Quá trình làm giấy công phu
Giấy được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây vầu non và cây trên rừng tạo keo liên kết. Trải qua quá trình chuẩn bị công phu, nhiều công đoạn, kết hợp với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, những thếp giấy bản được ra đời.
Được biết, giấy được làm từ một số loại cây trên rừng (theo tên gọi của bà con địa phương), sau khi ngâm nước sẽ tạo ra chất keo kết dính để dễ dàng tạo ra sản phẩm.
Còn cây vầu non sau quá trình xử lí nhiều công đoạn, sẽ được nghiền nhỏ, hòa chung với nước, rồi được trộn với chất keo dính lúc đầu. Sau đó sẽ được tráng để làm giấy bản.
Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ đòi hỏi rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và thời gian - Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cuối cùng, giấy sau khi được tráng thành nhiều lớp sẽ được ép cho khô. Sau đó bóc riêng ra để phơi để có được những tấm giấy bản màu vàng nhạt, dai, rất thấm mực. Mỗi thếp giấy thành phẩm được xếp thành từng bục, từng bục đợi ngày đem ra chợ bán.
Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ đòi hỏi rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và thời gian.
Các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu là làm thủ công, không có máy móc, nên nghề làm giấy không những đòi hỏi người sản xuất phải có sức khỏe mà còn phải khéo léo và kiên trì.
Từng tập giấy bản ra đời đã thể hiện văn hóa bản địa vừa toát lên tâm hồn, trí tuệ của người Dao qua đôi bàn tay tài hoa của người làm giấy.
Giữ gìn văn hóa dân tộc
Trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Dao, nghề làm giấy bản truyền thống có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng giấy bản đã gắn với đời sống của họ từ ngàn đời nay.
Nghề làm giấy bản xuất hiện như một điều thiết yếu bởi người Dao có văn hóa, có tiếng nói, có chữ viết riêng. Từ khi có giấy bản, người Dao sử dụng chúng vào việc đóng thành quyển dùng viết chữ Dao để ghi lại lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống của dân tộc Dao...
Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản thường rất khó phai mà những tri thức của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ con cháu.
Giấy được làm bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ - Nguồn: TTXVN.
Ngoài ra, người Dao Đỏ dùng giấy bản trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... Giấy được cắt thành nhiều mảnh nhỏ bằng nhau hình chữ nhật và in họa tiết để làm tiền vàng cúng cho người âm.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu, ghề làm giấy bản thủ công của người Dao đỏ tại thôn Thanh Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2018.
Phương Linh (T/h)