Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội

(DS&PL) -

Trong hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành nông sản thực phẩm nước ta có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức về năng lực sản xuất

(ĐS&PL) Trong hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành nông sản thực phẩm nước ta có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức về năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.Trong bối cảnh này, xây dựng chuỗi liên kết và kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền là then chốt để giữ vững thị trường trong nước và chinh phục thị trường thế giới.

Nhằm quảng bá nông sản an toàn và giới thiệu những công nghệ tiên tiến có thể áp dụng trong nông nghiệp, mở đầu cho chuỗi sự kiện “Kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp” năm nay, trong 3 ngày từ 11 đến 13 tháng 9 năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã phối hợp cùng Uỷ Ban Nhân Dân huyện Thường Tín tổ chức Hội thảo Kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp lần thứ nhất trên địa bàn Thủ đô.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các nhà nghiên cứu, quản lý, lãnh đạo nhiều Sở Ban, Ngành thành phố; lãnh đạo Huyện và các Phòng, Ban chức năng cùng đông đảo đại diện Hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiêp và tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã trao đổi về báo cáo đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được cung cấp các giải pháp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; kết nối tiêu thụ nông sản và chương trình xúc tiến thương mại 2019. Thông qua hoạt động Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp các HTX Nông nghiệp giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; tạo cơ hội giao thương, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận với những công nghệ mới hướng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời mở rộng khả năng kết nối của các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Tại diễn đàn Hội thảo, nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ mới, phát triển các sản phẩm mới và hình thành các chuỗi liên kết đã được ký kết giữa các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, HTX và các nhà phân phối. Hoạt động này đã tạo niềm tin cho sản phẩm Thủ đô đối với khách hàng trong nước và trên thế giới.

Liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Báo cáo tại Hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Chí cho biết, trong thời gian qua lãnh đạo thành phố và các huyện, thị xã đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách hành phát triển Nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới (NTM) và nâng cao đời sống nông dân. Qua đó, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Với sự nỗ lực của nông dân toàn thành phố, bình quân giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng 3,34%/năm; cơ câú ngành nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi, dịch vụ và giảm dần sản xuất trồng trọt. Theo hướng phát triển này,giá trị sản xuất thực tế của ngành nông nghiệp năm 2018 đã đạt 259 triệu đồng/ha,

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thực tế đã khẳng định vị thế trong điều kiện Thủ đô. Toàn  thành phố đã xây dựng được 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong các trang trại sản xuất giống hoa ở các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, trong nuôi trồng thuỷ sản ở Ứng Hoà, Chương Mỹ…

Mô hình chăn nuôi khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm thực hiện ở trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) đã đưa lượng lợn xuất trại hàng tháng lên trên 1.000 lợn thịt, từ 500 đến 1.000 lợn giống mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm;

Công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao Nhật Bản, Với diện tích 3.000m2 nuôi trồng nấm, hàng tháng công ty đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuât  khẩu khoảng 40 tấn sản phẩm, tạo doanh thu trên 15 tỷ đồng;

Những mô hình liên kết thâm canh lúa bằng công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất giống, giao cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch làm khô lúa tươi bằng máy và các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu trên diện tích hàng nghìn ha đã được thực hiện tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà;

Nhiều mô hình chăn nuôi từ từ 15.000 đến 25.000 gà siêu trứng với 18 đến 30 lò ấp có công suất 2vạn trứng/mẻ/lò được cơ giới hoá, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và trên 10.000 gà thương phẩm  đã đươc mở ra trong nhiều xã ở huyện Đông Anh;

Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất tới 80 tấn/ha, đạt giá trị trên 3,5 tỷ/ha và lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện  Chương Mỹ, Ứng Hoà….

Trong liên kết sản xuất, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình ở các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các chuỗi rau, lúa hàng hoá chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với trên 5.000ha rau an toàn được quản lý, 3,810 trang trại lớn ngoài khu dân cư ở 76 xã chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và 30 cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp.

Ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng và duy trì được135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chiếm hơn 11% tổng số chuỗi liên kết của cả nước. Trong số này, 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi phẩm nguồn gốc thực vật. Các chuỗi liên kết hình thành đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia. Qua đó, đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê,...

