(ĐSPL) - Được sự tin tưởng của Giám đốc Trung tâm trong việc quản lý, Hoàng đã lợi dụng các "con nuôi" của mình, kể cả trai và gái để lạm dụng tình dục suốt mấy năm trời cho đến khi sự thật được phanh phui, cơ quan công an vào cuộc, bắt giữ tên “quỷ râu xanh” này.
Từ gã buôn lợn thành người cưu mang những số phận bất hạnh
"Tôi từng này tuổi đầu, chịu cực khổ cũng đã nhiều, chưa bao giờ nói tiếng nặng với ai, cả đời lao động cật lực, chỉ mong lo cho con cái và có được đồng nào lại đi giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Nhưng bây giờ thấy rất đau đớn, khi người ta vu khống cho tôi. Dù nhiều người hiểu thông cảm, nhưng lòng tôi vẫn thấy không gì xoa dịu nổi nỗi khổ tâm của tôi”.
Đó là lời tâm sự tự đáy lòng của ông Phạm Văn Ngữ (SN 1949, ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Nguyên nhân của những trăn trở và "tấn trò đời" đó bắt nguồn từ một câu chuyện dài như là định mệnh của cuộc đời ông, ông nói không biết nên gọi nó là hạnh phúc hay oan nghiệt. Vốn là người theo đạo, từ nhỏ, gia đình đông anh em, nên ông Ngữ cũng chẳng được thừa hưởng của cải từ cha mẹ, ông chỉ được hưởng ý chí và tính thiện được ba mẹ để lại.
|
Trung tâm bảo trợ người già và trẻ mồ côi Đồng Tâm. |
Người được ông Ngữ nhắc đến là Lương Thanh Nhàn (tức Hoàng), xuất thân từ một gã buôn lợn, nhưng do làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất nên Hoàng bỏ xứ Kiên Giang lên Đồng Nai lập nghiệp. Dù lanh lợi, nhưng đất khách quê người, cộng thêm việc làm ăn không gặp thời nên Hoàng xoay xở đủ điều cũng chẳng thể nuôi nổi gia đình. Không hiểu ai xui Hoàng, y đã đi mọi nơi gom nhặt người lang thang cơ nhỡ về nhà nuôi. Nhưng do không đủ tư cách pháp nhân và điều kiện kinh tế, Hoàng đã không được chính quyền địa phương cấp giấy phép thành lập Trung tâm bảo trợ người già và trẻ mồ côi.
Cùng đường, Hoàng thấy người hàng xóm của mình là ông Phạm Văn Ngữ (vốn hiền lành, tốt bụng và cũng đang mở một Trung tâm bảo trợ người già trẻ lang thang cơ nhỡ) để được giúp đỡ. Thấy Hoàng là người ở nơi xa đến, hộ khẩu chưa có, kinh tế đang gặp khó khăn, lại nuôi những đứa trẻ mồ côi, ông Ngữ thương tình nên đã hợp tác giúp đỡ hợp thức hóa việc nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi. Cũng vì tính thiện này nên năm 2009, khi Hoàng sang năn nỉ ông giúp đỡ về việc nuôi những trẻ em và người già vô gia cư, ông đã chấp nhận.
Khu vực huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, vốn đa số là những người theo đạo, nên khi nghe thông tin này ai cũng hiếu kỳ, một đồn mười, mười đồn trăm. Thế rồi nơi đây thành một nơi tụ tập đông người, có dấu hiệu mê tín dị đoan và gây mất trật tự khu dân cư nên chính quyền địa phương đã vào can thiệp. Cũng qua đây, chính quyền biết được Hoàng không đủ tư cách pháp nhân để nuôi dạy trẻ mồ côi. Chính quyền địa phương đưa ra hướng giải quyết với Hoàng, sẽ đưa các bé và những người già vào Trung tâm nuôi trẻ mồ côi và người lang thang cơ nhỡ trên thành phố, hoặc vào một Trung tâm nào đó của tỉnh để có điều kiện chăm sóc.
|
Kẻ tung tin đồn xằng bậy và động cơ phía sau “tấm lòng thiện”. |
Những dự cảm về mầm họa
Không hiểu vì lý do gì mà Hoàng không chấp nhận, nhưng biết mình làm sai nên cũng chẳng thể để tình trạng này được lâu. Hoàng đã sang nhà ông Ngữ năn nỉ ông Ngữ. Ông Ngữ còn nhớ lời của Hoàng: "Hoàng nói rằng, chỉ còn một tuần là chính quyền địa phương bắt buộc Hoàng phải để họ gửi các cháu vào các trung tâm khác, còn Hoàng không được nuôi các cháu vì không đủ điều kiện. Hoàng năn nỉ tôi nhận các cháu về, vì lúc đó tôi cũng đang có một Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người lang thang cơ nhỡ. Tôi cũng nghĩ rằng đưa các cháu đi trung tâm khác cũng hợp lý. Nhưng do Hoàng cầu khẩn, bảo đó là tâm huyết cả đời của Hoàng, tôi cũng thương các cháu quen ở đây, đi xa lỡ chúng nó lạ nước lạ cái cũng tội, nên hỏi ý kiến các ban ngành lãnh đạo, sau đó đồng ý nhận các cháu về rồi lo xây dựng trung tâm".
