Vào cuối thập niên 1970, khi Marvel Comics đang đứng bên bờ khủng hoảng vì lạm phát, trễ hạn phát hành và nội bộ thiếu định hướng sau khi Stan Lee rút lui, một người đàn ông cao lớn với quan điểm biên tập sắc bén đã bước vào, tái cấu trúc lại “Ngôi nhà ý tưởng” và thổi luồng sinh khí mới vào ngành công nghiệp vốn đang mỏi mệt. Đó là Jim Shooter, một tác giả truyện tranh từng bắt đầu sự nghiệp từ năm 13 tuổi, và chỉ hơn một thập niên sau đã trở thành tổng biên tập trẻ nhất lịch sử Marvel.
Trong gần 10 năm (1978-1987), Jim Shooter dẫn dắt Marvel bước vào thời kỳ hưng thịnh chưa từng có, đây là thời kỳ chuyển giao từ phát hành qua sạp báo sang mô hình “thị trường truyện tranh chuyên biệt” (direct market): loạt truyện X-Men của Claremont và Byrne, Daredevil của Frank Miller, Thor của Walter Simonson, cùng nhiều tựa truyện huyền thoại khác đều được khai sinh hoặc đạt đỉnh cao dưới nhiệm kỳ của ông. Ông cũng là người khởi xướng các sự kiện truyện tranh lớn đầu tiên như Secret Wars, mô hình sau này trở thành công thức kinh điển của dòng truyện siêu anh hùng.
Jim Shooter dẫn dắt Marvel bước vào thời kỳ hưng thịnh chưa từng có. Ảnh:cbr
Từ thần đồng truyện tranh tới tổng biên tập huyền thoại
Jim Shooter bước chân vào thế giới truyện tranh từ năm 14 tuổi, khi gửi kịch bản cho loạt truyện Superboy and the Legion of Super-Heroes của DC Comics.
Tác phẩm đầu tay của ông xuất hiện trong Adventure Comics số 346, phát hành tháng 7/1966. Với chất giọng chân thực và mới mẻ đúng lứa tuổi thiếu niên, ông nhanh chóng trở thành cái tên được yêu mến trong cộng đồng fan của dòng truyện siêu anh hùng tuổi teen.
Trong suốt thập niên 1970, Jim Shooter đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong ngành truyện tranh, cho đến khi gia nhập Marvel năm 1976 với tư cách là trợ lý biên tập kiêm biên kịch.
Khi đó Stan Lee rút khỏi vị trí quản lý, để lại công ty trong tay nhiều cây bút trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành. Dù Marvel lúc ấy tràn đầy năng lượng sáng tạo, nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng. Các đầu truyện bị ngưng sớm, trễ hạn phát hành và hàng loạt vấn đề khác khiến tình hình công ty thêm phần khó khăn, nhất là giữa bối cảnh lạm phát và khủng hoảng kinh tế đang hoành hành.
Tháng 1/1978, Jim Shooter được bổ nhiệm làm tổng biên tập thứ 9 của Marvel. Ông nhanh chóng đưa ra loạt quy định nghiêm ngặt nhằm khôi phục uy tín của "Ngôi nhà ý tưởng" (The House of Ideas - biệt danh của Marvel).
"Tôi luôn nghĩ rằng nếu không có ông ấy và Frank Miller, thì bất chấp tài năng của nhiều người khác trong công ty, Marvel có lẽ đã không thể sống sót qua thập niên 1980" - Danny Fingeroth - cựu biên tập viên và cây bút gắn bó với Marvel những năm 1980 - 1990, nhận định.
Jim Shooter được bổ nhiệm làm tổng biên tập thứ 9 của Marvel.
Thời kỳ vàng son
Dưới thời Jim Shooter, Marvel bùng nổ với thành công vang dội của X-Men do Chris Claremont viết và John Byrne minh họa.
Công ty thu hút thêm hàng loạt tài năng trẻ như Frank Miller, Walter Simonson và Bill Sienkiewicz; thử nghiệm các hình thức xuất bản mới như graphic novel (tiểu thuyết đồ họa) và tuyển tập truyện dài tập.
Đẩy mạnh doanh số qua các sự kiện thường niên và loạt truyện ngắn; đồng thời mở rộng tệp độc giả trong bối cảnh nhiều người lo sợ truyện tranh sẽ thoái trào sau thập niên 1970. Có thời điểm, Marvel chiếm đến hơn 80% thị phần truyện tranh tại Mỹ.
Tuy nhiên thành công ấy cũng gắn liền với phong cách điều hành cứng rắn của Jim Shooter. Ông là người có quan điểm mạnh mẽ về cách làm truyện tranh và thường gây áp lực lớn lên các tác giả để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Năm 1987, sau khi Marvel bị mua lại bởi New World Pictures, Jim Shooter - lúc ấy vốn không còn được lòng nhiều người - bị cho là đã bị sa thải vì đòi quyền tự chủ biên tập và yêu cầu trả nhuận bút công bằng.
"Ông ấy khiến nhiều người có ý kiến trái chiều, nhưng đó là vì ông thực sự đam mê công việc của mình. Ông đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các freelancer (người làm việc tự do) - điều mà ngày nay rất hiếm thấy ở các tổng biên tập" - họa sĩ Bill Sienkiewicz - người từng vẽ Moon Knight và New Mutants, chia sẻ.
Thế giới nhân vật của Marvel.
Không ngừng tìm tòi, đổi mới
Sau khi rời Marvel, Jim Shooter thành lập Công ty Voyager Communications và cho ra đời nhãn hiệu Valiant Comics. Một lần nữa, ông mang lại cả những đỉnh cao lẫn tranh cãi, trước khi bị sa thải vào năm 1992.
Trong lúc các công ty truyện tranh độc lập, đặc biệt là Image Comics do nhóm cựu nghệ sĩ Marvel sáng lập đang lên ngôi, Jim Shooter liên tục thử lại với các thương hiệu như Defiant Comics, Broadway Comics và Acclaim Comics. Dù đầy tâm huyết, nhưng không thương hiệu nào của ông sống sót qua thập kỷ 1990.
Trong suốt 25 năm cuối đời, Jim Shooter vẫn tiếp tục đóng góp cho ngành truyện tranh cả trong lẫn ngoài khuôn khổ chính thống. Ông duy trì một blog riêng để chia sẻ các góc nhìn, phân tích về lịch sử truyện tranh, đồng thời thường xuyên góp mặt tại các sự kiện và hội chợ truyện tranh với vai trò khách mời danh dự.