Theo Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/7, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đã được cấp vẫn còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Từ nay, khi công dân muốn thay đổi thông tin trong 2 loại sổ trên, cảnh sát quản lý hành chính sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi các loại sổ này.
Sổ hộ khẩu hiện là loại giấy tờ quan trọng liên quan đến công chứng, sang tên, chuyển nhượng. Vì vậy, nhiều người dân thắc mắc nếu họ thuộc trường hợp phải thu hồi sổ hộ khẩu, thì có ảnh hưởng đến việc công chứng hay không.
Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Lao động, ông Nguyễn Anh Khôi - Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Khôi (Hà Nội) - cho hay, với những trường hợp vẫn còn hộ khẩu thì khi đi làm giao dịch vẫn phải mang loại giấy tờ này.
Theo ông Khôi, Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7, song những hướng dẫn triển khai xuống địa bàn là chưa có hướng dẫn cụ thể. Bộ Tư pháp cũng chưa có hướng dẫn liên quan về việc khi ký hợp đồng giao dịch.
"Vì vậy, các mẫu hợp đồng giao dịch mà Bộ Tư pháp ban hành trước đó vẫn còn hiệu lực. Cho nên, công dân đi làm vẫn mang hộ khẩu đi".
Nếu công dân rơi vào một trong 9 trường hợp mà phải thu hồi lại sổ hộ khẩu và không còn sổ hộ khẩu nữa khi đó phải lấy giấy xác nhận tại địa phương có hộ khẩu thường trú tại đó.
Nếu như trong thẻ căn cước công dân gắn chip mà văn phòng khai thác được thông tin đó thì không cần phải yêu cầu người ta cung cấp giấy tờ này.
Hiện tại các văn phòng công chứng chưa được cấp quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có quét thông tin qua mã vạch trên thẻ căn cước công dân gắn chip để thu thập một số thông tin cơ bản.
Theo ông Khôi, với trường hợp cụ thể, người dân không còn hộ khẩu giấy khi đi công chứng, văn phòng sẽ yêu cầu họ phải có xác nhận của công an địa phương nơi cư trú.
Hiện tại, công chứng liên quan đến giao dịch chuyển nhượng, sang tên nhiều. Các văn phòng đất đai hiện cũng chưa được hướng về việc thay thế hộ khẩu bằng các loại giấy tờ nào khác.
Ông Khôi cho biết, Luật Cư trú có hiệu lực song các văn bản hướng dẫn dưới luật để thực hiện hàng ngày liên quan đến công chứng sang tên là chưa có hướng dẫn.
Trong trường hợp, người dân không xuất trình được hộ khẩu để làm thủ tục sang tên thì họ phải cung cấp được giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương (công an phường, xã, quận, huyện…) công dân này thường trú tại đây.
Trước việc người dân khi không có hộ khẩu giấy thì có ảnh hưởng đến công việc, ông Khôi cho rằng, công chứng vẫn diễn ra thường xuyên, hàng ngày.
Việc không có sổ hộ khẩu giấy đó chỉ ảnh hưởng đến sao y giấy tờ từ bản gốc hộ khẩu. Ví dụ không có hộ khẩu gốc thì không được sao y từ sổ hộ khẩu gốc…
Từ 1/7, khi đăng ký thường trú phải chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ nào?
Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật cư trú (ban hành ngày 29/6) nêu rõ về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Theo đó, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
d) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
h) Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
i) Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;
k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
l) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.
Cự Giải (T/h)