Bài bình luận đăng trên National Interest nhận định: Đã đến lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nên rút quân khỏi Syria, để họ tự giải quyết vấn đề nội bộ của đất nước.
Quân đội chính phủ Syria đang giành thế áp đảo trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm. Ảnh: Reuters |
Cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã quyết định đưa quân đến Trung Đông, chiến đấu ở Iraq, Libya, Syria và Yemen. Kết quả dao động từ đáng thất vọng đến thảm họa, bài viết của tác giả Doug Bandow - một thành viên cao cấp tại viện Cato, cựu trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Ronald Reagan đánh giá.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump nhiều lần nói rằng ông không muốn có thêm những xung đột như vậy. Hồi tháng 4/2018, một lần nữa ông chủ Nhà Trắng tuyên bố muốn đưa lính Mỹ trở về nhà. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Dường như đã đến lúc ông Trump phải chịu trách nhiệm về chính sách của Mỹ và chấm dứt các cuộc chiến không cần thiết đối với đất nước. Syria sẽ là một nơi tốt để bắt đầu hướng đi này.
Các cuộc nội chiến nhiều bên hiếm khi kết thúc tốt đẹp, đặc biệt là hầu hết các nhóm chiến binh đều sẽ thua cuộc. Cuộc xung đột cuối cùng như vậy là Lebanon, bắt đầu từ năm 1975 và cuối cùng kết thúc vào năm 1990. Cựu Tổng thống Ronald Reagan đã can thiệp thay mặt chính phủ danh nghĩa của quốc gia này. Cuối cùng, đại sứ quán Mỹ và doanh trại của Thủy quân lục chiến bị phá hủy để trả đũa.
Cựu Tổng thống Reagan khi đó đã nhận rằng, hướng hợp lý nhất là cần phải rút quân về nước. Ông không quan tâm đến việc phe nào tăng giảm ảnh hưởng ở Beirut. Ông nhận ra rằng Mỹ không đáng phải chịu nhiều tổn hại trong một cuộc chiến mà bản thân họ không liên quan.
Đã đến lúc Tổng thống Trump phải làm điều tương tự ở Syria.
Trong quá khứ, Washington đã cố gắng đồng thời lật đổ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giúp đỡ các nhóm phiến quân “ôn hòa”, hợp tác với người Kurd, giành được sự giúp đỡ từ người Thổ Nhĩ Kỳ, làm hài lòng Israel và đối đầu với Iran. Một loạt các mục đích như vậy khiến nước Mỹ không bao giờ có cơ hội thành công. Rất ít nhà hoạch định chính sách Mỹ có sự hiểu biết và năng lực cần thiết để đạt được ngay cả một trong vài mục tiêu đó, chứ đừng nói đến tất cả.
Mỹ rất khó đạt được các mục tiêu ở Syria nên cần sớm rút quân? Ảnh: Independent |
Trong những năm qua, lực lượng chính phủ của ông Assad đã dần dần chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình. Mặc dù vậy, hàng trăm ngàn người dân Syria đã thiệt mạng, nhiều khu vực bị phá hoàn toàn, Damascus trở nên phụ thuộc vào đồng minh Nga và Iran. Thế nhưng, rõ ràng ông Assad vẫn là người đàn ông cuối cùng đứng vững.
Đối với Mỹ, rõ ràng Syria là một thảm kịch chứ không phải mối đe dọa an ninh. Cộng hòa Ả Rập Syria đã liên minh với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh những cũng không mang đến hậu quả rõ rệt nào với Mỹ. Ngày nay, có vẻ như Nga cũng chỉ đang cố gắng duy trì một cái bóng của vị trí trước đó.
Mặc dù bị Washington chỉ định là nhà nước tài trợ khủng bố nhưng trên thực tế quốc gia này chưa bao giờ là mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ. Do đó, không có lý do gì để Washington lo lắng về tương lai chính trị của ông Assad. Lập luận chính đáng mơ hồ duy nhất cho sự can dự của Mỹ là sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, vốn đe dọa các quốc gia Trung Đông chứ không phải Mỹ.
Mỹ có khả năng đánh bại IS, nhưng một số đồng minh trước đây của họ lại bắt đầu xa lánh để chuyển sang những mục tiêu cá nhân. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã hậu thuẫn các nhóm phiến quân để thực hiện mục tiêu về người Kurd ở Syria; Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chuyển hướng sang cuộc chiến ở Yemen; Israel chủ yếu nhắm vào các đồng minh của Syria là Iran và Hezbollah.
Tổng thống Trump ban đầu cho rằng Mỹ sẽ chỉ ở lại Syria cho đến khi nào IS bị đánh bại. Hồi tháng 9/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã nhấn mạnh: Hiện tại, quân đội của chúng tôi ở Syria đang ở đó vì một mục đích, và điều đó theo sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc về việc đánh bại IS. Tuy nhiên, chính điều đó cho thấy quân đội Mỹ nên sẵn sàng rời đi vì các thành phần quân sự ở Syria đang gần đi đến sự kết thúc không thể tránh khỏi. Sự sụp của IS chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc đã nói đến lợi ích thứ cấp về sự hiện diện của Mỹ ở Syria, bao gồm cả việc chống lại Iran. Những người ra quyết định khác trong chính phủ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã thể hiện mục tiêu này một cách công khai hơn. Vào tháng 9, ông Bolton tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ không rời khỏi quốc gia Trung Đông chừng nào Iran còn lại đây.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ về Iran bị coi là không thực tế. Nước Mỹ có thể không thích sự hiện diện của Iran, nhưng Tehran đã được Chính phủ Syria hợp pháp mời vào giúp đỡ một cách chính thức, Moscow cũng vậy trong khi Washington thì không.
Nước Mỹ cho đến nay đã chi 5,9 nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông và Nam Á. Khoảng 15.000 người Mỹ, bao gồm cả quân nhân và nhân viên quân sự, cùng với 1.500 nhân viên đồng minh khác đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người Mỹ bị thương. Kết quả cuối cùng là xuất hiện nhiều kẻ khủng bố nhiều hơn, kém ổn định hơn, các quốc gia bị tàn phá, các Chính phủ sụp đổ và vô vàn những cái chết.
PHUƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)