(ĐSPL) - "Sự bình đẳng phải được nhìn nhận một cách toàn diện trên bình diện tổng nghĩa vụ và tổng quyền lợi thực tế từng đối tượng đã thụ hưởng..."
Ngày 7/4 vừa qua, báo Đời sống và Pháp luật đăng bài “Cách tính lương hưu mới thiệt thòi cho công chức viên chức?” của tác giả Phạm Hạnh. Sau khi bài báo được đăng tải, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều các ý kiến thảo luận xung quanh nội dung này.
Mới đây, Toà soạn nhận được ý kiến thảo luận của độc giả Võ Thái Hoà, hiện là chuyên viên tại Quỹ Đầu tư và Phát triển Thành phố Cần Thơ. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết và rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến phản hồi quý báu của độc giả:
Theo tác giả Phạm Hạnh (Báo Đời sống và Pháp luật), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân cho biết “việc thay đổi cách tính đóng - hưởng lương hưu nhằm từng bước thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn”.
Có thể thấy rõ hai lý do để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất cách tình lương hưu mới đối với cán bộ, công chức và viên chức.
Lý do thứ nhất: Thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia.
Khi xây dựng pháp luật, thực hiện chính sách thì nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng chịu sự tác động là một tất yếu.
|
Sự bình đẳng phải được nhìn nhận một cách toàn diện trên bình diện tổng nghĩa vụ và tổng quyền lợi thực tế từng đối tượng đã thụ hưởng. |
Thiết nghĩ, ngay từ khi quy định cách tính lương hưu như hiện nay thì những người làm nên chính sách này đã thấy rõ có sự khác nhau về cách tính lương hưu giữa hai nhóm đối tượng là người lao động ngoài nhà nước và người lao động trong nhà nước nhưng vì sao họ lại quy định như vậy?
Bình-đẳng cần xem xét về mặt tổng thể giữa nghĩa vụ (toàn bộ số tiền đóng BHXH) và các quyền lợi mà người tham gia BHXH có được. Quyền lợi mà người tham gia BHXH phải hiểu dưới hai góc độ là các chế độ mà pháp luật quy định cho người tham gia BHXH được hưởng và quyền lợi thực tế (số tiền mà người tham gia BHXH đã nhận được từ quỹ BHXH thông qua việc thanh toán các chế độ).
Vì sao, phải phân biệt cho rõ giữa quyền lợi được hưởng theo quy định của pháp luật và quyền lợi thực tế người tham gia BHXH đã thụ hưởng vì đây là mấu chốt của vấn đề.
Tuy nói BHXH không phải là một đơn vị kinh doanh nhưng người tham gia BHXH là người bị bắt buộc phải mua và sử dụng dịch vụ bảo hiểm đặc biệt này. Vì vậy, BHXH cũng là một loại hình bảo hiểm nhưng mang tính chất đặc thù.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, một nguyên tắc quan trọng khác cũng được bảo đảm là phí bảo hiểm sẽ tỷ lệ thuận với khả năng sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Có nghĩa là những đối tượng bảo hiểm nào có nhiều rủi ro, dễ phát sinh sự kiện bảo hiểm thì người mua bảo hiểm phải trả phí cao hơn các đối tượng ít rủi ro và ít có khả năng xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Theo quy định hiện nay, người lao động trong nhà nước và người lao động ngoài nhà nước phải đóng mức phí theo tỷ lệ như nhau mặc dù đối tượng bảo hiểm là người lao động ngoài nhà nước có nhiều rủi ro hơn và sự kiện bảo hiểm dễ xảy ra hơn.
Quỹ BHXH gồm có các quỹ thành phần sau: quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất và hiện nay có thêm quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tương ứng với từng loại quỹ có các chế độ khác nhau nhưng tổng hợp các chế độ đối với người tham gia BHXH hiện nay gồm có: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm.
Trong tất cả các chế độ trợ cấp đó, người lao động trong nhà nước thực tế đã sử dụng được bao nhiêu so với người lao động ngoài nhà nước. Không khó để có thể làm phép thống kê để tính toán xem phần đóng góp của hai nhóm đối tượng này vào quỹ BHXH và những gì họ nhận lại từ đó.
Nếu đã là cán bộ, công chức và viên chức thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần như ít khi phải chi trả cho nhóm đối tượng này. Về chế độ thai sản sẽ không khó để BHXH thống kê cho việc chi trả chế độ này cho hai nhóm đối tượng nêu trên.
Chế độ ốm đau, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động thì theo tôi nhóm mà quỹ BHXH phải chi trả nhiều hơn vẫn là nhóm đối tượng người lao động ngoài nhà nước.
Xem xét tất cả các chế độ trợ cấp của BHXH có rất nhiều khả năng sự kiện bảo hiểm đã xảy ra với nhóm đối tượng người lao động ngoài nhà nước cao hơn và họ đã thụ hưởng nhiều hơn so với nhóm đối tượng còn lại.
Vì vậy, việc có chút ưu đãi về cách tính lương hưu nhằm đảm bảo cho người lao động trong nhà nước có được lương hưu, đủ để trang trải chi phí cơ bản khi không còn làm việc, thì nhìn chung trong toàn bộ những gì nhóm đối tượng này thụ hưởng từ quỹ BHXH, cũng chưa chắc đã cao hơn so vơi những gì nhóm đối tượng còn lại thụ hưởng từ quỹ này.
Mặc khác, việc ưu đãi này theo các chuyên gia đã giải thích là nhằm thu hút nhân sự đặc biệt là nhân tài cho lĩnh vực nhà nước.
Tóm lại, sự bình đẳng phải được nhìn nhận một cách toàn diện trên bình diện tổng nghĩa vụ và tổng quyền lợi thực tế từng đối tượng đã thụ hưởng.
Nếu có sự kết hợp với phần chính sách ưu đãi cho một nhóm đối tượng nào đó vì mục đích và ý nghĩa quan trọng là phát triển nguồn nhân lực cho Nhà nước thì cũng khó có thể nói là không bình đẳng.
|
Khó có lý do gì để phải “cắt bớt” phần lương hưu vốn dĩ không đủ sống của những người đã bám trụ và cống hiến. |
Không khó để BHXH có thể tính toán dựa trên cơ sở khoa học những gì hai nhóm đối tượng này đóng góp và thụ hưởng, một khi đã tính toán đươc dựa trên những số liệu thực tế thì việc có điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng cho sự đóng-hưởng của các đối tượng cũng là điều hợp lý và tất nhiên sẽ nhận được sự đồng thuận của tất cả các đối tượng tham gia.
Lý do thứ hai: Góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.
Việc cân đối quỹ hưu trí có nhiều cách, mấy năm gần đây BHXH cho rằng quỹ BHXH sắp cạn vì nguồn góp vào ít hơn số tiền phải chi trả; từ đó Quốc hội đã tăng mức phí đóng BHXH rất cao (từ 23\% năm 2007 lên 32.5\% hiện tại), nếu trừ BHTN ra thì mức đóng đã tăng 7.5\% từ năm 2007 đến nay.
Một biện pháp nữa mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất là tăng tuổi nghỉ hưu, biện pháp này nếu được thông qua sẽ giảm thiểu không nhỏ số tiền mà BHXH phải chi trả theo hiện nay.
Như vậy, khó có lý do gì một lần nữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng quỹ hưu trí sắp cạn kiệt và cần phải “cắt bớt” phần lương hưu vốn dĩ không đủ sống của những người đã bám trụ và cống hiến.
Việc quản lý chặc chẽ thu chi của quỹ BHXH để chống thất thoát cũng là một giải pháp mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghĩ đến.