(ĐSPL) – Việc hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng biển Việt Nam là giai đoạn mới nhất trong “kế hoạch lớn” lâu dài của Bắc Kinh nhằm thống trị Biển Đông.
Tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF ở Myanmar, Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc ngừng các hành động “khiêu khích” ở Biển Đông và nói rằng nước này có quyền xây dựng trong những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, “bản đồ chín đoạn” (bản đồ lưỡi bò) của Trung Quốc liếm trọn 90\% diện tích Biển Đông gồm 3,5 triệu cây số vuông.
|
Giàn khoan Hải dương-981 và tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Trong bài viết đăng trên atimes.com ngày 8/8, học giả Billy Tea của Diễn đàn Thái Bình Dương trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ ở tại Washington viết: Để hiểu được hiện tại và dự đoán được tương lai, điều cần thiết là phải nhận ra tham vọng lâu dài của Trung Quốc đối với Biển Đông giàu dầu khí.
Từ lâu, Trung Quốc đã tranh chấp, đôi khi đụng độ, với một số nước Đông Nam Á ở các khu vực khác nhau trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn khu vực ARF tháng 7/2010 ở Hà Nội rằng Mỹ có "lợi ích quốc gia" ở Biển Đông, tình hình bắt đầu nóng lên trông thấy.
Trung Quốc coi tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton là một sự khiêu khích và là mưu toan quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đã tuyên bố khu vực này là "lợi ích cốt lõi", chỉ muốn giải quyết song phương với các bên tranh chấp và chống lại các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế đa phương. Việc Bắc Kinh bác bỏ đề xuất của Mỹ về “tự nguyện đóng băng” các động thái “khiêu khích” ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn của Trung Quốc về vấn đề này.
Kể từ khi bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Biển Đông đã chứng kiến một loạt các hành động tranh chấp leo thang của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc đụng độ với Philippines ở bãi cạn Scarborough và đánh dấu sự khởi đầu của phương pháp khiêu khích hơn của Bắc Kinh trong tranh chấp.
Các cuộc đụng độ năm nay giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam gần giàn khoan Hải Dương 981 đe dọa leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Giàn khoan dầu Hải dương Thạch đầu 981 là một phần của cái gọi là “Chương trình 863” của Trung Quốc, nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới.
Sau khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tháng 5/2014, Trung Quốc còn triển khai thêm 4 giàn khoan dầu (Nam Hải 2/4/5/9) trong tháng 6/2014 tại Biển Đông với nhiệm vụ thăm dò tương tự và sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Động thái này đã làm dấy lên tranh chấp ngoại giao-kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Phải chăng đây chính là kế hoạch lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông?
Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” như dưới thời Đặng Tiểu Bình trước đây và ngày càng sẵn sàng thể hiện sức mạnh quân sự và sức mạnh công nghệ. Giàn khoan Hải Dương 981 là một ví dụ điển hình của công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả việc triển khai lực lượng tàu bảo vệ các giàn khoan ở Biển Đông.
Hiện thời, Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với các đối thủ tranh chấp trong Biển Đông. Bất chấp phản ứng của Việt Nam và toàn bộ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch dài hạn, nhiều giai đoạn để cuối cùng thống trị Biển Đông.
Kế hoạch này bao gồm ba thành phần rõ ràng. Cụ thể là:
1.Tăng cườngsức mạnh quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân và không quân
Trong tháng 3/2014, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc gia 2014-2015, với 132 tỷ USD phân bổ cho chi tiêu quân sự, tăng khoảng 12\% so với năm trước. Sự phát triển quân sự của Trung Quốc có nhiều mục đích và không chỉ nhằm khẳng định hoặc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà còn sẽ được sử dụng để răn đe Đài Loan và làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
2. Cải thiện hình ảnh quốc tế
Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi về việc thiếu bằng chứng pháp lý để hỗ trợ cho tuyên bố “bản đồ chín đoạn” nuốt trọn 90\% diện tích Biển Đông. Trong quá khứ, những lời chỉ trích quốc tế đó sẽ có ảnh hưởng hạn chế đối với chính sách của Bắc Kinh.
Hiện thời, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh toàn cầu của nước này. Điều đó đã được thể hiện qua Thế vận hội Olympic 2008 được tổ chức tại Bắc Kinh. Liên quan đến những lời chỉ trích quốc tế gần đây về hành động “khiêu khích” ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng củng cố tuyên bố chủ quyền của mình thông qua con đường Liên Hợp Quốc. Chiến thuật mới này được xem như là phản ứng của Trung Quốc trước việc Philippines kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và là một động thái khẳng định chủ quyền đối với khu vực tranh chấp.
3.Tăng cường các biện pháp pháp lý
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lưu hành một văn kiện tại Liên Hợp Quốc với tiêu đề "Các hoạt động của giàn khoan Hải dương Thạch đầu 981 khoan: khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc". Văn kiện này bao gồm một tuyên bố của chính phủ Trung Quốc ngày 4/9/1958, các trang photocopy từ sách giáo khoa địa lý cho học sinh lớp 9 tiếng Việt được xuất bản cách đây 40 năm và một trang bìa của một bản đồ thế giới.
Một phương pháp Trung Quốc đang sử dụng để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của nước này là hút cát lấp đầy các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, biến các bãi đá ngầm thành “đảo nhân tạo”. Quá trình "xây dựng đảo" này là nhằm hỗ trợ tuyên bố “chủ quyền “ của Trung Quốc. Trung Quốc dường như còn có kế hoạch di dân đến cư trú thường xuyên trên các vùng lãnh thổ tranh chấp để tăng cường sự khẳng định pháp lý đối với biển đảo.
Để lường trước được hành động sắp tới của Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981, điều cần thiết là phải hiểu được “kế hoạch lớn” nhằm khẳng định sự thống trị Biển Đông của Bắc Kinh. Sẽ là sai lầm khi coi việc hạ đặt giàn khoan 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành động nhất thời, chứ không phải là một động thái được tính toán cẩn thận và nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc đối với Biển Đông.