Tức giận vì bị cán bộ lâm trường tịch thu gỗ, Nam đã mang dao quay lại phân trường bảo vệ rừng Rào Mắc để trả thù.
Báo Giao Thông đưa tin, sáng 20/3, Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Minh Nam (31 tuổi, trú tại thôn Khe Dầu, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội Cố ý gây thương tích.
Đối tượng Lê Minh Nam tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Giao Thông |
Theo đó, khoảng 15h ngày 28/2/2017, cán bộ phân trường Rào Mắc, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tuần tra bảo vệ rừng dọc theo tuyến sông Rào Mắc thì phát hiện Lê Minh Nam (SN 1986); Nguyễn Anh Dũng (SN 1982), cùng trú tại thôn Khe Dầu, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn và Phan Thái Vũ (SN 1998), trú tại thôn Kim Cương 1, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đang có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Ngay lập tức, tổ công tác đã ngăn chặn, thu hồi số lâm sản trên, đồng thời yêu cầu các đối tượng ra khỏi khu vực rừng được bảo vệ.
Theo báo Hà Tĩnh, Lê Minh Nam sau khi trở về nhà đã nghĩ đến việc bị cán bộ lâm trường thu giữ số gỗ nên nảy sinh ý định trả thù. Nam lấy một con dao quắm đi đến phân trường bảo vệ rừng Rào Mắc chém anh Nguyễn Phan Thắng một nhát vào tay khiến cán bộ này phải đi điều trị tại BVĐK Cửa khầu quốc tế Cầu Treo.
Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Hương Sơn đã triệu tập Lê Minh Nam về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan Công an, Nam đã thành khẩn khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình.
Hiện Công an Hương Sơn đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)