Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4 đến nay) hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, thách thức đề ra khi các nước phải đối mặt với nhiều biến chủng mới của virus cũng như bệnh nhân từ các nguồn lây khác nhau. Nếu không kiểm soát được, dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh chóng, vì vậy trong đợt bùng phát dịch này, một số tỉnh thành tại Việt Nam đã áp dụng lệnh giãn cách xã hội như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... nhằm hạn chế sự đi lại của người dân.
Thậm chí đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã trải qua đến 3 đợt giãn cách xã hội, theo đó nhà nước yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định, tránh đi lại và tiếp xúc để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ngoài những cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mọi cửa tiệm, hàng quán đều phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19. Các cửa hàng cắt tóc, làm đẹp, làm nail, phòng tập gym hay các cơ sở làm đẹp như spa cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhu cầu của người dân với các dịch vụ làm đẹp vẫn còn, đông đảo ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội rằng mong muốn được đi cắt tóc, gội đầu, làm đẹp...vẫn tăng cao.
Dịch vụ tại nhà, bán hàng online
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp luật, anh Hoàng Minh, chủ cửa hàng cắt tóc trên đường Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Đợt dịch thứ 4 là lần đầu tiên cửa hàng cắt tóc bị yêu cầu đóng cửa để phòng dịch, lệnh hạn chế ập đến khá nhanh nên tiệm của tôi cũng không tránh khỏi khó khăn. Doanh số bán hàng giảm nên hầu như tất cả đều bị ảnh hưởng, từ nhân viên đến thương hiệu chung của cửa hàng".
Đóng cửa quán là tình cảnh chung của những người thợ làm nail, spa, thợ làm tóc... Ảnh: Báo Lao Động.
Bên cạnh đó, chị Phương Lan, chủ tiệm nail trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho hay: "Những ngày dịch mọi người hạn chế ra đường nên lượng khách cũng vắng vẻ hẳn, cho đến khi phải đóng cửa thì thật sự khó khăn. Tôi bắt buộc phải tìm ra giải pháp để xoay xở tài chính trong đợt dịch này".
Nắm được nhu cầu làm đẹp của khách hàng nhưng vẫn phải hạn chế tiếp xúc, những cơ sở làm đẹp đã chọn cách phục vụ tại nhà. Nói về những biện pháp tạm thời trong ngày dịch, anh Minh nói: "Tôi tham khảo và trao đổi với khách hàng qua mạng thì thấy khách hàng vẫn có nhu cầu cắt tóc rất cao. Tôi và mọi người trong cửa hàng đã có kế hoạch mở dịch vụ cắt tóc tại nhà.
Hình thức là đăng bài trên Facebook để khách đặt lịch trước sau đó tôi cứ theo thời gian để đến nhà khách. Dù số lượng không nhiều như cắt ở salon nhưng cũng là cách giữ được khách hàng trong thời gian này. Tuy nhiên, từ khi áp dụng quy định giãn cách xã hội, biện pháp này của tôi cũng khó được thực hiện".
Trong khi đó, chị Phương Lan cho hay: "Trước đây tôi cũng từng thử đến nhà làm nail cho khách nhưng tần suất khá ít. Lần này phải đóng cửa hàng nên đây là cách duy nhất để công việc của tôi không bị ngừng hẳn. Tôi chỉ kinh doanh cửa hàng nhỏ nhưng cũng gặp ảnh hưởng ít nhiều, chi tiêu cho gia đình, con cái cũng phải giảm đi đáng kể. Thậm chí, tôi còn phải tìm những công việc online tại nhà khác để kiếm thêm thu nhập".
“Đối với những người kinh doanh cửa hàng nails như tôi, hiện tôi có một ý tưởng kinh doanh khác trong mùa dịch, đó là bán những bộ khuôn móng được vẽ sẵn, tôi có thể làm trước một số mẫu mã đẹp hoặc làm theo nhu cầu riêng của từng khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại shipper đi lại cũng khó khăn nên kế hoạch này của tôi cũng gặp nhiều hạn chế”, chị Lan nói thêm.
