Việt Nam
Ra đời vào những năm đầu của thế kỷ 17, trải qua bao thăng trầm cùng chiều dài lịch sử, tà áo dài luôn được xem là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, thể hiện rõ nét những tinh hoa, linh hồn và tính cách của người phụ nữ Việt Nam.
Dù được thiết kế đơn giản hay cầu kỳ, vải thô sơ hay vải lụa, vải gấm, mỗi chiếc áo dài đều gói gọn tâm huyết và sáng tạo của những người thợ may.
Và mỗi dịp tết đến Xuân về, trong niềm hân hoan chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc, khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, mỗi người Việt Nam lại cảm thấy tự hào hơn với lịch sử văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Hoa hậu Khánh Vân trong tà áo dài truyền thống.
Trong sắc đỏ của hoa đào, sắc vàng tươi của hoa mai, vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền của người phụ nữ Việt như trở nên đằm thắm hơn trong tà áo dài truyền thống, mang quốc hồn dân tộc đi khắp năm châu.
Có lẽ chính vì vậy mà người phụ nữ Việt Nam luôn chọn áo dài là bộ trang phục đẹp nhất trong những ngày tết cổ truyền.
Trung Quốc
Giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ tết lớn nhất và dài nhất trong năm của người Trung Quốc.
Trong dịp Tết, trang phục truyền thống được nhiều người yêu thích là bộ Sườn xám mang đậm nết văn hóa dân tộc của người Trung Quốc. Sườn xám thường có màu đỏ, gam màu vốn được xem là biểu tượng cho sự may mắn tại các nước châu Á.
Ngoài ra, sườn xám mang họa tiết hoa, họa tiết cung đình cũng rất được các cô gái Trung Hoa ưa chuộng để diện vào ngày Tết.
Sườn xám là trang phục tuyền thống của Trung Quốc.
Sườn xám của Trung Quốc ra đời cách đây hơn 2.000 năm. Vào năm 1930-1940, tại Thượng Hải-kinh đô thời trang Trung Hoa, sườn xám bắt đầu thời kỳ hoàng kim với những cách tân về kiểu dáng.
Do chịu ảnh hưởng từ phương Tây, sườn xám không chỉ được cắt giảm gọn gàng hơn mà còn được may ôm sát ở phần eo. Vì thế, phiên bản cách tân này là sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông-Tây, vừa đem lại sự trang nhã vừa tôn dáng người mặc.Vào dịp Tết đến Xuân về, sườn xám mang họa tiết hoa, họa tiết cung đình được rất nhiều cô gái ưa chuộng.
Nhật bản
Có lịch sử hơn 1000 năm, trang phục Kimono theo tiếng Nhật nghĩa là trang phục để chỉ chung tất cả các loại quần áo, nhưng trải qua những thăm trầm, biến cố trong lịch sử với những lần thay đổi hình dáng, màu sắc, tên gọi Kimono đã trở thành cái tên quen thuộc và nổi tiếng toàn thế giới khi nói về trang phục người Nhật.
Một bộ kimono bình thường được thiết kế theo một phong cách tự do, được nhuộm màu toàn bộ bề mặt hoặc dọc theo đường viền. Kimono thường có 4 mảnh chính, hai mảnh làm nên thân áo, hai mảnh làm thành tay áo. Các mảnh nhỏ còn lại làm nên cổ áo và miếng lót hẹp. Mỗi bộ kimono đều được làm thủ công và mang tính đơn chiếc. Đó là một tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mẩn từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn và lựa chọn các phụ kiện đi cùng.
(Ảnh minh hoạ)
Ngày nay, người Nhật chỉ mặc Kimono vào các dịp lễ, Tết, đám cưới và tiệc trà đạo... để thể hiện tính trang nghiêm, lịch sự. Phụ nữ Nhật mặc Kimono phổ biến hơn nam giới, thường có màu sắc và hoa văn nổi bật.
Nam giới dùng Kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo. Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn và màu sắc tối hơn. Tuy nhiên, Kimono là một trong những trang phục có mức giá khá đắt đỏ cũng như cách ăn mặc cầu kì, không phải ai cũng có thể sở hữu được một bộ Kimono ở thời hiện đại.
Hàn Quốc
Hanbok là trang phục truyền thống của Hàn Quốc (tại Triều Tiên gọi là Joseon-ot). Cũng giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok có thiết kế rất cầu kỳ với màu sắc tươi sáng.
