Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi nào dịch COVID-19 ở Hà Nội đạt đỉnh?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, một số chuyên gia nhận định số ca mắc trên địa bàn có khả năng đạt đỉnh trong 2 tuần nữa, tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Tri Thức Trực Tuyến, phát biểu trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội sáng ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhận định diễn biến dịch của TP đang phức tạp với số ca mắc có ngày lên đến hơn 10.000 ca, trong đó 95% số ca nhiễm điều trị tại nhà.

Tính đến thời điểm hiện tại, 74 xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã chuyển mức độ dịch sang cấp độ 3 (vùng cam). TP  luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.

“Diễn biến này đã gây áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong đó gánh nặng đang là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh, trong khi chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi; bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm với lực lượng tuyến đầu”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội có khả năng đạt đỉnh trong 2 tuần nữa, tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh minh họa: VietNamNet

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết TP đang đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ của biến thể Omicron. Việc này còn phải chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tuy nhiên trên thực tế, biến thể mới này có thể đang xuất hiện trong cộng đồng song hành với biến thể Delta.

Lo ngại biến thể Omicron có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan dịch COVID-19 hiện rất nhanh, ông Chu Ngọc Anh cho hay một số chuyên gia nhận định số ca mắc ở Hà Nội tiếp tục tăng cao và khả năng đạt đỉnh trong nửa tháng nữa, tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. TP cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ kết hợp với tăng cường ý thức người dân.

Cũng tại cuộc họp, các địa phương đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã phường phường hiện nay. Điển hình như quận Hà Đông, số ca mắc COVID-19 gia tăng nhưng  trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1. Quận cũng đã chủ động liên hệ các bệnh viện, trường y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ nhân dân.

Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm  đề xuất thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương; Bảo hiểm xã hội linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm cho các F0 khỏi bệnh nhanh nhất, vẫn đảm bảo chủ động lực lượng tại cơ sở…

Đối mặt với bài toán khó, Giám đốc sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung TP đã làm việc: Điều trị bệnh nhân tầng 2 và 3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, ngành y sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh người dân ở một số địa bàn gặp khó khăn trong việc xác nhận F0 hoặc đã khỏi bệnh để toán bảo hiểm y tế, lãnh đạo sở Y tế Hà Nội thừa nhận có việc này xảy ra.

Báo Tin Tức dẫn lời bà Trần Thị Nhị Hà cho biết trong tuần qua, một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn… Một số nơi có tình trạng người dân phải xếp hàng, gây bức xúc nhưng cũng có nơi chưa xảy ra hiện tượng quá tải nhờ sự vào cuộc quyết liệt, huy động được mọi lực lượng, bố trí khoa học.

Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho rằng, lực lượng y tế địa phương là rất quan trọng. Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online cũng được.

Ngoài ra, các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng BHXH), cần huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… thì mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời. Phải ứng dụng công nghệ thông tin vào chống dịch một cách tối đa.

Nói thêm về vấn đề trên, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường khi yêu cầu phải vào cuộc sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt. Các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các địa phương cần tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân.

Mọi người dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà, cũng như cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí; không gây hoang mang, lo lắng; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, đảm bảo quy trình…

Bên cạnh đó, ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, xã, phường phải “đốc” đến tận nhà, nắm rõ và cập nhật liên tục các số liệu liên quan đến COVID-19.

Các địa phương cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở. Việc quá tải, khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm…, cần phải sớm có giải pháp như sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất.

Hệ thống y tế cơ sở cần kiểm soát thường xuyên hàng ngày, định lượng rõ một cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Khi có chỉ tiêu cụ thể, các địa phương mới có thể xác định rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày để được điều phối, hỗ trợ kịp thời, chú trọng vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật