhẹ, kèm theo đó là dông.
Liên quan đến việc không khí lạnh tràn về khiến nhiệt độ giảm đột ngột, báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai lưu ý những người có ý định đi du lịch lên miền núi phía Bắc từ ngày 21-27/1 nhớ đem theo áo cực ấm và đồ bảo hộ để giữ ấm do nhiệt độ về đêm có thể xuống dưới 6 độ C.
Ở các đỉnh núi cao khả năng cao sẽ có băng, và may mắn có thể gặp tuyết rơi. Không may thì gặp mưa đá. Khu vực Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có nhiệt xuống thấp 12-13 độ C, có đêm xuống tới 11 độ C.
TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, đợt không khí lạnh này có cường độ mạnh nhưng khi vào tới Huế và Đà Nẵng sẽ chậm lại và sức gió không mạnh nên các tỉnh Nam Trung Bộ chỉ giảm nhiệt so với những ngày này chứ không lạnh sâu.
Vị chuyên gia khuyến cáo, đợt lạnh này có sự chuyển nhiệt khá đột ngột với mức chênh lệch nhiệt độ tối thiểu là từ 12- 15 độ C chỉ trong vòng 1 ngày ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Chính vì vậy mọi người cần lưu ý giữ ấm cho người già và trẻ nhỏ, đóng kín cửa khi ngủ, không dùng than tổ ong hoặc các loại than khác để sưởi trong nhà. Buổi sáng dậy sớm thì nên vận động nhẹ, uống nước ấm, uống mật ong gừng, và mang áo ấm trước khi ra khỏi nhà tránh luồng gió lạnh đột ngột dễ bị trúng gió hoặc đột quỵ.
Người dân ở miền núi phía Bắc nên di chuyển trâu bò xuống các thung lũng, che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn khô, cám và nước ấm giúp trâu bò không bị cóng trong thời gian 1 tuần từ 21-27/1. Bà con nuôi cá vược ở vùng Đông Bắc nên đánh tỉa cá lớn bán dần, hoặc tạo ổ sâu để cá trú ẩn. Cá vược thường đóng mang nếu nhiệt độ nước xuống dưới 8 độ C.
Để giảm thiểu thiệt hại trước nguy cơ rét đậm, rét hại diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị đơn vị liên quan các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các đơn vị thông báo, hướng dẫn kịp thời để người dân bảo đảm sức khỏe, không dùng bếp than tổ ong sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho học sinh các trường nội trú.
Cùng với đó, địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.
Với các địa phương vùng núi cao có điểm du lịch, đơn vị cần hướng dẫn khách vãng lai, khách du lịch; cảnh báo nguy cơ xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Thủy Tiên (T/h)