Tận dụng thời cơ từ nghỉ dịch COVID-19
Từ một cậu bé mồ côi vất vả mưu sinh để có tiền ăn học, Lê Văn Chiến (SN 2001, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã tìm thấy cơ hội kiếm tiền cho bản thân từ đợt học online năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là điều hiếm thấy ở những người bạn đồng trang lứa, đặc biệt là đồng cảnh ngộ.
Sau nhiều năm “lăn lộn” với cuộc sống khó khăn, nam sinh này bắt đầu tự mày mò, tập tành làm các video chia sẻ về cuộc sống của mình trên kênh Youtube.
Chiến nhắc đến công việc này như một cơ duyên bất ngờ: “Đầu năm 2020, trong khoảng thời gian nghỉ học ở nhà vì Covid-19, do thời gian rảnh khá nhiều, em khá “sốt ruột”, nghĩ mình không thể ngồi không mãi được, rồi bất chợt nghĩ đến ý tưởng làm Youtube cho vui. Không ngờ lại nhận được phản hồi tích cực của mọi người. Sau nhiều tháng, kênh của em bắt đầu được bật kiếm tiền”.
Tìm thấy niềm vui, Chiến bắt đầu tìm hiểu về Youtube, tham khảo nhiều thước phim và các kênh cùng nội dung để học hỏi, tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút được người xem.
“Thực ra, hồi đầu, em làm video, cũng có nhiều người chỉ trỏ này kia, thậm chí, có người nói em khùng. Vì ở quê em, vẫn chưa nhiều người biết đến Youtube. Nhiều lúc, em rủ mọi người quay cùng nhưng toàn bị từ chối. Thế là em lại thực hiện một mình”, chàng trai xứ Nghệ không ngại giãi bày.
Kênh Youtube của nam sinh Lê Văn Chiến vừa được nhận nút bạc.
Cứ thế, kênh Youtube của Chiến cũng dần được mọi người biết đến. Mặc dù, gần đây, kênh Youtube của cậu không có tương tác, lượt xem giảm mạnh, số tiền kiếm được cũng không đáng là bao, nhưng với cậu, từng đó cũng đủ để cậu có tiền ăn học suốt hơn một năm qua.
Mới đây, Chiến còn giành được nút bạc mang tên mình từ Youtube với hơn 240.000 lượt theo dõi. Và nút vàng Youtube cũng là một trong những mục tiêu sắp tới của Lê Văn Chiến.
Chàng trai xứ Nghệ tâm sự, khi thực hiện những clip này, không cần bỏ quá nhiều tiền đầu tư, hay chính xác hơn là muốn đầu tư, cũng không có: “Toàn bộ video đều được em quay, dựng trên một chiếc điện thoại “cùi”. Mới đây, có một chút tiền, em mới sắm một chiếc máy tính “xịn” để dựng. Đây cũng là vật dụng đáng giá nhất mà em được sở hữu từ trước đến nay”.
Gần một năm trở lại đây, cuộc sống của cậu trò nghèo Lê Văn Chiến khi xưa đã có nhiều thay đổi. Chiến chia sẻ: “Cuộc sống của em bớt khổ hơn thì bà đã không còn để em báo hiếu. Năm em học lớp 10, bà mất, lúc ấy, em cũng có ý định nghỉ học một lần nữa. Song, em lại tự thức tỉnh mình, rằng, nếu mình bỏ học thì làm sao có thể thoát nghèo? Nếu nghỉ học ngang chừng, sẽ thật uổng phí tâm sức cả bà suốt bao năm trước đó... Vậy là em lại tự đứng lên, bước tiếp chặng đường học tập của bản thân”,nhắc đến bà, đôi mắt Chiến bất chợt đỏ hoe.
Ký ức không quên
Cách đây 8 năm, hình ảnh cậu bé 12 tuổi sống với bà nội đã từng khiến không ít người phải rưng rưng xúc động. Hình ảnh cậu bé da đen nhẻm, gầy gò, ốm yếu cặm cụi, mò mẫm ở ao để bắt ốc kiếm tiền mưu sinh năm ấy, như vẫn còn hiện nguyên trong tâm trí của chính chàng trai 20 tuổi hiện tại. Có lẽ, đó sẽ là những khoảng ký ức không bao giờ quên của cậu.
“Từ khi em được 6 tháng tuổi, bố mẹ đã bỏ xứ đi xa. Em được đặt vào tay bà nội nuôi nấng. Khi ấy, bà đã hơn 70 tuổi, vẫn phải cặm cụi chăm em từng miếng sữa, miếng cháo qua ngày… Bà kể, vì em quá nhỏ, còn chưa dứt sữa, nên ngày ngày, bà phải bế em đi xin sữa khắp làng, đêm thì lọ mọ nấu cơm, chắt nước cho em uống.
Khi em đến tuổi đi học, cũng là thêm “gánh nặng” trên chiếc lưng còng của bà. Ngày nào bà cũng ra đồng, mò cua, bắt ốc, hái rau, thậm chí đi mót lúa… để có thêm “chút đỉnh” nuôi em ăn học”, lật giở lại những bức ảnh cũ, dòng ký ức về thuở bé cũng hiện về trong Chiến.
Chiến sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó.
