(ĐSPL)- Lo vỡ quỹ trong tương lai gần, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Chiều 26/5, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2\% thì sang năm 2008 con số này là 73,7\%, năm 2010 là 76,3\%; ước năm 2013 là 76,6\%”.
Bà Chuyền cho biết thêm, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Để tránh vỡ quỹ, Chính phủ đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Hiện, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết, dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm chưa ổn. Việc tăng tuổi về hưu sẽ khiến những người lao động chân tay gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, đời sống và sức khoẻ của người lao động không được đảm bảo”, ông Kiêm nói.
Theo đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, đời sống và sức khoẻ của người lao động không được đảm bảo. |
Theo ông Kiêm, qua vụ việc mới đây nhất xảy ra vụ phá hoại tài sản ở các khu công nghiệp, việc một số công nhân bị kẻ xấu lợi dụng có những hành động đập phá cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Đội ngũ lao động chân tay, lao động vất vả chiếm số đông của đất nước ta, nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên sẽ rất không phù hợp, thiếu công bằng.
“Riêng đối với những người lao động trí óc, người làm công chức, nếu để họ làm việc quá lâu cũng rất khó có cơ hội để cho những cháu sinh viên mới ra trường. Hơn nữa tầng lớp lao động có trí tuệ được đào tạo có hệ thống thì cũng khó mà vào được”, ông Kiêm nói.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cho rằng, chúng ta đang tái cấu trúc lại nền kinh tế, số lao động dư thừa rất nhiều. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ phải nghiên cứu giải quyết xem xét những lao động thừa trong khi tái cấu trúc doanh nghiệp. Điêu này tạo nên một số khó khăn cho giải quyết cố phần hoá, sắp xếp và cơ cấu lại doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Việc để xảy ra vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu do chúng ta không thu đủ, thu không hết, không hoàn thành trách nhiệm thu. Nếu giải quyết bằng cách nâng tuổi lên tạo tiền lệ rất xấu. Cái đích chính để giải quyết vấn đề vỡ quỹ là phải tăng thu và nghiêm túc kỷ luật thu để đảm bảo công bằng xã hội”, ông Kiêm "kết luận".