Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khắc phục tình trạng găm hàng, tăng giá lương thực, nhu yếu phẩm bất hợp lí khi xảy ra thiên tai

  • Nhật Linh (t/h)
(DS&PL) -

Các Đội Quản lý thị trường tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn Thủ đô sau hậu quả của cơn bão số 3.

Giá đội như “bão”

Sau một đêm bão số 3, giá thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống tăng lên chóng mặt, khiến các bà nội trợ ngỡ ngàng.

Ghi nhận của phóng viên VTCNews tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), mỗi mớ rau muống có giá gần 11.000 đồng, tăng 4000 – 5000 đồng /mớ so với 2 ngày trước đó. Rau cải cũng tăng lên 8.000 - 10.000 đồng/mớ (tăng 3.000 - 5.000 đồng so với ngày trước đó), rau ngót có giá 4.000 – 5.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ, bắp cải trắng tăng từ 8.000 lên 10.000 đồng/kg, mướp đắng có giá 12.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; củ cải trắng từ 4.000 lên 7.000 đồng/kg, khoai tây tăng từ 10.000 lên 12.000 đồng;

(ảnh: CAND).

Đáng chú ý, các loại thực phẩm tươi sống tăng rất mạnh. Cá tươi tại Ngọc Hà (Quận Ba Đình, Hà Nội) tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo đó, cá rô phi loại từ 1kg – 1,5kg là 65.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Cá chép từ 75.000 đồng/kg lên mức 80.000 đồng/kg. Cá diêu hồng cũng tăng từ 50.000 đồng lên 65.000 đồng/kg.

Riêng các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, giá chỉ tăng nhẹ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.  Còn giá các loại cua đồng tăng khá mạnh, từ 75.000 đồng lên 90.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên vào ngày 18/8/2024, giá cả tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên không hề biến động lớn. Trong khi đó, tại các chợ bán lẻ tại nội thành và ngoại ô lại tăng giá đáng kể, nhất là các thực phẩm tươi sống.

Chẳng hạn, giá cà chua ở chợ sỉ 7.000 đồng, dưa leo 10.000 đồng nhưng tại các chợ lẻ giá vọt lên 15.000 đồng/kg - 17.000 đồng/kg; bầu bí 6.000 đồng/kg (chợ lẻ 12.000 đồng), bắp cải 3.500 đồng/kg (chợ lẻ từ 8.000 đồng), khổ qua 4.000 đồng/kg (chợ lẻ 13.000 đồng)…

Đáng nói, không hề có dấu hiệu của việc cầu lớn hơn cung, không có dấu hiệu của khan hiếm thực phẩm.

Tiểu thương ở Hà Nội cho biết giá cả tăng vì rau màu hỏng nhiều sau bão, vận chuyển khó khăn - Ảnh: G.K

Một số lái buôn đều cho rằng thực tế nguồn cung và nhu cầu không tăng mạnh, nhưng do tâm lý có bão, nên các tiểu thương bán lẻ ở các chợ nội thành đã tự ý tăng giá bán. Điều này tạo ra mức chênh lệch khá lớn về giá giữa chợ sỉ và chợ lẻ. Một vài trường hợp các bà nội trợ phải vào chợ đầu mối để mua.

Phát ngôn trên báo Tuổi Trẻ ngày 13/9/2024, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, thừa nhận do bão lũ nên nguồn cung rau từ các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng, giao thông một số nơi bị tác động nên nguồn cung bị giảm do đó giá rau tăng.

"Tuy nhiên sau mưa lũ bà con sẽ trồng lại và thường 30 ngày trở lên đã được thu hoạch với nhóm rau cải, các nhóm khác có dài hơn chút. Mặt khác, các nguồn rau từ các vùng khác không bị ảnh hưởng mưa bão sẽ nhanh chóng được chuyển ra vùng bị mưa bão, vì nhu cầu thị trường và lúc này giao thông đã thuận lợi", ông Cường nói.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lí

Ngày 13/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về “Tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3” gửi đến các bộ ban ngành, trong đó có Bộ Công Thương với một số nội dung mục quan trọng:

Bám sát diễn biến thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhu cầu học tập, chữa bệnh và đời sống của nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt. Chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu.

Chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật."

Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng đề nghị các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề xuất các giải pháp đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bị đứt gãy, hạn chế nguồn cung sau bão lũ.

Ngoài ra, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân. Cùng đó, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.

 

Cụ thể, theo công điện số 6815/CĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường triển khai các nhiệm vụ tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn Thủ đô sau hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi):

1.     Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2024; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi; phối hợp đảm bảo ổn định thị trường giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản Thành phố.

2.      Tăng cường công tác quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư  phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng…

3.     Thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình thị trường; phân công lãnh đạo công chức Quản lý thị trường (trực 24/24h) theo dõi, năm bắt, giám sát để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão số 3 (Bão Yagi) gây ra để thu lời bất chính; Khi thị trường có biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu, hàng hóa, vật tư, thiết bị trên địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý, báo cáo ngay với lãnh đạo Cục về tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý; Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo lãnh đạo Cục, Cục trưởng để báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường, UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

 

Tình trạng găm hàng, tăng giá lương thực, nhu yếu phẩm bất hợp lí khi xảy ra thiên tai như bão, lũ, mưa kéo dài,.. không còn quá xa lạ với nhiều người. Đây là một vấn đề thường xuyên xảy ra hàng năm.

Bên cạnh sự thoả thuận hợp lí về giá giữa các thương lái, lái buôn từ các chợ đầu mối đến các chợ bán lẻ thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng. Đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường nói chung, Cục quản lý thị trường các thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác nói riêng. Cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết loại bỏ những thành phần lạm dụng tâm lí khó khăn của cộng đồng để thu lợi cá nhân, găm hàng, chém giá trên trời.

Tin nổi bật