Lúc đó, Hoàng không có hộ khẩu thường trú ở địa phương, kinh tế cũng eo hẹp, nên ông Ngữ bàn với Hoàng để xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội mang tên Đồng Tâm tại miếng đất sau nhà Ngữ. Một mình tất bật lo toan giấy tờ, rồi lo kinh phí để xây dựng. Nhưng khi định xây ở mảnh đất nhà mình, ông Ngữ lại thấy Hoàng sang nhà bảo: "Bác ơi! Cháu đã kiếm được mảnh đất rộng lắm. Bây giờ, họ cần tiền đặt cọc là 50 triệu đồng, bác đưa cháu rồi cháu sang đặt cọc, số còn lại cháu lo". Thấy Hoàng nói chuyện cũng hợp lý, nên ông Ngữ đưa cho Hoàng 50 triệu đồng đi đặt cọc đất. Sau khi đặt cọc đất xong, Hoàng lại bảo sẽ tiến hành xây dựng trung tâm. Lúc đó, nghĩ các cháu cũng cần có nơi ăn ở cho đàng hoàng, nên ông Ngữ đã đồng ý lo thủ tục giấy tờ nhà đất để xây dựng. Nhưng lúc đó, ông Ngữ đang làm chức đại diện giáo xứ, bên đạo người ta gọi là Cụ Chánh. Khi nghe ông Ngữ hợp tác với Hoàng, Cha xứ gọi lên bảo, ông Ngữ đang làm việc cho giáo xứ do đó không nên làm gì thêm, cũng không nên cộng tác với Hoàng. Là con chiên ngoan đạo, thấy Cha nói cũng có lý có tình, nhưng nhìn thấy những cháu nhỏ mồ côi và những người già lang thang tàn tật, ông Ngữ không đành lòng quay lưng. Lúc đó, ông thầm nghĩ: "Cha nói cũng đúng, nhưng bên tình bên nghĩa, bên nào cũng phải làm tròn". Nghĩ vậy, nên ông Ngữ đành âm thầm cộng tác với Hoàng, bằng cách cho người chở vật liệu xây dựng, cung cấp tiền bạc cho Hoàng xây Trung tâm, chứ ít khi ra mặt.
Ông Ngữ cho biết: "Thật ra, lúc đó tôi cũng đã nghe Cha Ngô Duy Hòa (cha Chánh xứ Giáo xứ Bạch Lâm) và nhiều người hàng xóm nói là không nên tin Hoàng. Nhưng tôi nghĩ Hoàng đã làm việc thiện, sao mình còn nghi ngờ. Hơn nữa, mình xây dựng Trung tâm là vì những người bất hạnh, sao phải tính toán chi li, nên tôi giao mọi việc cho Hoàng ra mặt. Thực tế, Hoàng cũng có góp công sức và tiền bạc xây Trung tâm, chứ không phải một mình tôi, nhưng Hoàng cứ làm chứ chẳng công khai tiền bạc bao nhiêu, tôi cũng không tính toán, nên không biết tổng hết mấy nữa, thiếu xi măng sắt thép gì là Hoàng gọi tôi, rồi tôi gọi người đến".
Sau khi xây xong, ông Ngữ vui mừng khôn xiết, bởi ông biết rằng từ đây "ngôi nhà yêu thương" mà ông dốc hết tâm sức và tấm lòng của mình vào đã hoàn thành. Những đứa trẻ, những người già đã bắt đầu có nơi ăn ngủ mà không phải lo lắng. Do không chút nghi ngờ nên ông Ngữ giao phó hết mọi thứ cho Hoàng và tin tưởng rằng Hoàng cũng như mình, mang trái tim của một người cha ra để bao bọc Trung tâm. Nào ngờ...
Không minh bạch tài chính từ đầu? Theo ông Ngữ lúc mua miếng đất xây Trung tâm bảo trợ Đồng Tâm, Hoàng có nói với ông Ngữ miếng đất đó là 250 triệu đồng, nhưng người bán là bà Phạm Thị Liễu, nói rằng bà bán có 220 triệu đồng. Nghe bà Liễu nói, nhưng ông Ngữ cũng nghĩ có lẽ do có sự nhầm lẫn, nên ông Ngữ không để ý, vẫn một mực nghĩ rằng Hoàng là người tốt, nên tin tưởng tuyệt đối. Câu hỏi lớn về một âm mưu Câu chuyện bắt đầu từ việc, khoảng năm 2008, Lương Thanh Nhàn (tức Hoàng) vốn là người Kiên Giang, do hành nghề buôn bán lợn bị thua lỗ nên dắt díu vợ con lên Đồng Nai lập nghiệp. Hoàng mua nhà đối diện với nhà ông Ngữ, dù không quá thân thiết, nhưng ông Ngữ vẫn hay hỏi han gia đình Hoàng. Lúc đó, Hoàng đưa về khoảng 15 người, đa số là trẻ em và người già lang thang cơ nhỡ. Hoàng nói thương họ nên đưa về nuôi, nhưng cũng trong thời gian này, Hoàng tung tin đồn rằng, bức tượng chúa trong nhà mình tự nhiên chảy dầu ra. |
Kỳ 2: Bí mật kinh hoàng trong căn phòng ngủ và chuyện ăn gian cả "tiền quan tài"