Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công nghệ là “chìa khoá” giúp các Freelancer “vượt khó” mùa dịch

(DS&PL) -

Giống như nhiều lao động khác, Freelancer, còn được biết đến là người hành nghề tự do, cũng gặp không ít khó khăn trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát.

Freelancer liệu có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?

Freelancer là thuật ngữ sử dụng để chỉ những người hành nghề tự do. Qua công việc này, những người lao động được tự do thu xếp công việc của mình mà không có bất cứ giới hạn nào về thời gian, địa điểm làm việc. Họ có thể tự do làm việc mọi lúc, mọi nơi nhưng vẫn phải đáp ứng thỏa thuận của người thuê. Với việc được linh động về thời gian và công việc, Freelancer đã trở thành một xu hướng việc làm lý tưởng với nhiều người trẻ hiện nay.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Đời sống & Pháp luật, bạn Thu Hằng (SN 1998, trú tại Hà Nội), cho biết đã có 2 năm làm việc tự do ở mảng sáng tạo nội dung. Theo đó, Hằng chia sẻ bạn đảm nhận công việc này từ thời gian dưỡng thai đến nay, khi đang chăm con. Tính linh hoạt của công việc đã giúp bạn có thời gian vừa chăm lo gia đình nhưng vẫn có thể làm việc, kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố, Freelancer giống như bao người lao động khác, cũng gặp phải không ít khó khăn.

Nhận xét về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, chia sẻ: “Freelancer là những người hành nghề tự do. Hiện tại đâu có tự do đi lại, làm sao hành nghề tự do được? Thành ra những người hành nghề tự do hiện tại rất khó khăn. Tuy nhiên, những người hành nghề tự do chẳng hạn như người viết báo, buôn bán hay cung cấp dịch vụ có thể lên online làm những chuyện đó. Thế nhưng online đến cuối cùng các sản phảm dịch vụ phần lớn vẫn là sản phẩm vật chất, trừ trường hợp một số dịch vụ mà nó mang tính cách không phải vật chất như môi giới hoặc tư vấn tài chính, pháp luật, là những sản phẩm trừu tượng có thể đưa qua hệ thống online. Chính vì thế tại thời điểm này, khi dịch bệnh đang tác động lên mọi nền kinh tế, mọi lĩnh vực của kinh tế thì vấn đề hành nghề tự do rất khó khăn”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. Ảnh: FBNV

Bày tỏ quan điểm tương tự, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh, những người làm việc tự do hiện là nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch bệnh.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Lao động tự do trong điều kiện COVID-19, đặc biệt tại những vùng giãn cách xã hội, là những người gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Rõ ràng họ đang cần sự hỗ trợ của xã hội. Trong điều kiện như hiện nay, nhiều đối tượng và nhiều người cần lắm nhưng những người lao động tự do họ không có hợp đồng lao động, không có công ăn việc làm cố định nên thu nhập cũng bấp bênh, chỗ có chỗ không. Với việc giãn cách xã hội như này rất nhiều người lo đến việc thiếu ăn chứ đừng nói đến những cái khác”.

Theo chia sẻ của Thu Hằng, công việc của bạn là tạo ra những sản phẩm online nên trong thời gian dịch bệnh cũng không rơi vào cảnh thiếu việc làm như nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, công việc của Hằng phân bố không đồng đều, có thời điểm rất nhiều việc nhưng cũng có khi không có việc làm. Với việc không có một công việc cố định, thu nhập của bạn đã bị ảnh hưởng khá nhiều.

Giải pháp nào có thể hỗ trợ các Freelancer?

Chia sẻ về giải pháp khắc phục những khó khăn về vấn đề tài chính khi làm việc như một Freelancer, Thu Hằng cho biết, cách duy nhất bạn có thể làm để khắc phục khó khăn là chăm nhận việc hơn và hạn chế tiêu dùng không cần thiết.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đã chỉ ra 4 yếu tố cần thiết, được xem là “chìa khoá” có thể hỗ trợ công việc của các Freelancer trong thời gian dịch bệnh còn đang diễn biến nghiêm trọng.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ cho công việc của các Freelancer trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Trở lại vấn đề, những ngành nghề dịch vụ có sản phẩm trừu tượng có thể được sử dụng online, ngay cả những sản phẩm mang tính vật lý như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, những Freelancer có thể sử dụng hệ thống online hoặc mạng xã hội để để thực hiện công việc, cung cấp dịch vụ. Thời đại này là thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, những nguyên tố này hỗ trợ việc thực hiện những vấn đề trên rất tốt”.