Trong chăn nuôi, các chuỗi liên kết hoạt động đã đi theo mô hình khép kín thường do các doanh nghiệp làm đầu mối. Chuỗi đã chủ động hoàn toàn các khâu sản xuất giống,  thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản phẩm khép kín đã mang lại hiệu quả cao như: Chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sữa Vinh Nga,... Ở các xã chăn nuôi trọng điểm đã xuất hiên nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai, chuỗi sữa IDP...

Để hình thành các chuỗi liên kết, thành phố đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật, qụản lý chất lượng, an toàn thực phẩm...; hỗ trợ xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ thí điểm sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR, nhằm minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng sản phẩm... Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản bằng tem điện tử thông minh QRcode của thành phố đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 1.984 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất chế biến, đóng gói và 766  cửa hàng kinh doanh trái cây; cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm và trên 5 triệu tem truy xuất nguồn gốc nông sản.

Đại biểu tham dự hội thảo trước gian hàng giới thiệu sản phẩm

Có thể thấy, các chuỗi bước đầu được hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết, hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Trên cơ sở này, hồ sơ pháp lý cơ bản của chuỗi bao gồm Giấy chứng nhận ATTP, sơ chế đóng gói, kinh doanh. Đến nay, đã có hơn 20 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Trong số nay, 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ với 5 thương hiệu được bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” là Gà đồi Ba Vì, Gà Mía Sơn Tây, Gà đồi Sóc Sơn, Vịt Vân Đình và Trứng vịt Liên Châu. Hàng ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò; 282 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa tươi...

Kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn

Về dự hội thảo có đông đảo đại biểu là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị trong toàn thành phố. Từ diễn đàn này, đại diện các đơn vị sản xuất kinh doanh ngành hàng nông sản thực phẩm đã bàn thảo, trao đổi kinh nghiệm rất cởi mở. Theo đó, những phát biểu tại Hội thảo đều nhấn mạnh việc liên kết, cách tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đồng thời kết nối nông dân với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sau cùng.

Xuất phát từ đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ với độ đồng đều không cao; mặt khác, do sản xuất nông nghiệp là một quá trình sinh học, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, dịch bênh và người tiêu dùng sử dụng dưới dạng tươi sống,  Giám đốc công ty cổ phần xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam, Đỗ Hoàng Thạch đã nhấn mạnh đến đặc trưng của các đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô và cho rằng, đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong tích tụ ruông đất, xây dựng cơ sở hạ tầng; thiếu vốn sản xuất kinh doanh; có nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ, thị trường và đàm phán liên kết liên doanh. Do vậy, rất cần sự liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và sự hỗ trợ của các tổ chức quản lý nhà nước và nhà khoa học. Theo ông, kết nối chuỗi nông sản không đơn thuần chỉ là việc tiêu thụ sản phẩm mà nhằm vào phát triển bền vững.

Để hoạt động kết nối sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của các nhóm tác nhân từ sản xuất xuất, phân phối đến tiêu dùng; sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học và sự đồng hành của hệ thống ngân hàng. Theo đó, thành phố Hà Nội cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa hoạt đông xúc tiến thương mạị và kết nối giao thương; đẩy mạnh việc bình chọn, gắn với truyền thông quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm an toàn; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận với cơ chế chính sách, nhằm hình thành nhiều chuỗi liên kết bền vững; đặc biệt là thúc đâỷ mạnh hoạt động xúc tiến thương mại làm đầu mối cho các chuỗi liên kết.

Từ góc nhìn thương mại và xuất khẩu, Tổng Giám đốc công ty GreenPath Phùng Thị Thanh Hương cho rằng, chìa khoá cho xuất khẩu nông sản thực phẩm là hoạt động kiểm định chất lượng và đóng gói bảo quản.Với tiềm năng, lợi thế đất đai, lao động, hạ tâng kỹ thuật và thị trường Thủ đô; Hà Nội có thể lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh nhằm thay thế sản phẩm nhập khẩu và nâng cao khả năng xuất khẩu. Theo đó, cần xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Để xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, nông sản Hà Nội phải đáp ứng được yêu cầu của từng loại thị trường, Thị trường Mỹ nổi tiếng với những quy định chặt chẽ do cơ chế bảo vệ nền nông nghiệp sạch. Theo quy định của Australia, để xuất khẩu nông sản vào thị trường này, phải thoả mãn được các yêu cầu khắt khe về vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói, bao bì, nhãn mác và kiểm dịch bằng chiếu xạ.

