TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích, “học phí” và “giá dịch vụ đào tạo” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Sau cụm từ “thu giá BOT” gây ồn ào của bộ Giao thông Vận tải, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng khái niệm “học phí” cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”.
Thông tin về “giá dịch vụ đào tạo” cũng đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của dư luận. TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã có những trao đổi riêng về vấn đề này.
TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ: “Theo tôi, “học phí” và “giá dịch vụ đào tạo” là hai khái niệm khác nhau, phải xét trong hai tình huống khác nhau. Học phí là chỉ để người học, gia đình người học đóng cho nhà trường. Còn giá dịch vụ đào tạo thì là chi phí thực cho hoạt động đào tạo đối với một người học cụ thể. Hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau, đặt trong hai bối cảnh khác nhau”.
Về cụm từ “giá dịch vụ đào tạo”, TS. Lê Viết Khuyến lý giải: “Giá dịch vụ đào tạo được hiểu là chi phí đơn vị, các nhà kinh tế giáo dục hay gọi như vậy. Các nhà kinh tế giáo dục phải tính được giá dịch vụ đào tạo hay chi phí đơn vị để xác định xem có đúng với thực tế đào tạo.
Hay nói một cách khác, giá dịch vụ đào tạo là để đánh giá xem khoản thu của nhà trường thông qua học phí có bị thu quá hay không, liên quan đến việc trường hoạt động có lợi nhuận hay không.
Ngoài học phí ra còn có những khoản khác để tính giá dịch vụ đào tạo như: Ngân sách đầu tư của Nhà nước, huy động từ cộng đồng, xã hội hóa, các nhà hảo tâm và hoạt động của nhà trường, các dịch vụ nghiên cứu khoa học… rất nhiều khoản khác cộng với học phí mà bằng chi phí đơn vị là được.
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Công việc của nhà kinh tế giáo dục họ phải tính toán như vậy, nhưng thực tế với người học và với phụ huynh họ chỉ cần quan tâm mình phải đóng bao nhiêu. Trong trường hợp này phải gọi là "học phí", còn nếu dùng là “giá dịch vụ đào tạo” là không hợp lý”.
TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Đóng góp vào chi phí cho đào tạo có nhiều nguồn thu khác nhau, chứ không phải bắt người dân phải đóng góp. Vì thế dùng từ như vậy sẽ dẫn đến hiểu nhầm rất tai hại”.
Hiện nay các trường được quyền tự chủ, tuy nhiên TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng cần tuân thủ theo hai điều:
“Thứ nhất, tự chủ phải công khai, minh bạch, phải giải trình trước những người quản lý của mình và giải trình trước xã hội, xem tính như thế có chính xác hay không, với giá dịch vụ như thế mức học phí có phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, của người học hay không.
Thứ hai, quyết định về tương lai phát triển của nhà trường trong đó có quyết định thu học phí không phải hiệu trưởng quyết, mà phải do quyết định của hội đồng trường. Những trường nào chưa có hội đồng trường thì những trường đó không được quyền quyết định học phí, đặc biệt là không được quyền tự quyết định về thu học phí”.
Từ những phần phân tích trên, TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ nếu thay cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” theo ông là không ổn.
“Mục đích cuối cùng của giáo dục là phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng. Vì thế, nếu dùng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo” thì phải khẳng định “giá dịch vụ đào tạo” không đồng nhất với “học phí”, học phí chỉ là một phần trong “giá dịch vụ đào tạo”.
Còn học phí phải do hội đồng trường đề ra, hội đồng trường đó phải đại diện cho cộng đồng, xã hội chứ không phải đại diện cho nhà trường. Nếu không làm rõ những điều đó thì sẽ dẫn tới những biểu hiện không hay, bất lợi, tác động đến quyền lợi của người học”, ông nhấn mạnh.
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin