(ĐSPL) - Nhiều người bị ngã xuống sông khi đi qua cây cầu "ma ám" may mắn thoát chết kể lại: “Đang đi trên cầu mà tự nhiên hoa mắt chóng mặt, như có người lôi kéo xuống sông”.
Cầy cầu hơn 50 tuổi
Cho đến nay, cầu Phương Nhị hay còn gọi là “cầu khỉ”, cầu “ma ám”, bắc qua nhánh của sông Nhuệ, nối thôn Phương Nhị (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) với thôn Trình Viên (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) đã tồn tại khoảng hơn 50 năm.
Trước đây, cầu được làm bằng những thanh sắt đường ray tàu hỏa, mặt cầu được lát bằng tre. Để đi qua cầu, rất nhiều người phải nằm rồi “bò” qua chứ không dám đi.
Cho đến nay, cây cầu "ma ám" đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn chỉ được làm tạm bợ, lát bằng gỗ và không có lan can, rất nguy hiểm. |
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần sửa chữa nhưng đến nay, cầu vẫn chỉ được làm tạm bợ và rất xập xệ. Theo quan sát của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, cây cầu dài khoảng 30m, rộng 1m. Chân và thân cầu được làm bằng sắt, mặt cầu được lát bằng những mảnh gỗ nhưng nhiều mảnh đã có dấu hiệu mục nát. Mỗi bên thành cầu được giăng ba sơi sắt 8 mỏng manh. Mỗi khi có xe máy đi qua, cây câu rung lên bần bật.
Run rẩy khi đi qua cầu
Theo nhiều người dân nơi đây, cầu khỉ đã cướp đi mạng sống của nhiều người và tình trạng người qua cầu ngã xuống sông mà thoát chết vẫn diễn ra liên tục.
Nhiều người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ tai nạn thương tâm xảy ra cách đây mấy năm về trước, khi họ tận mắt chứng kiến một người đàn ông đang đi trên cầu ngã nhào xuống sông, đập đầu vào đá và tử vong tại chỗ.
Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Khóa, phó thôn Phương Nhị, vụ tai nạn thương tâm mới đây nhất là vào khoảng 19h ngày 10/8/2013, khi chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1983, ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi mua thuốc về chữa bệnh. Khi qua cầu được làm bằng vài thanh sắt, gỗ mục, không có lan can, chị Hiếu ngã xuống sông và bị nước lũ cuốn trôi.
Ông Nguyễn Đức Khoa, phó thôn Phương Nhị, dẫn phóng viên ra xem thực tế cây cầu. |
Sau những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra, người dân trở nên hoang mang, lo sợ mỗi khi qua cầu. Nhiều người đặt cho cây cầu cái tên đầy ghê rợn “cầu ma ám” và thêu dệt nên những câu chuyện mang màu sắc liêu trai.
Cô Nguyễn Thị Mai, người hàng ngày ra trông coi và thu vé qua cầu, cho biết: “Tôi ở đây từ sáng đến tối nên tôi biết, tình trạng người đi qua cầu bị ngã xuống sông diễn ra thường xuyên. Nhiều người ngã sông may mắn thoát chết kể lại rằng: “Đang đi trên cầu tự nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt rồi như có ma, có người nào đó lôi, kéo xuống sông”. Nguy hiểm lắm ngã xuống sông nếu không gặp người đi qua thì không lường trước được chuyện gì”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vì cầu khỉ nối liền hai thôn của huyện Phú Xuyên và Thanh Oai (Hà Nội) nên để không mất nhiều thời gian đi lại, hàng ngày người dân nơi đây vẫn bất chấp nguy hiểm, đùa giỡn với tử thần để đi qua.
Không có lan can, mỗi bên thành cầu được giăng ba sợi sắt 8. Người đi qua cầu chỉ cần bất cẩn một chút là thụt chân xuống sông. |
Phó thôn Phương Nhị cho hay, chuyện nhiều người dân đồn đại đi qua cầu bị hoa mắt chóng mặt là có thật, tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Tôi không tin có chuyện ma ám ở cây cầu này. Là một cán bộ địa phương tôi rất lo lắng khi thấy hàng ngày người dân phải bất chấp nguy hiểm để qua cầu. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người dân phải dắt xe khi qua cầu nhưng nhiều người đi quen, do vội hay xe chở hàng nặng nên cứ liều lĩnh đi qua. Chúng tôi thường xuyên phản ánh tình hình và đề cập lên cấp trên xin kinh phí làm cầu nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là phải chờ. Mấy năm trước, tôi nghe nói có dự án làm cầu mới, thấy có đoàn về đo đạc rồi nhưng không hiểu sao giờ vẫn không thấy có gì thay đổi”.
Đỗ Đức