Trong đó, ông Hiếu chỉ ra yếu tố đầu tiên có thể hỗ trợ công việc cho các Freelancer là điện thoại di động, Smartphone. Ông cho biết Smartphone là công cụ hữu hiệu để những Freelancer truyền thải thông tin, cung cấp dịch vụ.

Thứ 2, về mặt kỹ thuật, những băng chuyền của hệ thống truyền tải tin tức ngày càng lớn cũng là một yếu tố có lợi cho các Freelancer. Ông Hiếu nhận xét: “Như trước chúng ta đã có 1G, 2G, 3G, hiện nay đang là 4G và tới đây sẽ là 5G. Với băng tầng rộng ra như thế, việc truyền tải tin tức sẽ rất nhanh chóng”.

Tiếp đó, yếu tố thứ 3 được chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra là mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo. Những mạng xã hội đó là các công cụ rất hữu hiệu để các Freelancer có thể sử dụng để quảng bá sản phẩm của họ.

Yếu tố cuối cùng được nhắc tới là trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, y tế tới thương mại điện tử. Ông Hiếu cho biết trong tương lai vai trò của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống sẽ càng lớn, có thể thay thế và được sử dụng nhiều hơn trong công việc.

Tiến sĩ Hiếu kết luận: “4 yếu tố trên từ Smartphone cho đến băng thông để truyền tải thông tin, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các Freelancer thực hiện các giao dịch của mình”.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho lực lượng lao động tự do, Luật gia Đoàn Hằng – Thạc sĩ luật của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động được gọi là lao động tự do. Hiện nay, Nhà nước mới có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội khác cho nhóm lao động khu vực chính thức, chứ chưa có chính sách nào cho nhóm lao động tự do.

Lao động tự do không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Những năm gần đây, nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân nhưng lao động tự do tham gia rất ít. Do công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài khiến họ không thể theo đến cùng. Nhiều chế độ chính sách của nhà nước dành cho người lao động cũng không nhắc tới đối tượng này.

Thời gian qua, nhằm tập hợp lao động tự do vào một tổ chức để dễ quản lý và bảo vệ quyền lợi cho họ. Hiện nay, công đoàn các cấp cũng đang tích cực thành lập các nghiệp đoàn, tập hợp lao động tự do cùng hoạt động chung một lĩnh vực, ngành nghề với nhau vào một nghiệp đoàn để tiện quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, về quản lý mặt nhà nước, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với lao động tự do; các tỉnh cũng cần có chính sách quan tâm giải quyết việc làm trên địa bàn, gắn đào tạo với cung cấp lao động.

Theo luật gia Đoàn Hằng, chính phủ ần có các chính sách nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ lao động khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức; tạo điều kiện hơn nữa về đất đai cho doanh nghiệp địa phương để mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại chỗ, đào tạo nghề cho người lao động.

Nên chăng cần có sự thừa nhận chính thức loại hình lao động tự do này bằng việc xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Sự thừa nhận và hợp pháp hóa loại hình lao động phi chính thức này là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của đối tượng lao động khu vực tự do.

Qua đó cần có những biện pháp bảo vệ và tổ chức đứng ra đại diện cho lực lượng lao động tự do đang ngày càng phát triển; có những biện pháp tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm. Đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mới lấp đầy khoảng trống an sinh xã hội.

Có thể dễ dàng nhận thấy, những người hành nghề tự do là một trong những lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua. Bên cạnh yếu tố công nghệ là "chìa khóa" giúp các Freelancer thì chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng là cánh cửa quan trọng giúp lực lượng lao động này tìm được công việc giữa thời điểm dịch COVID-19 phức tạp. Trên thực tế, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ bằng lực lượng lao động tự do bằng các chính sách như Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 hay một số hỗ trợ khác tùy thuộc vào từng tỉnh, thành, tuy nhiên lực lượng lao động dễ bị tổn thương này rất cần được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đặc biệt là trong thời điểm số lượng việc làm bị thu hẹp, tỷ lệ cạnh tranh cao như hiện tại.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Minh Hạnh

Tin nổi bật