Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi trứng kiến thành đặc sản nguy hiểm rình rập thợ săn và người ăn

(DS&PL) -

Hàng năm cứ vào tháng 3 Âm lịch, người dân vùng núi Ba Vì (Hà Nội) lại nô nức đi săn trứng kiến để làm các món đặc sản vừa lạ miệng vừa bổ dưỡng.

Hàng năm cứ vào tháng 3 Âm lịch, người dân vùng núi Ba Vì (Hà Nội) lại nô nức đi săn trứng kiến để làm các món đặc sản. Nó vừa lạ miệng vừa bổ dưỡng. Người dân nơi đây vẫn kháo nhau: “Lên Ba Vì mà không ăn đặc sản làm từ trứng kiến quả là sai sót khó chấp nhận được”.

Mùa săn trứng kiến

Trứng kiến được xem là món ăn đặc sản dân tộc, là thứ "lộc rừng" nên luôn được cho là an toàn, sạch sẽ, được lòng người ăn, đặc biệt là các đấng mày râu yêu thích của lạ. Thế nên giá của trứng kiến trước đây luôn cao ngất ngưởng. Có giai đoạn đỉnh điểm, trứng kiến có giá lên đến 700.000 đồng/kg.

Ngày nay, khi nhiều nơi đã bắt đầu biết khai thác tài nguyên trứng kiến, một số vùng còn nuôi trồng kiến để lấy trứng và bảo vệ mùa màng thì giá trứng kiến đã hạ nhiệt. Nhưng dù giá bán có giảm bớt thì vẫn đủ để các gia đình ở Ba Vì (Hà Nội) hành nghề săn trứng kiến có thu nhập khá, đặc biệt là trong tháng 3 - 4 Âm lịch.

Trứng kiến được bán với khoảng 250 -300 nghìn đồng/kg.

Chia sẻ với báo chí, anh Cấn Thành Trung, một người có kinh nghiệm săn trứng kiến ở xã Kim Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, tổ kiến thường ở trên các ngọn cây, người săn trứng phải trèo khá cao mới có thể tiếp cận được. “Đi lấy trứng kiến phải chọn hôm trời nắng to thì khi lấy tổ kiến xuống, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, lúc đó chỉ còn lại hạt trứng kiến. Còn đi lấy vào hôm trời không nắng hoặc mưa kiến, thường nằm im trong tổ, lúc này công việc lấy trứng kiến sẽ vất vả hơn nhiều”, anh Trung cho biết.

Cũng theo anh Trung, tổ kiến nào có màu đen bạc, cành cây bị nghiêng xuống, khi chặt xuống cầm thấy nặng tay thì tổ kiến đó sẽ nhiều trứng và chất lượng thì khỏi phải bàn.

Hiện đang vào mùa “săn” trứng kiến nên giá cả cũng theo đó mà có biến động. Anh Trung cho hay, trứng kiến hiện được bán khoảng 250 -300 nghìn đồng/kg. Khách mua thường phải đặt trước vài ngày vì còn phụ thuộc thời tiết, chỉ có những ngày nắng người dân mới đi săn.

“Để săn có năng suất và không mất thời gian, người đi săn cần phải dùng một cành cây thả vào tổ để kiến rời đi. Cần thay cành cây liên tục cho đến khi hết kiến thì mới bắt đầu thu hoạch trứng. Nói chung, việc này cần sự khéo léo, sáng tạo và có phần kiên nhẫn”.

Anh Hải Phong (41 tuổi, Ba Vì) từng có 5 năm săn trứng kiến cho biết, sau khi lấy trứng kiến về người dân sẽ sàng sảy để lọc hết tạp chất. “Trước khi đem trứng kiến đi chế biến món ăn, chúng tôi thường sàng sảy để lọc sạch hết tạp chất. Đôi khi, những tạp chất kết dính nhau cần dùng tay trần để gỡ chúng ra. Có như thế, nhìn trứng kiến mới đẹp mắt, thu hút người mua và được giá cao”, anh Phong tiết lộ.

