Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương (Nghệ An), các bác sĩ Khoa Tai mũi họng – Răng hàm mặt của bệnh viện vừa gắp thành công con vắt dài 8cm ra khỏi mũi một bệnh nhân.
Sáng 20/2, anh B.V.G (37 tuổi, xã Minh Sơn (Thanh Nho cũ), Thanh Chương, Nghệ An) đã đến Bệnh viện đa khoa Thanh Chương đăng ký khám bệnh với các triệu chứng thường xuyên chảy máu mũi rả rích; cảm giác đau, nhột trong mũi.
Sau khi thăm khám bằng nội soi tai mũi họng, bác sĩ đã phát hiện có con vắt sống và di chuyển trong khe mũi trái, hốc mũi phù nề có điểm chảy máu rỉ rả. Kíp thủ thuật đã nhanh chóng gây tê, tiến hành gắp được nguyên vẹn 1 con vắt dài 8cm trong mũi bệnh nhân. Người bệnh sau đó đã dễ thở, hết ho khạc.
Con vắt sau khi lấy khỏi mũi bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Khai thác tiền sử bệnh lý, người đàn ông cho biết một tuần trước đi rừng và uống nước ở khe suối. Khi về nhà thấy bị chảy máu ở mũi trái và đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân ở TP.Vinh nhưng không phát hiện điều bất thường.
Con vắt thường sống ở nơi ẩm thấp, có thể hút máu rất nhiều. Chúng có giác bám vào lớp niêm mạc mũi, khi hút máu tạo ra chất không đông nên thường không gây đau, rát, khó phát hiện.
Khi cư trú trong mũi ở các ngách khe, vắt gây ra tình trạng chảy máu mũi, phù nề, xuất tiết, nghẹt mũi. Ở thanh quản gây ra tình trạng ho, khó thở thanh quản. Nếu dị vật bị bỏ quên lâu ngày trong hốc mũi sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi kéo dài, thiếu máu mãn tính. Dị vật bám vào thanh quản dễ gây tình trạng tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm đến sinh mạng.
Từ sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng, nương rẫy không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối, sông, hồ. Khi nghi ngờ bị vắt rừng hoặc đỉa chui vào đường thở, biểu hiện thường thấy là cảm giác khó chịu lỗ mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám sớm để phát hiện và gắp ra kịp thời.