Thiết kế của Hanbok thường gồm váy chima dài, áo Jeogori ngắn, bên trong là nhiều lớp váy khác nhau để chân váy phồng lên. Loại vải ramie dùng để may Hanbok được dệt từ vật liệu tự nhiên cũng như nhuộm bằng màu chiết từ vỏ cây và hoa.
Vẻ đẹp của Hanbok thể hiện ở đường cong mềm mại của áo khoác lửng Jeogori bên ngoài và phần váy phồng. Tùy vào từng mùa, nghi lễ hoặc sự kiện mà Hanbok có màu sắc, chất liệu, cách mặc khác nhau.
(Ảnh minh hoạ)
Đối với người Hàn Quốc ngày trước thì Hanbok còn có ý nghĩa thể hiện sự phân biệt đẳng cấp xã hội với những quy tắc khắt khe về ký hiệu hoa văn, màu sắc và ý nghĩa biểu trưng của nó. Chẳng hạn thời xưa, Hanbok của giới thượng lưu mới được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp để người mặc thoải mái hơn, dễ chịu, nhẹ nhàng hơn khi số lớp vải nhiều và độ xòe nhìn chung khiến Hanbox khá nặng.
Nhưng người dân thường thì chỉ được phép mặc Hanbok làm từ vải bông đơn thuần như vải gai, bông, muslin, lụa và satin. Tùy theo mùa và từng vùng khác nhau mà Hanbok có thể được khoác thêm lớp áo khoác hoặc may Hanbok có vải lót lông cho ấm.
Mông Cổ
Vào ngày Tết truyền thống, người dân Mông Cổ hân hoan gặp gỡ nhau, trở về đoàn tụ cùng gia đình và mặc những bộ quần áo truyền thống. Trong môi trường lạnh giá ở thảo nguyên Bắc Á, trang phục dân tộc của người Mông Cổ đón năm mới có nhiều nét đặc trưng của cư dân bản địa, bao gồm: Áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí.
Tuy nhiên, mỗi một thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau thì trang phục cũng có những khác biệt. Chúng khác nhau về hình dáng, vật liệu phân biệt theo vùng, tuổi và tình trạng hôn nhân của người mặc nó. Và chỉ người Mông Cổ mới có thể phân biệt được điều này.
Quần áo truyền thống của người Mông Cổ thường ấm áp, bền và đảm bảo thoải mái, linh hoạt trong lúc cưỡi ngựa vì người Mông Cổ chủ yếu sống du mục. Với yếu tố văn hóa dân tộc truyền thống hội tụ trong mỗi con người, cùng những trang phục truyền thống, người Mông Cổ ấp ủ mong muốn đón một năm mới yên vui, an lành và thịnh vượng…
(Ảnh minh hoạ)
Ấn Độ
Sari được đánh giá là trang phục truyền thống đẹp nhất của Ấn Độ. Những bộ sari truyền thống thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ, đây cũng là nét đẹp và là sự tự hào của người dân Ấn Độ nói chung và phụ nữ Ấn Độ nói riêng.
Những bộ trang phục Sari đã trải qua lịch sử hàng trăm năm nhưng vẫn không hề thay đổi hình thức, kiểu dáng thiết kế. Sari truyền thống được làm từ các mảnh vải quấn quanh người với nhiều hoa văn và màu sắc khác nhau, tạo nên vẻ quyến rũ và sang trọng cho phụ nữ.
Trang phục Sari hiện đại thường được trang trí bởi các họa tiết thêu tinh xảo, viền ren, hoa văn, thậm chí đính đá quý.
Khi may những bộ trang phục Sari, điều quan trọng nhất chính là chọn vải và màu sắc, bởi màu sắc là yếu tố phản ánh hoàn cảnh của người mặc. Ví dụ như, người đạo Hồi mặc Sari màu xanh lá, cô dâu mặc Sari màu đỏ, phụ nữ góa chồng mặc sari màu trắng còn tầng lớp hạ lưu mặc màu xanh da trời. Sau đó là đến thiết kế với những họa tiết in, thêu tay.
Ngày nay, tại các thành phố lớn của Ấn Độ, phụ nữ chỉ mặc Sari trong các dịp lễ quan trọng trong khi ở vùng nông thôn thì Sari vẫn là trang phục chủ yếu. Trang phục Sari hiện đại thường được trang trí bởi các họa tiết thêu tinh xảo, viền ren, hoa văn, thậm chí đính đá quý.
Phương Linh (T/h)