Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi đàn ông ngồi chợ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đàn ồng ngồi giữa chợ bán hàng, trước kia là điều quá bất đắc dĩ. Nhưng nay ở TP.HCM, chợ nào cũng thấy các đấng mày râu làm cá thoăn thoắt, miệng rao lanh lảnh.

(ĐSPL) - Đã khác xưa, hình ảnh người đàn ông ngồi bán hàng ở chợ bây giờ trở nên rất quen thuộc. Cái vẻ ngượng ngùng của một đấng mày râu cũng không còn gượng gạo trong lời rao hàng mời gọi khách của họ vì đơn giản là họ đang làm một việc rất lương thiện, chân chất để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Làm cá thoăn thoắt
Bén duyên với nghề ngồi chợ
“Mua rau đi chị ơi! Rau sạch, giá rẻ bất ngờ đây, bao ngon luôn, quẹo lựa, quẹo lựa”, tiếng rao giòn giã, rất chuyên nghiệp của một anh hàng rau phát ra từ một góc chợ (Rạch Ông Q.8) làm ai nấy đều phì cười. Cũng chính vì những lời rao rất có duyên nên hàng rau của anh luôn đắt khách. Anh Nguyễn An (30 tuổi, quê Kiên Giang) lên Sài Gòn lập nghiệp cũng được gần chục năm. Chân ướt chân ráo đến thành phố này, anh không biết làm nghề gì cho thích hợp. Anh đã thử qua rất nhiều nghề để kiếm tiền nhưng cũng chẳng ra sao. Cạnh phòng trọ của anh có chị đi bán rau, mấy lần anh hỏi chơi cho biết nhưng được chị “dạy nghề” rất nhiệt tình. Thất nghiệp ở nhà không biết lấy gì sống, anh quyết định đi bán rau. Từ đó, nó đến với anh như một cái nghề ổn định nuôi sống cả nhà.
“Lần đầu tiên đi bán, tui cũng ngại lắm, mắc cỡ không biết làm như thế nào để mời người ta mua. Nhưng rồi mời vài lần như vậy rồi tui quen. Giờ thì không cần suy nghĩ tui cũng có thể nói vanh vách như một câu cửa miệng. Nói nhiều đến nỗi tối nằm chiêm bao cũng rao y hệt mấy câu đó”, anh An gãi đầu rồi cười hiền lành.
Khi hỏi vợ đâu sao không đi bán cùng, anh chựng lại, nụ cười cũng phút chốc tắt ngóm. Anh quay sang mớ rau nhanh tay rưới nước một lượt rồi lại rao lớn như để che đi cái cảm xúc đang hằn rõ trên nét mặt. Hỏi người xung quanh mới biết, vợ anh bỏ lại cho anh đứa con 4 tuổi rồi đi theo người khác. Anh còn mẹ già phải phụng dưỡng, tiền kiếm được sau những buổi chợ anh gom gửi hết về lo cho gia đình.
Cách anh An không xa, ngồi khép nép ở một góc nhỏ cuối chợ là một bác lớn tuổi, người còm cõi đang loay hoay với mâm cá sắp bị ế vì chợ vắng người. Vẻ mặt rầu rầu, giọng rao hàng có lúc như nài nỉ: “Mua dùm cá đi cô ơi, trưa rồi bán rẻ cho hết rồi về luôn. Qua xem thử đi chị ơi, mua được thì mua dùm tui”.
Nét mặt bác  tươi hẳn lên mỗi khi có khách dừng xe hỏi. “Bốn mươi ngàn đồng một ký  thôi cô, sáng tui bán sáu mươi ngàn giờ trưa bán rẻ, cá này cô mua về kho với cà chua thì hết sẩy luôn”, bác nhanh nhảu.

