(ĐSPL) - Ngày càng có nhiều vụ án do thầy giáo, cô giáo gây ra, kéo theo muôn vàn hệ lụy cùng những cái nhìn không tốt của dư luận về nhân cách của những nhà giáo này.
Có nhiều lý do để những người này có những hành động thiếu kiểm soát như thế. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, những thầy, cô giáo này đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người đang làm công tác giáo dục con người.
Khi giáo viên là... tội phạm
Mới đây, dư luận xã hội rúng động bởi một giáo viên tạt axít vào bốn đồng nghiệp khiến nạn nhân có nguy cơ bị mù. Nghi phạm trong vụ việc này là Nguyễn Minh Tiên, giáo viên dạy môn tiếng Anh, trường THCS Tân Phú (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Theo đó, ngày 21/3, Tiên mang theo axít xông vào phòng GD – ĐT huyện Thanh Bình rồi tạt vào ông Đỗ Phước Vĩnh, trưởng phòng và ông Nguyễn Văn Chiến, Phó phòng GD – ĐT huyện Thanh Bình. Sau đó, Tiên tiếp tục mang axít đến trường THCS Thanh Bình và tạt vào ông Đỗ Văn Chiến, hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Minh Trang, giáo viên trường THCS Thanh Bình. Sau khi gây án, Tiên đến Công an huyện Thanh Bình đầu thú và thừa nhận hành vi phạm tội.
|
Nguyễn Minh Tiên, người tạt axít vào 4 đồng nghiệp |
Sau mỗi vụ việc xảy ra, người trong cuộc có nhiều cách để biện minh cho hành động tội ác của mình. Dư luận cũng có người lên án, nhưng có người cũng bênh vực khi họ cho rằng giáo viên cũng là con người, cũng có cảm xúc như bao người khác. Tuy nhiên, đa số vẫn cho rằng, đó là hành động tội ác và không xứng đáng với tư cách của người thầy. Khai báo với cơ quan công an, Tiên cho biết mình từng là giáo viên của trường THCS Thanh Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), thời gian làm việc do có nhiều mâu thuẫn với lãnh đạo nên bị luân chuyển về trường THCS Tân Phú. Vợ Tiên cũng là một hiệu trưởng của một trường mẫu giáo tại địa phương, nhưng cũng đã bị cách chức do liên quan đến tài chính. Cho rằng mình bị trù dập, đối xử bất công nên Tiến đã mua axít tìm các đồng nghiệp, cán bộ phòng giáo dục huyện để trả thù.
Vậy việc Tiên trả thù đồng nghiệp phải chăng là hậu quả của những ức chế, là "tiếng nói" của người thấp cổ bé họng không được ai nghe? Vụ thầy giáo Tiên tạt axít vào bốn đồng nghiệp chỉ là một trong nhiều vụ việc do những người mang danh là giáo viên gây ra. Hồi đầu tháng 3/2014, người dân phường Phước Long, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được một phen bàng hoàng khi chứng kiến hung thủ Huỳnh Lưu Khánh An (giáo viên trường THCS Nha Trang 2) đâm chết học trò cũ do có liên quan đến tiền bạc. Hay vụ án mạng do Nguyễn Viết Quý (giáo viên trường THCS Kỳ Khang), dùng dao đâm chết chủ quán nơi hắn đang ngồi uống trà, xảy ra vào ngày 8/10/2013 tại xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Ngoài các vụ án mạng do giáo viên gây ra, còn nhiều vụ việc liên quan đến giáo viên khác khiến hình ảnh giáo viên ngày càng bị bôi xấu. Điển hình như vụ mua dâm học trò của ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng một trường THPT tại tỉnh Hà Giang rúng động dư luận. Hay hàng loạt các vụ dâm ô, cưỡng hiếp, đổi tình lấy điểm, đánh học sinh khiến dư luận phẫn nộ. Dù có bao biện như thế nào thì đó vẫn là những tội ác, cần phải lên án. Những “người thầy” gây nên các trọng án không còn tư cách để giáo dục đạo đức cho người khác, nhưng dư luận cũng cần lên án những bất công, những việc làm không mấy minh bạch của lãnh đạo trong ngành Giáo dục. Vì đôi khi, chính những người làm lãnh đạo lại chính là yếu tố khiến những tội ác nảy sinh.
|
Ông Sầm Đức Xương và ngôi trường nơi ông từng là hiệu trưởng |
Con sâu làm rầu nồi canh
Từ xưa đến nay, nghề giáo, vốn được coi là cao quý nhất trong các nghề cao quý, lại liên tục trở nên lem luốc, hoen ố vì những con sâu trong ngành giáo dục bôi bẩn từng ngày.