Khi lớn hơn một chút, Chiến bắt đầu ra đồng mò cua, bắt ốc phụ bà. Cậu càng lớn, cũng đồng nghĩa với chuyện bà ngày càng già yếu. Thương “gánh nặng” tiền ăn học của mình trên vai bà, sau mỗi giờ học, Chiến lang thang khắp cánh đồng hoặc bờ sông Rào Gang, tìm cua, bắt cá để mang bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Dưới cái nắng xuống hầm hập của những buổi trưa hè năm ấy, bàn tay cậu bé Chiến chằng chịt vết xước do bị cua cắp vào, vẫn kiên nhẫn nhặt từng con cua, con ốc..., đổi sự tỉ mẩn ấy, kiếm lại khoảng 20.000-60.000 đồng/ngày.
Những lúc mệt lả không biết tựa vào đâu, trong lòng Chiến chợt cảm thấy ghét bố mẹ vì đã bỏ rơi cậu. Ấy vậy, thời gian dần trôi, Chiến cũng lớn hơn và suy nghĩ cũng khác đi nhiều.
Bất chợt, Chiến nhớ lại những ngày tháng rong ruổi cùng bà, nuôi hy vọng tìm thấy gia đình của mình: “Có 2 năm liên tục, bà dẫn em đi tìm bố mẹ, nhưng chỉ giống như “mò kim đáy bể”, 2 bà cháu hoàn toàn không có chút tung tích gì. Những chuyến đi vô ích đó cũng khiến em không tập trung được vào việc học, lỡ dở mất 2 năm. Đi đến khi chân đã mỏi mà vẫn chẳng thấy bố mẹ đâu, em mới quay về học tiếp. Thành ra, em học tận 3 năm mới xong lớp 1”.
Chiến lên lớp 5, sức khỏe bà “tụt dốc” rất nhanh, không còn sức đi ra ngoài kiếm tiền, cậu bé nhỏ nhắn khi đó bất đắc dĩ trở thành lao động chính, là chỗ dựa của bà nội khi đã bước qua độ tuổi 80. Chiến định bỏ học, phần vì muốn ở nhà chăm sóc bà, phần vì lo không kiếm được tiền trang trải.
May sao, hình ảnh cậu bé mò cua, bắt ốc để phụ bà khiến nhiều người rơi nước mắt vì thương, không ít mạnh thường quân nhận hỗ trợ. Cậu bé lớp 5 có thể tiếp tục đến trường.
Từ đó, năm nào Chiến cũng đạt học sinh Giỏi, đặc biệt năm lớp 8, cậu trở thành Thủ khoa kỳ thi học sinh Giỏi cấp huyện môn Địa lý, và đạt giải Khuyến khích môn Sinh học. Năm lớp 12, Chiến giành giải Ba kỳ thi học sinh Giỏi cấp tỉnh môn Địa lý.
Bí quyết của cậu học trò nghèo chỉ đơn giản là tập trung ghi nhớ: “Em chỉ tập trung học bài khi ở trên lớp và vào mỗi buổi tối thôi, thời gian còn lại, em tận dụng để phụ bà kiếm tiền”.
Kiên định nuôi ước mơ xanh
Mặc dù dành thời gian chăm chút cho kênh Youtube, nhưng nam sinh vẫn học “rất cừ”. Đặc biệt yêu thích các môn Văn, Sử, Địa, nên Chiến đặt rất nhiều kỳ vọng với cánh cổng trường đại học ở khối C.
Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay, Chiến đạt 27,5 điểm ở tổ hợp này và đặt nguyện vọng 1 vào trường Đại học Chính trị với mong muốn trở thành một Sĩ quan Chính trị.
“Không chỉ yêu thích màu xanh áo lính, mà em còn cho rằng, đây là trường của quân đội, nếu em đỗ, thì tương lai sau này sẽ ổn định hơn. Đặc biệt, em sẽ được miễn học phí”, chàng trai 20 tuổi tiết lộ về ước mơ xanh của mình.
Đặt rất nhiều hy vọng với màu xanh áo lính, song, chàng trai 20 tuổi dường như vẫn chưa đủ may mắn, ngành cậu đặt nguyện vọng 1 năm nay lấy đến hơn 28 điểm.
Kém may mắn một chút, nhưng cậu học trò nghèo quyết không từ bỏ ước mơ.
“Ngay lúc biết điểm thi, em cũng lo lắng, định bụng sẽ chuyển nguyện vọng qua Luật Biên phòng của học viện Biên phòng (năm nay chỉ lấy 27,25 điểm), nhưng lại có chút ngập ngừng... Và cuối cùng thì em đã không đỗ được nguyện vọng 1 năm nay.
Nhưng không sao! Mặc dù đỗ các nguyện vọng khác cũng ở một số trường khá tốt, nhưng em lại không yêu thích bằng, vả lại, học phí cũng không phải một chuyện dễ dàng đối với em. Chính vì vậy, em đã quyết định, cuối tuần này sẽ ra Bắc Ninh, xin làm công nhân để kiếm tiền. Sau đó, em có thể kết hợp vừa làm việc ban ngày, vừa ôn tập vào ban đêm để chinh phục lại ước mơ vào kỳ thi năm sau”,ánh mắt Chiến bỗng chốc ánh lên một niềm tin.
Năm nay, cánh cổng trường đại học mơ ước của Chiến chưa rộng mở đón cậu vào, nhưng với sự quyết tâm và ý chí, nghị lực ấy, chắc chắn, cậu sẽ sớm đạt được điều mình mong mỏi.
Tuệ Nhi
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (160)