Tiền Phong đưa tin, ngày 12/4, báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, thời gian gần đây, đơn vị liên tiếp ghi nhận tình trạng tôm hùm nuôi lồng bè chết với số lượng lớn xảy ra tại thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh và thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đang phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin dịch tễ tại các khu vực trên để xác định nguyên nhân tôm hùm bị chết.
Những lồng bè nuôi tôm hùm của người dân trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Tiền Phong
Vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh) có khoảng 35.000 lồng nuôi, trong đó xã Vạn Thạnh hiện có khoảng 10.000 lồng và xã Vạn Hưng có khoảng 4.200 lồng. Con giống nuôi tại 2 khu vực này được người dân mua từ thành phố Cam Ranh và tôm được nuôi bằng thức ăn tươi, như: cua, ghẹ, hàu.
Ông Trần Minh Hiền (một người nuôi tôm hùm bông ở thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) cho biết: Hai tháng qua, việc nuôi thủy sản của bà con trên địa bàn không thuận lợi do thời tiết nắng nóng và con nước thay đổi khiến tôm hùm cứ liên tục chết. Gia đình ông Hiền có khoảng 1.000 con tôm hùm bông, mỗi ngày bị chết từ 6 - 7 con.
TTXVN dẫn lời ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho hay, hàng năm việc nuôi tôm hùm trên địa bàn đều bị hao hụt, tuy nhiên năm nay tỷ lệ tôm chết cao hơn. Địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng lấy mẫu để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân và hướng dẫn bà con phòng trừ bệnh cho tôm.
Sau khi nhận được thông tin về việc tôm hùm nuôi tại vùng nuôi thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh bị chết, Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh và thu thập thông tin dịch tễ. Các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, trừ hàm lượng ô xy hòa tan ở mức rất thấp (3mg/L).
Cơ quan chức năng khuyến cáo các cơ sở nuôi tôm cần theo dõi môi trường thường xuyên, nhất là ôxy, để phát hiện biến đổi và có biện pháp xử lý kịp thời; quản lý sức khỏe đàn tôm, loại bỏ tôm chết và thức ăn thừa hàng ngày, bổ sung vitamin và khoáng chất, giảm khẩu phần ăn phù hợp với thời tiết; sục khí ôxy đối với các ô lồng đang nuôi để cải thiện lượng ôxy hòa tan.
Những con tôm chết không rõ lý do. Ảnh: Tiền Phong
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y,cần phải giám sát chặt chẽ tình hình tôm hùm tại thôn Khải Lương của xã Vạn Thạnh; thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và các tiểu vùng nuôi lân cận, đồng thời giữ mối liên lạc thường xuyên với người nuôi để cập nhật tình hình và có hướng dẫn kịp thời.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa kêu gọi người nuôi tôm hùm và các đơn vị liên quan tích cực hợp tác để khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả. Các biện pháp phòng ngừa và xử lý sớm sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn sinh học cho vùng nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.
Trước đó, ngày 10/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa có văn bản đề nghị huyện Vạn Ninh và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cử cán bộ phối hợp cùng đoàn khảo sát nhằm đánh giá được nguyên nhân gây chết để kịp thời báo cáo UBND tỉnh.
T.D (T/h)