Trao đổi với phóng viên về những vụ án do các giáo viên gây ra, tiến sỹ tâm lý Nguyễn Công Thoại, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tâm lý Việt cho biết: “Có hai giả thiết được đặt ra trong vụ thầy giáo tạt axít làm bị thương bốn đồng nghiệp. Một là do họ bị đẩy vào ngõ cụt khiến cuộc sống bị ảnh hưởng quá lớn nên mới hành động như vậy. Hai là họ có vấn đề về việc khống chế và quản lý cảm xúc của bản thân nên gây ra các hành động không theo lý trí. Nhưng dù biện minh thế nào thì những người mang danh là giáo viên khi gây ra các vụ việc sai phạm cũng đã không nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn của một nhà giáo mà chỉ hành xử như những người bình thường. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp nhằm làm hạn chế những tình trạng này, để hình ảnh nhà giáo luôn được coi trọng như trước đây”.
Ở một góc nhìn khác, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký không giấu nổi trăn trở: “Đây là một câu chuyện buồn của ngành giáo dục. Một giáo viên, một nhà giáo lại hành xử như một côn đồ sẽ làm hoen ố hình ảnh của hàng ngàn giáo viên cần mẫn, tận tụy với nghề. Một hành động không tốt của giáo viên sẽ bị hàng ngàn, hàng triệu người biết trong xã hội bùng nổ thông tin như ngày nay. Do vậy, những người làm nghề giáo cần phải có ý thức giữ gìn hình ảnh bản thân cao độ, vì mình, và cũng vì hàng ngàn đồng nghiệp khác trên cả nước. Hành động của giáo viên trên là hành động nông cạn, tự đưa bản thân vào ngõ cụt. Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt, chúng ta cũng nên xem xét lại cách xử lý vấn đề của ban lãnh đạo nhà trường. Những người làm công tác lãnh đạo nhà trường đã xử lý tình huống không tốt, chưa thuyết phục tốt nên gây bức xúc cho giáo viên nói trên”.
Cùng quan điểm với nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, tiến sỹ Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng: “Anh là nhà giáo, anh có trách nhiệm giảng dạy, giáo dục không chỉ về kiến thức, văn hóa cho người khác mà còn cả nhân phẩm, đạo đức lối sống. Do vậy, anh phải hành động có văn hóa, có hiểu biết để làm tấm gương tốt cho những người xung quanh. Chính vì thế, không thể nào chấp nhận được một giáo viên lại có hành động tấn công đồng nghiệp bằng axít. Nếu lãnh đạo nhà trường có những sai phạm, anh phải tố giác, giải trình bằng luật pháp, văn bản. Anh có thể gửi đơn kiện lên tòa Hành chính, lên sở giáo dục nếu lãnh đạo làm việc không công bằng, minh bạch”.
Lãnh đạo nhà trường phải là những “siêu kỹ sư” tâm hồn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký còn nhận định thêm: “ Vụ việc trên như một hồi chuông báo động, cảnh tỉnh cho những người đang làm công tác lãnh đạo hiện nay. Những người làm lãnh đạo phải hết sức tỉnh táo, công minh, tế nhị và gần gũi với cấp dưới của mình. Nếu gọi nhà giáo là “kỹ sư tâm hồn”, thì những người làm lãnh đạo nhà trường lại phải là những “siêu kỹ sư tâm hồn”. Chúng ta cần phải quản lý đội ngũ giáo viên bằng những biện pháp đảm bảo tính công bằng, chính trực, tránh sự áp đặt, quan liêu. Đồng thời, cần nêu cao tính công minh trong các chính sách về cán bộ, cần phải cắt cử những người có chuyên môn cao, đạo đức tốt vào vị trí lãnh đạo để các nhân viên tâm phục, khẩu phục”. |
Hoài Thương