Sau khi có thông tin Nữ hoàng Elizabeth II bằng hà, cả nước Anh chìm trong bầu không khí đau buồn và tĩnh lặng. Kể từ khi nữ hoàng qua đời, kế hoạch tổ chức tang lễ kéo dài 10 ngày cho nữ hoàng đã được triển khai, linh cữu của bà đã được từ Aberdeenshire đến London, theo sau là các thành viên gia đình hoàng gia. Trong khi đó, công chúng cũng đổ ra đường tiễn biệt vị nữ hoàng tại vị lâu nhất trong lịch sử. Trên truyền thông, tin tức cũng xoay quanh các sự kiện này.
Hàng trăm cảnh sát từ các lực lượng trên khắp cả nước đã tới thủ đô London hỗ trợ đảm bảo an ninh khi hàng nghìn người xếp hàng trên con đường dọc theo sông Thames để bày tỏ lòng thành kính với vị nữ hoàng 96 tuổi.
Hoạt động an ninh chưa từng có cũng sẽ được triển khai khi khoảng 500 chức sắc, bao gồm nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tụ họp ở London để tham dự tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II trong ngày 19/9 (giờ địa phương).
"Một ngày mọi người không bao giờ quên"
Bà Pat, 70 tuổi, một người đã đến London vào ngày 14/9 để thăm Cung điện Buckingham, chia sẻ: "Có rất đông cảnh sát trên đường, tôi chưa từng trông thấy nhiều binh lính như vậy".
Bà cho biết vì có quá đông người và lực lượng an ninh bố trí dày đặc, bà chỉ có thể nhìn thấy nơi ở của gia đình hoàng gia từ xa, cách khoảng 1km.
Dù đông đúc nhưng "điểm nhấn" của chuỗi sự kiện được lên kế hoạch hàng thập kỷ này là sự yên tĩnh bao trùm. Bầu trời London đã không còn máy bay bay qua từ ngày 14/9 để đảm bảo không gian yên tĩnh và tôn kính khi đoàn xe rước linh kiệu vị nữ hoàng quá cố từ Cung điện Buckingham đến Hội trường Westminster.
Mọi người xếp hàng gần Cầu Tháp để bày tỏ lòng thành với Nữ hoàng Elizabeth II hôm 16/9. Ảnh: Reuters
Nhiều buổi phát trực tiếp đã ghi lại cảnh các thành viên của công chúng lặng lẽ đi theo quan tài của nữ hoàng. Những người đưa tang đã được yêu cầu không gây ồn ào khi vào bên trong hội trường. Phóng viên của France 24,Bénédicte Paviot, chia sẻ: "Sự tĩnh lặng và tôn nghiêm bao trùm nơi đây".
Chỉ ít giờ nữa, sự yên tĩnh này sẽ càng lan rộng khắp đất nước khi tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II chính thức diễn ra. Đây là lúc cuộc sống nhộn nhịp ngày thường của Anh thật sự dừng lại.
Ngày tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II đã được tuyên bố là một ngày lễ quốc gia đặc biệt, do đó các trường học và nhiều nơi làm việc đã thông báo đóng cửa.
Mặc dù chính phủ Anh nói rằng các tổ chức cá nhân không bắt buộc phải hủy bỏ các sự kiện hoặc đóng cửa nhưng nhiều người đang chọn cách dừng các hoạt động để bày tỏ sự tôn trọng với vị nữ hoàng lâu đời của Anh.
Các chuỗi siêu thị hàng đầu - thường hoạt động ít giờ hơn vào các ngày lễ - cũng sẽ đóng cửa cùng với các nhà bán lẻ, nhà hàng, chuỗi cà phê và phòng tập thể dục trên toàn quốc. Hoạt động vận chuyển, giao hàng của Amazon sẽ bị tạm dừng vào buổi sáng, chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonalds cũng ngừng hoạt động cho đến 17h cùng ngày và chuỗi quán rượu nổi tiếng Wetherspoons thông báo chỉ mở cửa sau khi lễ tang kết thúc.
Các địa điểm giải trí, bảo tàng, phòng trưng bày và địa điểm du lịch cũng đóng cửa.
Dịch vụ bưu chính quốc gia sẽ tạm dừng trong ngày, hầu hết các phiên tòa và tất cả các buổi trình diễn của Tuần lễ thời trang London cũng thực hiện hành động tương tự. Các trận đấu của giải bóng đá Ngoại hạng Anh dự kiến diễn ra vào tối 18/9 cũng đã được lên lịch lại.
Một nhóm kỵ binh trong ngày diễn ra lễ tang của nữ hoàng. Ảnh: Reuters.
Các chuyến bay đến và ra khỏi London một lần nữa sẽ bị tạm hoãn để đảm bảo không khí trang nghiêm trong lễ rước linh cữu Nữ hoàng từ Tu viện Westminster đến Lâu đài Windsor, nơi bà được chôn cất.
Tiến sĩ Luke Blaxill, một nhà sử học về nước Anh hiện đại tại Đại học Oxford, cho biết: "Nhiều người đã cảm thấy bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của nữ hoàng và họ sẽ càng cảm nhận rõ điều này hơn vào ngày 19/9. Ngay cả vào những dịp lễ lớn, chúng tôi đã quen với cuộc sống bình thường vẫn tiếp diễn. Đây rõ ràng sẽ là một ngày mà mọi người không bao giờ quên".
"Lời tạm biệt cuối cùng"
Đối với hầu hết cư dân Vương quốc Anh, đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ là sự kiện cấp gia duy nhất trong ký ức sống động của họ, sự kiện đã khiến cuộc sống hàng ngày phải tạm dừng hoàn toàn. Chỉ rất ít người, hầu hết là người già mới có ký ức thời thơ ấu về cảnh tượng tương tự khi cha của nữ hoàng, Vua George VI, qua đời vào năm 1952.
Hầu hết người dân đều đồng tình rằng việc đóng cửa các trường học, cửa hàng và viện bảo tàng trong lễ tang của nữ hoàng là điều nên làm.
Đối với bà Pat, ở London, viễn cảnh tạm dừng các hoạt động phù hợp với bầu không khí đau buồn kể từ khi tin tức về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II được công bố. Bà chia sẻ: "Tất cả đều góp phần tạo nên bầu không khí yên bình, tĩnh lặng. Ngay cả thời tiết đã cũng vậy, trong phần lớn thời gian".
Lực lượng an ninh được triển khai trong tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: AFP
Việc tạm dừng hoạt động cũng là một sự sẻ chia của toàn bộ người dân sống ở Anh, dù họ có ủng hộ chế độ quân chủ hay không.
Đây cũng là một thời khắc phù hợp để người dân quan sát vị vua mới. Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, 63% người Anh nói rằng họ tin rằng Vua Charles III sẽ trở thành một vị quân vương tốt, tăng từ mốc 32% hồi tháng 5 vừa qua.
Khi Vua Charles III lên ngôi, nhiều người ở Anh không hài lòng với vai trò lãnh đạo chính trị của ông. Cũng bị đình chỉ sau cái chết của nữ hoàng là các cuộc đình công được lên kế hoạch bởi các công nhân đường sắt, bưu điện, bãi rác và bến tàu trên khắp Vương quốc Anh.
Ông Blaxill nhận xét: "Những kỳ vọng đang được đặt trên vai của nhà vua mới khá lớn lao. Và khi chúng ta tạm ngưng các hoạt động trên cả nước để tạm biệt Nữ hoàng Elizabeth và chào đón vị vua mới, thì kỳ vọng phi thực tế đó càng tăng lên".
Minh Hạnh (Theo AFP)