Phần lớn các đơn vị phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản Việ Nam hiện tập trung ở các tỉnh phía Nam. Do vậy, việc xây dựng khu phức hợp về  kiểm định và dịch vụ hỗ trợ XNK cho khu vực phía Bắc trên địa bàn Hà nội là rất cần thiết.

Đại diện cho những người sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn Thủ đô, lãnh đạo nhiều Hợp tác xã nông nghiệp đã gợi ra những vấn đề cụ thể trong kết nối tiêu thụ nông sản thực phảm và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Thay mặt thành viên HTX nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở huyện Thường Tín, bà Phạm Thị Thanh Hà cho biết, sản xuất nông nghiệp thâm canh truyền thống gặp nhiều khó khăn do rủi ro BĐKH; do sử dung nhiều chất hoá học độc hại, nông sản đang tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác,thu nhập từ nông nghiệp thấp, bấp bênh dẫn đến nông dân thiếu gắn bó với đồng ruộng.

Nhận thức được vai trò của vùng đất cửa ngõ Thủ đô, nơi có thị trường tiêu thụ rau củ quả lớn nhất cả nước,HTX nông nghiệp Thanh Hà đã thuê lại trên 1,15 ha đất của nông dân xã Ninh Sở để xây dựng vùng trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao. HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng nhà màng trồng rau trên diện tích 8.000 m2  với hệ thống tưới phun tự động. Cùng với nhà trồng rau sạch, HTX đã đầu tư xây dựng  2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà chế biến rau củ… tạo dây chuyền sản xuất khép kín từ sản đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản xuất rau an toàn của HTX đã đạt tiêu chuẩn Vietgap. Thương hiệu rau an toàn Vinasft đã chinh phục được lòng tin vủa người tiêu dùng với doanh thu hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng/ha. HTX đã tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 triệu đến 8triệu đồng/người /tháng.

Phân tích những kết quả đạt được của HTX bằng sự nỗ lực của các thành viên, bà Hà cho rằng, trong kết nối tiêu thụ  nông sản thực phẩm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của HTX, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp các ngành có vai trò rất quan trọng. Sự quan tâm hỗ trợ này không chỉ cho riêng HTX mà là với tất cả nông dân trên địa bàn huyện về giống, vật tư sản xuất, vật liệu làm đường và quan trọng là thông tin thị trường, kiên doanh, liên kết thông qua các hội nghị giao thương kết nối cung cầu và những lớp tập huấn kỹ thuật.

Xuất phát từ một nhóm nông dân trồng lúa hữu cơ trên diện tích 15 ha/vụ, cuối tháng 9 năm 2017 HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương mỹ được thành lập với 89 hộ thành viên, canh tác 25 ha/vụ lúa hữu cơ.  Khác với trồng lúa thông thường, lúa hữu cơ được sản xuất theo nhóm trong cả khu ruộng và các hộ nông dân tự giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện quy trình sản xuất. Trên nền tảng chất lượng cao, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được thị trường chấp nhận. Với năng suất đạt trên 4,9 tấn/ha, vụ Xuân năm 2019, diện tích lúa hữu cơ của HTX đã mở rộng trên diện tích 50ha. Bằng cách làm mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thu nhập 1ha sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/năm cao hơn 2,1 lần so với phương pháp thông thường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng tình với những chia sẻ của các HTX nông nghiệp trong Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng phú Nguyễn Thị Nguyệt nhận xét, sự kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản là rất hữu ích đối với các HTX nông nghiệp, Chính chính lẽ này, việc tổ chức thường xuyên những Hội thảo giới thiệu nông sản an toàn và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp là cần thiết cho sự phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp

Phân tích thực trạng kết nối tiêu thụ nông sản và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, giới nghiên cứu và các nhà quản lý cho rằng, cần nhìn nhận nghiêm túc những thành công đạt được cũng như khiếm khuyết, hạn chế và tắc nghẽn trong quá trình thực hiện, để từ đó tìm kiếm giải pháp thích hợp tiếp tục phát huy kết quả đạt được.

