Người bán xe cũ, người đi vay ngân hàng để kịp mua xe mới. Cuối cùng đại lý gọi từng khách hàng lên để “ép” khách nhận lại tiền cọc khiến cho không ít khách hàng cảm thấy mình nên rút kinh nghiệm khi mua ô tô của Honda lần sau.
Tháng 7 âm lịch hằng năm là thời điểm “ảm đạm” thật sự của thị trường ô tô trong nước. Lý do chính dẫn đến tình trạng đó là tâm lý khách hàng, không muốn mua các tài sản giá trị trong tháng âm lịch này.
Nhưng năm nay lại có sự khác biệt, lần đầu có chuyện khách hàng trong tháng 7 âm được cập nhật giá ô tô theo giờ, lần đầu khách hàng đến chật các đại lý để mua xe. Đó là nhờ thông tin giảm giá “sốc” của các đại lý xe Honda với dòng xe .
Trong những năm trước, CR-V luôn có vị trí trong bảng xếp hạng những mẫu xe có doanh số bán tốt của năm nhưng năm nay, người dùng lại chờ đợi sự xuất hiện của mẫu CR-V 7 chỗ cùng việc giảm thuế nhập khẩu xe từ các nước Asean năm 2018.
Mẫu xe có giá gần 900 triệu đồng khi ấy được quảng cáo còn 730 triệu đồng khiến cho không ít khách hàng cảm thấy đây là thời điểm vàng để mua xe và lúc này hàng loạt vấn đề với khách hàng xuất hiện.
Đặt cọc không đồng nghĩa với có xe
Mặc dù chương trình khuyến mại giảm giá, tặng xe máy được các đại lý Honda thông tin cho người dùng kéo dài đến gần hết tháng 9 nhưng trên thực tế, chỉ vài ngày sau công bố khuyến mại, các đại lý đồng loạt tuyên bố hết xe.
Thời gian khuyến mại thực sự mà khách hàng nhận được chỉ là 6 ngày do những ngày sau đó giá đã tăng và không còn xe để giao.
Những khách hàng đã đặt cọc xe bắt đầu được đại lý gọi tới yêu cầu nhận lại xe của mình. Đặc biệt hơn còn có đại lý tư vấn cho khách hàng làm giấy tự nguyện lấy lại tiền cọc thay vì trả lại tiền cho khách với lý do hết xe.
Vấn đề của khách hàng là khi họ gọi điện cho các đại lý, nhiều đại lý vẫn khẳng định đủ xe để giao cho khách nhưng sau đó lại tuyên bố do không lường trước nhu cầu lớn như vậy nên cuối cùng không có xe hoặc chỉ còn xe khác màu để giao.
Như vậy hợp đồng đã ký và đã trả tiền đặt cọc không có nghĩa khách hàng chắc chắn sẽ có xe. Việc chắc chắn duy nhất là khách hàng sẽ phải tự tới đại lý trả tiền cọc và ký vào hợp đồng, có thể có thêm lên đại lý để lấy tiền cọc về.
Đừng bán xe cũ và vay ngân hàng để kịp mua xe mới
Trên mạng xã hội, những nhóm fan page về ô tô trong đợt bão giá CR-V vừa qua xuất hiện không ít câu chuyện về những khách hàng quyết tâm “gom tiền” bằng được để kịp mua xe mới. Cách họ lựa chọn là bán ngay chiếc xe đang sử dụng vì được đại lý cho biết có xe giao ngay cho khách hàng khi thanh toán đủ tiền xe.
Thậm chí có người còn chấp nhận đi vay thêm tiền để có đủ tiền nhận xe ngay. Nhưng khi tới đại lý câu trả lời của tư vấn viên là những xe đang có ở đại lý đã chuẩn bị giao cho khách khác. Khách có thể làm hợp đồng để được giao xe ngay trong vài ngày tới.
Thế nhưng khi thực tế không có xe để giao, khách hàng lại chính là người phải trả lãi cho những ngày đã vay tiền trước đó. Đại lý không chịu trách nhiệm gì về vấn đề tài chính của khách.
Có lẽ việc khách hàng nên lưu ý cho lần mua xe sau là thấy chiếc xe của mình ngay trước mặt mới đi bán chiếc xe đang dùng hay mới đi vay thêm tiền để tránh thiệt hại.
Có trông cậy được hãng không?
Trong tuần trước, khi việc có quá nhiều khách hàng phải lên lấy lại tiền đặt cọc của mình, một khách hàng đã có buổi làm việc trực tiếp với đại lý.
Buổi gặp kết thúc bằng việc đại lý sẽ thực hiện mời từng khách hàng đã đặt cọc lên nghe giải thích và xin lỗi. Đây là xin lỗi của đại lý chứ không phải của Honda.
Honda cũng cho biết đang thực hiện kiểm tra, xác minh lại toàn bộ quá trình mua xe của khách. Sau khi Honda thành công trong việc “giải quyết” được rất nhiều CR-V đang tồn kho thì dự kiến trong vài tuần nữa sẽ có buổi họp báo về xin lỗi, bồi thường cho các khách hàng đã đặt xe.
Phải làm gì trước những bão giá sau?
Tranh thủ tháng 7 hạ giá xe không chỉ là cách làm của duy nhất Honda. Lúc này Mitsubishi Outlander cũng có mức giảm khủng từ 150 đến hơn 200 triệu đồng tùy phiên bản.
Tuy nhiên hãng cũng cho biết số lượng xe được giảm giá không nhiều và không phải đại lý nào cũng được áp dụng giá này nên tới nay chưa xảy ra trường hợp với Honda CR-V. Tháng 7 âm lịch cũng sắp kết thúc, thời điểm nhu cầu về ô tô cao tiếp theo là những tháng trước Tết Âm lịch nhưng đây lại là lúc giá xe cùng thời điểm trong những năm trước không có xu hướng giảm.
Có lẽ kinh nghiệm lớn nhất lúc này chính là việc giá giảm khủng không dành cho tất cả mọi người và cố gắng thực hiện một kế hoạch mua xe an toàn hơn cho mình.
Nguồn: Bizlive