Và rao lanh lảnh
Bàn tay của bác, bình thường thấy già nua, nhưng khi làm cá cứ thoăn thoắt. Xoét xoét 2 cái, cây kéo trong tay bác đã cắt bay những cái vây. Một động tác lách nhẹ, bác đã lôi sạch sẽ phần mang cá. Kế đến, bác cầm cái cào vảy, đánh soạt mỗi bên 4 cái. Con cá giờ sạch vảy, trơn tru. Bác cho vào túi nilon giao cho khách hàng và nhận tiển, miệng nở nụ cười không quên kèm theo lời cám ơn.
Các bà các chị bán hàng gần đó kể chỗ này trước đây là vợ bác ấy bán, sau khi bà đổ bệnh phải nằm một chỗ bác mới ra bán thay. Hàng ngày, bác phải dậy sớm để đến chợ đầu mối lấy cá rồi chạy hàng chục cây số về chợ để bán. Khi tan chợ, bác lại mua thêm bó rau, miếng thịt rồi về chuẩn bị cơm nước. Bữa nào cá ế, chiều bác lại chở hàng ra bán tiếp.
Các chợ ở TP. Hồ Chí Minh như chợ Thị Nghè, chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ An Đông (quận 5), số người đàn ông ngồi bán hàng ở chợ chiếm một lượng khá lớn. Họ có thể bán bất cứ món hàng nào, từ quần áo, giày dép đến rau củ, kể cả cá, thịt. Có người chỉ ra chợ phụ vợ làm mấy việc vặt như gọt khoai, bầu, bí, giúp vợ thu tiền, hay làm cá lúc khách đông. Có người thì làm hết mọi việc, từ bán hàng, mặc cả với khách đến cả việc làm cá cho khách, vợ chỉ ngồi thu tiền rồi bỏ hàng vào bịch cho khách mang đi.
Đó là công việc kiếm tiền chân chính, nhưng đôi lúc gặp một ánh mắt của ai đó vô tình nhìn, họ cũng tỏ ra ái ngại. Dù gì họ cũng là đàn ông, thiếu gì việc không làm lại đi kỳ kèo bớt một thêm hai như cánh đàn bà để mời mọc người ta mua hàng. Nhưng trên tất cả những cảm giác ngại ngùng ấy là gánh nặng gia đình đang đặttrên vai họ.
Đàn ông dễ “thuận mua vừa bán”
Anh Huỳnh Văn Tài (34 tuổi) là chủ một sạp thịt heo khá lớn tại chợ Cầu Muối (Q.1). Hai đứa con trai của anh mới 12 và 14 tuổi cũng theo anh ra chợ để mưu sinh. “Làm nghề này cực lắm cô. Tôi phải thức dậy từ lúc 12 giờ khuya, chạy mấy chục cây số đến lò mổ để lấy thịt. Chạy về tới chợ là trời vừa sáng”, anh tâm sự.
Mỗi lần đi anh chở gần 50 ký thịt heo để về bỏ sỉ cho khách. Đến trưa, nếu thịt còn nhiều anh bán lại cho người đi chợ với giá sỉ. Thịt ngon, giá rẻ nên khách của anh sạp của anh lúc nào cũng đông khách.
Ở TP.HCM, nơi đâu cũng bắt gặp những hình ảnh "đẹp" như thế này.
Khi hỏi tại sao anh lại chọn nghề này, anh ngậm ngùi: “Vợ tui mất sớm  để lại hai đứa con. Lúc nhỏ tui có đi theo phụ mẹ bán thịt ở chợ nên anh ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Giờ tui không buôn bán  thì lấy gì nuôi tụi nó ăn học”. Nói xong , tay anh lại thoăn thoắt đưa  con dao sắc lia qua từng thớ thịt.
Đã gần 20 năm trong nghề , anh buôn bán rất có duyên, hay cười với khách. Đặc biệt, anh ít khi thách giá, khách mua lâu dần thành quen, không ai mặc cả. Hai đứa con anh cũng nhanh nhạy không kém, thay phiên nhau mời khách rồi giúp khách chọn thịt. Khi hỏi sao hai em không  học mà ra đây bán hàng, em trai lớn cười hiền lành: “Tụi em học buổi chiều, buổi sáng ra chợ phụ ba cho ba đỡ cực”. 
Khác với những người đàn ông ngồi bán ở chợ, Tân (17 tuổi, người Bình Định) vào nghề được 2 năm. Gia đình nghèo, Tân bỏ học vào Sài Gòn kiếm việc để phụ giúp cha mẹ. Tân sắm cho mình một chiếc xe đẩy với nhiều mặt hàng: rau, củ, cà, dưa và cả trái cây nữa, giống như một cửa hàng thực phẩm di động. Lúc nào mọi người cũng thấy Tân cười, luôn miệng mời mọc khách với những lời “có cánh”. “Phải như vậy khách mới nhớ và mua hàng của mình chị à. Khách sẽ thấy dễ chịu hơn, dễ mua hàng hơn nếu người bán dễ chịu, thuận mua vừa bán mà” Tân chia sẻ.
Hàng ngày Tân thức dậy sớm để lấy hàng, sau đó lại đẩy xe hết chợ này đến chợ khác để bán, có khi đến chiều tối mới về đến nhà. Mỗi ngày, với xe đẩy này Tân có thể kiếm từ 500-700.000 đồng. Ngày nào “trúng mánh” Tân có thể kiếm được nhiều hơn. Tất cả tiền dành dụm được em gửi về cho bố mẹ lo việc nhà.
Hỏi cắc cớ: “Thanh niên mà bán vậy, thấy con gái có mắc cỡ không?”, Tân trở nên mạnh mẽ: “Hồi đầu có cảm giác đấy thiệt. Nhưng lâu rồi thành quen và em thấy cũng bình thường. Nghề nào, công việc nào cũng tốt mà chị, miễn đừng đi ăn cắp là được”. Tân kể, cũng không ít các cô gái cũng mua hàng của Tân, và họ trở thành những người quen biết, vui vẻ mỗi khi gặp nhau, bán hàng.
Chị Quỳnh Giao, một khách hàng của Tân cho biết: “Tôi thích mua đồ của người đàn ông bán vì họ bán rất mau, được giá là bán chứ không cò kè”. Quỳnh, một nội trợ ở quận Tân Bình, cho rằng đa phần khách đi chợ rất thích mua hàng của đàn ông bán, vì họ thoải mái và bán nhanh. Còn chị Thủy, một người đi chợ khác giải thích: “Thấy đàn ông ngồi bán món đồ mà tôi cần là tôi mua dùm họ ngay . Tôi có nghĩ họ không  chặt chém hay thách giá cao. Nhưng có lẽ hơn hết là tôi cảm thông với họ”.
Còn người viết bài này nhận thấy hình ảnh người đàn ông ngồi chợ là là một nét đẹp của cuộc sống!

Tin nổi bật