Chia sẻ về những việc làm trong thời gian nghỉ dịch, anh Minh cho biết: “Để vẫn duy trì được tương tác và không bị mất khách, tôi và mọi người tại cửa hàng có ý tưởng tạo kênh Tiktok để chia sẻ, trao đổi với khách hàng về các mẫu tóc đang được yêu thích, những hình ảnh mẫu tóc đẹp tôi đã từng làm…Ban đầu tuy hơi khó khăn nhưng khi đầu tư ý tưởng và thời gian thì sau một vài video, lượng tương tác và giao lưu trên kênh Tiktok cũng đã dần được cải thiện. Tôi cũng có nhiều cơ hội, thời gian hơn trước để chia sẻ những bí kíp chăm sóc tóc cho các chị em. Trước đây vì bận bịu làm việc ở cửa hàng nên tôi không có cơ hội để triển khai ý tưởng này”.
Khó khăn chồng chất với loại dịch vụ "không thiết yếu"
Đánh giá về khó khăn của các cơ sở kinh doanh làm đẹp trong thời gian này, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay: "Do đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở các tỉnh thành tại Việt Nam, ở nhiều nơi cũng áp dụng lệnh giãn cách xã hội, hơn nữa lần này nhà nước thực hiện các biện pháp phòng dịch khá nghiêm ngặt. Vì vậy, việc sản xuất kinh doanh kể cả các loại dịch vụ trong cộng đồng thì hầu hết đều gặp khó khăn và phải đóng cửa.
Đối với dịch vụ làm đẹp, cũng giống như các loại dịch vụ hàng hóa không được coi là thiết yếu gần như họ phải đình trệ hẳn. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh phải dẫn đến tình trạng đóng cửa và buộc cho nhân viên nghỉ việc".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Báo Công Thương.
Chia sẻ về giải pháp giải quyết khó khăn cho ngành dịch vụ làm đẹp trong mùa dịch COVID-19, ông Thịnh nói: "Trong bối cảnh nhiều nơi đang phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thực hiện lời kêu gọi "ai ở đâu thì ở yên đó", việc đưa ra giải pháp trong thời gian này thật sự khó khăn. Việc quay lại phục vụ sản xuất cho người tiêu dùng rất khó vì bây giờ thậm chí mọi người còn không thể ra đường. Khó khăn với các ngành dịch vụ có thể nói là chồng chất.
Phải thú thực, một tỷ lệ rất lớn các hộ kinh doanh cũng như những doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp thì họ đã phải tuyên bố xin nghỉ trong khoảng thời gian giãn cách này, thậm chí không xin nghỉ thì vẫn phải nghỉ.
Hơn nữa, để không bị ảnh hưởng tiêu cực sau này hay tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra trong tương lai thì nhiều doanh nghiệp đã báo với các cơ quan quản lý là họ xin nghỉ trong thời gian dịch bệnh này.
Thực ra nhà nước chắc chắn cũng hiểu và sẽ có hành động miễn giảm thuế theo tinh thần đã đề xuất là giảm 50% thuế trong 6 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, kể cả những chính sách đó được áp dụng thì các hộ kinh doanh cũng như cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp cũng đã xin nghỉ rồi".
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 92 được Chính phủ ban hành tháng 10/2021, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn, sẽ được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV năm 2021. Với những ảnh hưởng nặng nề vì đóng cửa ngừng kinh doanh suốt nhiều tháng để phòng dịch COVID-19, ngoài những chính sách miễn thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng... vừa kể, các cơ quan chính phủ cũng cần phải đưa ra các chính sách về tiếp cận vốn, sửa đổi các quy định tại Luật Thuế, Luật Thương mại... nhằm khuyến khích, khôi phục ngành dịch vụ không thiết yếu nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Bích Thảo