Cũng theo anh Phong, những người sành ăn ở Hà Nội thường lên tận nhà dân ở Ba Vì để chờ mua trứng, sau đó đem về nấu xôi trứng kiến, làm trứng kiến cuốn lá lốt. “Có người còn nói với tôi họ thích ăn bánh làm từ trứng kiến và nghiện món này”, anh Phong nhấn mạnh.

Hiểm nguy rình rập

Nói về những khó khăn trong quá trình đi “săn” trứng kiến, anh Phong lắc đầu: “Thực ra, để có thu nhập tốt từ nghề săn trứng kiến không phải ai cũng có thể làm được. Nói chung, mỗi nghề có một cái khó, cái khổ riêng”, anh Phong cho hay.

Cũng theo anh Phong, những người từng đi lấy trứng kiến thì việc bị kiến hay muỗi rừng đốt là thường, có khi phải leo lên ngọn cây cao mà lôi tổ kiến xuống, nếu không cẩn thận đụng vào rắn, rết rất nguy hiểm. Lại có tổ kiến làm trên cây sơn nếu không biết đụng phải cây này sẽ bị sơn ăn sưng vù mặt mũi...

Kể về một “tai nạn” khi làm nghề anh Phong nhớ lại: “Hồi mới đi lấy trứng kiến tôi gặp không ít tình huống nguy hiểm. Tôi nhớ nhất là một hôm tôi đi qua một cây sơn lớn, khi đó tôi phát hiện một tổ kiến to bằng chậu rửa mặt. Do không biết rằng cây sơn độc nên tôi cứ bất chấp trèo lên. Mặc cho nước mắt nước mũi chảy tôi vẫn ráng để lấy cho bằng được. Ai ngờ, khi hạ được tổ kiến thì tôi ngất xỉu...”.

Sau lần đó, anh Phong càng hiểu hơn công việc mình đang làm. Anh không ngừng tích lũy kinh nghiệm để có thể tránh được những rủi ro rình rập khi làm nghề.

Bàn về việc ăn trứng kiến, GS. Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, trứng kiến là cách gọi dân gian cho giai đoạn phát triển trước trưởng thành, chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng và nhộng kiến được bọc trong một vỏ mỏng màu trắng. Còn trứng kiến thật khi được đẻ ra rất bé, có khi bằng mắt thường cũng khó nhận biết.

Những trưởng hợp ăn “trứng kiến” hay uống rượu kiến bị ngộ độc, nhẹ thì có thể do cơ địa không phù hợp, vì ở kiến trường thành có nọc độc chứa axit foocmic. Trường hợp nặng, thậm chí chết người thì phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Có trường hợp khi thu bắt kiến, để tránh kiến đốt có người phun thuốc trừ sâu vào tổ kiến, để kiến chết rồi mới thu bắt, cũng có thể trong khi chế biến lẫn kiến với các tạp chất gây ngộ độc hoặc một số các thể kiến đã bị thối rữa nhiễm khuẩn...

Cảnh báo của chuyên gia

Theo GS. Bùi Công Hiển, khi sử dụng kiến nói riêng, các loài côn trùng khác làm thực phẩm cần có hiểu biết nhất định và cần thận trọng, cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Một điều đáng lưu ý mà GS. Bùi Công Hiển cảnh báo là hiện nay, trào lưu uống rượu ngâm trứng kiến khá phổ biến. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc cho người sử dụng.

Lý do là trứng kiến đem ngâm rượu thường rất lâu mới đem ra dùng. Khoảng thời gian đó, trứng kiến thường bị biến đổi hóa chất, thành những chất có độc tố cho cơ thể. Hơn nữa cho đến nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào về thành phần sinh hóa trong rượu ngâm kiến để khẳng định tác dụng của nó.

Đối với quan niệm coi trứng kiến là đặc sản, thực tế khoa học chưa chứng minh thành phần của loại thực phẩm này. Hơn nữa trứng lại có những thành phần lạ, tuy là protein tốt nhưng người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin...

Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó có ở nơi ẩm thấp, rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Sử dụng trứng kiến này, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn có hại.

Thanh Bình

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 67

Tin nổi bật