Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho bé trai sơ sinh có khối bướu bạch huyết khổng lồ.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Huỳnh Kim Quỳnh – khoa Phẫu thuật Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay sau khi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng thở oxy kèm khối bướu khổng lồ vùng mặt, cổ, ngực. Khối bướu to chèn ép cổ, đường thở khiến cột sống bé vẹo sang một bên.
Qua siêu âm, bệnh nhi được phát hiện có khối bướu khi còn trong bụng mẹ lúc gần 25 tuần. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã kết hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng hội chẩn, kiếm tra. Khi thai được 36,5 tuần, khối bướu ngày càng to nên các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ.
Khối bướu nặng 1,1kg chèn ép đường thở, đẩy lệch đầu bé sơ sinh sang một bên. Ảnh: Người Lao Động
Ngay sau khi Bệnh viện Từ Dũ mổ lấy thai, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 lập tức đặt ống thở do khối bướu khổng lồ chèn ép đường thở của bệnh nhi. Sau sinh 3 tiếng, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Kết quả xét nghiệm cho thấy khối bướu của bệnh nhi là dị dạng bạch huyết, có biến chứng xuất huyết trong bướu. Sau 3 ngày theo dõi, tình trạng bệnh nhi có biểu hiện xấu, xuất huyết xảy ra bên trong khiến khối bướu ngày càng phát triển lớn, chèn ép đường thở, đẩy lệch đầu của bệnh nhi lệch sang một bên. Khối bướu dọa vỡ có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhi bất cứ lúc nào.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật bóc khối bướu cho bệnh nhi. Ngày 18/11, sau 4 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy hết bướu bao bọc bó mạch. Khối bướu nặng 1,1kg được các bác sĩ bóc tách thành công, cân nặng của bé trai giảm từ 4kg xuống còn 2,9kg.
Theo bác sĩ Quỳnh, ca phẫu thuật khó khăn vì chỉ cần tổn thương khối bướu sẽ khiến bệnh nhi có thể tử vong trên bàn mổ do chảy máu. Rất may, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực, vết mổ khô, không tụ dịch.
Trong khi đó, bác sĩ Đào Trung Hiếu – cố vấn chuyên môn lĩnh vực ngoại khoa Bệnh viện Nhi đồng 1 nói, trong 30 năm công tác, ông chưa từng gặp trường hợp bướu lớn như vậy. Đây là bướu bạch huyết “khổng lồ” hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, mới chỉ vài trường hợp được ghi nhận trong y văn.
“Sau phẫu thuật, cháu bé đã qua được nguy kịch, sức khỏe đang tiến triển tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn định, bé đang được nuôi ăn qua đường miệng”, báo Tiền Phong dẫn lời bác sĩ Hiếu.
Dự kiến sau khi bệnh nhi bình phục hoàn toàn, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, điều trị để ngăn chặn khối bướu tái phát. Bệnh nhi cũng sẽ được vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để có cơ thể phát triển bình thường như những trẻ khác.
Đinh Kim (T/h)