Từ góc nhìn quản lý, lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất có phát triển song chưa xứng tầm với vị trí của Thủ đô. Nhìn chung, việc sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp diễn ra ở quy mô nhỏ, trong các mô hình thử nghiệm, chưa đảm nhận được vai trò định hướng tiên phong trong hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong  thực tiễn sản xuất nông nghiệp, công nghệ hiện đại chưa được vân dụng phổ biến trong khâu công việc gieo trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến nên chất lượng nông sản làm ra còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm của Thủ đô khá lớn, Theo ước tính, trung bình hàng tháng, lượng lương thực thực phẩm nông lâm thuỷ sản tiêu thụ khoảng trên 300.000 tấn với 103.300 tấn rau củ quả, gần 93.000 tấn gạo, 25.000 tấn thịt, 124 triệu quả trứng, trên 5.100  tấn thuỷ hải sản và hơn 5.000 tấn thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm…..Với nhu cầu tiêu thụ này, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 30% về gạo, 55,7% về rau củ, quả , 3% thuỷ, hải sản…phần lớn nhu cầu thiếu hụt  được bù đắp từ nông sản ngoài địa bàn thành phố hoặc nhập khẩu,

Do đầu tư thiếu toàn diện, còn dàn trải cho phát triển những mặt hàng nông sản chủ lực; mặt khác,việc liên kết giữa các tổ chức cá nhân trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa đảm bảo tạo được sức mạnh tổng hợp và từng khâu trong phát triển cuả từng ngành hàng. Tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian phân phối làm việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi khó khăn và giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, Thực tế này dẫn đến giảm niền tin của người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Văn Chí, trước năm 2010, ngành nông nghiệp thành phố tập trung vào giới thiệu về giống, vật tư và tiến bộ kỹ thuật; gần đây hướng mạnh vào xúc tiến tiêu thụ nông sản; nội dung giống,vật tư thiết bị thiết và công nghệ gần như còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, doanh nghiệp cùng các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản cần phải chủ động tìm giải pháp tiếp cận lẫn nhau.

Làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, các nhà phân tích cho rằng Năng lực sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế, người sản xuất nông sản hàng hoá chủ yếu làm theo cách truyền thống, việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là đầu tầu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố số lượng còn quá ít. Mặt khác, thành phố chưa có quy hoạch những vùng sản xuất nồng nông nghiệp công nghệ cao đủ lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thực tế sản xuất phân tán, nhỏ lẻ còn tồn tại trong nông nghiệp Thủ đô đã cản trở, khiến các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung triển khai chậm và thiếu ổn định. Mặt khác, sự phối kết hợp giữa các hộ nông dân với thương lái và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thiếu gắn kết, khiến việc vận dung chủ trương chính sách của Trung ương và thành phố còn nhiều khó khăn, chưa phát huy được đúng vị trí của từng thành phần tham gia.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nhìn chung ở quy mô nhỏ; việc vận dụng vào các khâu công việc như bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế. Tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh chưa tạo được khả năng cạnh tranh đủ mạnh. Cùng với những hạn chế này, công tác dự báo thị trường và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, bất cập.

Trao đổi tại Hội thảo, đạị diện các HTX nông nghiệp, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao. Những ý kiến trao đổi đã nhấn mạnh đến việc liên kết, cách tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và kết nối nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, thẳng thắn gợi ra những tồn tại, bất cập và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. 

Nhấn mạnh về vai trò liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho rằng: Nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2020 của nông nghiệp Thủ đô nhằm vào đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu; sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất, tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp. Cùng với những nhiệm vụ này thúc đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, tiêu thụ nông sản là những nhiệm vụ hàng đầu. 

Trong khuôn khổ hội thảo lần thứ nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, các nhà phân phối và cơ quan nghiên cứu về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ mới vào sản xuất; phát triển các sản phẩm mới và hình thành các chuỗi liên kết. Hy vọng bước khởi đầu của Hà Nội sẽ mở ra triển vọng phát triển của nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới./.

TS. Lê Thành Ý - ThS. Vương Xuân Nguyên

Tin nổi bật