Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khối nợ hàng nghìn tỷ đồng của loạt công ty liên quan đến Vietracimex (WTO)

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Theo giới thiệu, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 là các đơn vị thành viên của Vietracimex, đóng vai trò chủ đầu tư hai dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A và Hồng Phong 1B. Kết thúc nửa đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp này ghi nhận dư nợ trái phiếu và nợ phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex – WTO) tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2005, doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Quá trình phát triển của Vietracimex gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Võ Nhật Thăng

Tập trung vào ba lĩnh vực bất động sản, năng lượng và sản xuất công nghiệp, Vietracimex được biết đến là chủ đầu tư dự án Kim Chung – Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức, dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai (Hà Nội),..

Tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, Vietracimex đã đầu tư vào một loạt dự án, tiêu biểu như Nhà máy thủy điện Bắc Mê (Hà Giang); thủy điện Tà Thàng (Lào Cai) và đặc biệt là Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B (Bình Thuận) với tổng mức đầu tư lần lượt 2.832 tỷ đồng và 4.198 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (Hồng Phong 1) và CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 là các đơn vị thành viên của Vietracimex, đóng vai trò chủ đầu tư hai dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A và Hồng Phong 1B.

Trong văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính nửa đầu năm 2023, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (Hồng Phong 1) báo lãi sau thuế gần 71 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,5, tương ứng với khoản nợ phải trả hơn 4.400 tỷ đồng, bao gồm dư nợ trái phiếu 2.200 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2023).

Theo Công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, Hồng Phong 1 có hai lô trái phiếu đang lưu hành (tính đến ngày 30/6/2023). Cụ thể, lô trái phiếu mã HONGPHONG1_BOND_2019_1 có kỳ hạn 5 năm, giá trị còn lưu hành theo mệnh giá là 120 tỷ đồng. Lô trái phiếu còn lại mã HONGPHONG1_BOND_2019_2 có kỳ hạn 15 năm, giá trị còn lưu hành theo mệnh giá là 2.150 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Về Hồng Phong 2, kết thúc nửa đầu năm 2023 , doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 63 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 là hơn 1.046 tỷ đồng. Nợ phải trả và dư nợ trái phiếu lần lượt ở mức hơn 1.600 tỷ đồng và hơn 700 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tính đến ngày 30/6/2023, Hồng Phong 2 có 6 lô trái phiếu mã HP2_BOND_2020_01 đến HP2_BOND_2020_06, với tổng giá trị lưu hành theo mệnh giá là hơn 700 tỷ đồng.

Cả 6 lô trái phiếu này đều được Hồng Phong 2 phát hành trong tháng 5/2020, với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Trong đó, có 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng và 5 lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho trái phiếu là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ngoài ra, Hồng Phong 2 cũng sử dụng quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B và toàn bộ cổ phần của các cổ đông sở hữu tại Hồng Phong 2 để đảm bảo cho các lô trái phiếu trên.

Trong trường hợp tổng giá trị tài sản bảo đảm trên thấp hơn giá trị bảo đảm tối thiểu, Hồng Phong 2 sử dụng thêm các tài sản khác (tiền gửi, bất động sản…) theo quy định của đại lý tài sản bảo đảm. Trái chủ duy nhất mua trọn 6 lô trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).

Một dự án điện gió khác tại Bình Thuận là Dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 cũng được Vietracimex đề cập trong danh sách các dự án của công ty này. Đây là dự án do Công ty Cổ phần Năng Lượng Hòa Thắng (Năng Lượng Hòa Thắng) làm chủ đầu tư.

Về tình hình kinh doanh, liên tiếp hai năm 2021 và 2022, Năng Lượng Hòa Thắng không phát sinh lợi nhuận. Vốn chủ sở hữu trong giai đoạn này đi ngang ở mức 1.034 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 là hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, Năng Lượng Hòa Thắng tiếp tục báo lãi sau thuế ở mức…0 đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận mức 1.034 tỷ đồng; nợ phải trả đến 30/6/2023 gấp 2,45 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng khoản nợ phải trả 2.500 tỷ đồng, bao gồm nợ trái phiếu hơn 1.500 tỷ đồng.

XEM THÊM: Thấy gì từ chất lượng tài sản của Vietracimex (WTO) – chủ đầu tư dự án Kim Chung Di Trạch?

Giống như Hồng Phong 2, Năng Lượng Hòa Thắng cũng sử dụng quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của Dự án Kim Chung – Di Trạch để đảm bảo cho một lô trái phiếu. Cụ thể, lô trái phiếu HTECH2123001 được phát hành thành 2 đợt, giá trị thực tế phát hành là 880 tỷ đồng (đợt 1) và 545 tỷ đồng (đợt 2).

Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 cùng quyền đòi nợ, các khoản thu, lợi tức phát sinh, quyền tài sản gắn với dự án; 100 triệu cổ phần phổ thông của CTCP Năng lượng Hòa Thắng; 3,4 triệu cổ phần do công ty phát hành thuộc sử hữu của bên thế chấp 3,4; quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của dự án KĐT mới Kim Chung – Di Trạch và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án KĐT mới này sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Hiếu Nguyễn

Tin nổi bật