(ĐSPL) - Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), năm 2013, Việt Nam đã đặt mua 2 tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan.
Cũng theo SIPRI, phiên bản tàu Sigma mà Việt Nam đặt hàng là Sigma-9814. Nguồn tin của SIPRI cũng cho biết rất có thể một trong hai tàu Sigma sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh hợp đồng đặt mua tàu chiến Sigma, Việt Nam cũng đặt hàng 2 hệ thống phòng không trên hạm VL-MICA-M, 40 tên lửa BVRAAM và 25 tên lửa chống tàu MM-40-3 Exocet. Tất cả các vũ khí nói trên đều xuất xứ từ Pháp.
Một mô hình tàu hộ vệ Sigma. |
|
Nói về tàu chiến lớp Sigma-9814, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence weekly năm 2013 cho biết loại tàu này dài 98m, rộng 14m. Vũ khí trên tàu gồm tên lửa đối không tầm ngắn sử dụng ống phóng thẳng đứng, tên lửa chống hạm, pháo hạm, ngư lôi...
Vũ khí mạnh nhất trên tàu Sigma là 8 tên lửa Exocet block 3. Đây là loại tên lửa hành trình chống tàu có tốc độ cận âm được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980. Các tên lửa Exocet ban đầu dài 5,79m, đường kính 0,35m, sải cánh 1,13m với trọng lượng phóng 875 kg và tầm bắn khoảng 70 km.
Theo một bài báo trên tạp chí Jane vào ngày 12/10 năm ngoái, tên lửa Exocetblock 3 có những cải tiến mạnh mẽ so với các phiên bản trước. Điển hình cho các cải tiến là sử dụng động cơ đẩy phản lực Microturbo TR-40/263 thay thế cho động cơ nhiên liệu rắn để giúp tên lửa tăng tầm bắn lên khoảng 200 km.
Phiên bản block 3 cũng sử dụng radar dẫn đường chủ động cho việc tìm diệt mục tiêu nhưng nó cũng kết hợp thêm một thiết bị dẫn đường sử dụng laser hoặc GPS (định vị vệ tinh). Điều đó giúp nó có thể tiếp cận quỹ đạo bay phức tạp ba chiều với nhiều đường bay tiếp cận mục tiêu.
Tàu Sigma được lắp đặt 2 động cơ diesel có công suất 23.000 hp giúp nó đạt vận tốc tối đa 27,5 hải lý/h. Phạm vi hoạt động của tàu đạt khoảng 4800 hải lý.
Tàu được trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát TACTICOS và hệ thống truyền số liệu chiến thuật LINK-Y MK2; hệ thống radar đối hải MW08, radar mảng pha điện tử đối không SMART-SMK2, radar điều khiển hỏa lực LIROD MK2 và sonar chủ động/ bị động trung tần.
Trong nhiệm vụ tác chiến phòng không, hệ thống radar SMART-SMK2 của tàu Sigma giúp nó có thể phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách 50 km. Radar có 2 chế độ hoạt động: khi anten quay với tốc độ nhỏ (13,5 vòng/phút) thì tầm xa giám sát là 200km còn khi quay với tốc độ lớn (27 vòng/phút) thì tầm xa 150 km với tổng số mục tiêu có thể theo dõi ở cả trên không và trên biển là 500 mục tiêu.
Các tên lửa phòng không trên tàu là loại VL MICA với trọng lượng 112 kg, dài 3,1m mang đầu đạn 12kg. Tên lửa sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn SNPE. Nó có thể diệt mục tiêu ở độ cao 11km và khoảng cách từ 1 đến 10 km.
Bên cạnh các hệ thống vũ khí nêu trên, thiết kế của tàu chiến lớp Sigma cũng có một sân đỗ trực thăng ở đuôi tàu để kết hợp với trực thăng trong nhiệm vụ chống ngầm. Hiện tại Hải quân Việt Nam đang sử dụng các trực thăng chống ngầm Ka-28. Các trực thăng này đã được bố trí kết hợp với các tàu hộ vệ lớp Gepard mua của Nga nhưng chưa rõ các tàu lớp Sigma có sử dụng Ka-28 hay sẽ sử dụng một loại trực thăng khác.
Theo báo Người đưa tin
Xem thêm video: