(ĐSPL) - Iraq chính thức yêu cầu Mỹ không kích lực lượng nổi dậy Hồi giáo Sunni, lực lượng đã đánh chiếm nhiều thành phố lớn ở phía bắc và đang đe dọa Baghdad.
|
Ngoại trưởng Hoshyar Zebar: Iraq đã đề nghị Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống lại những phần tử thánh chiến Hồi giáo do các chiến binh Sunni cầm đầu. |
Theo AFP, Ngoại trưởng Hoshyar Zebari ngày 18/6 cho biết Iraq đã đề nghị Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống lại những phần tử thánh chiến Hồi giáo do các chiến binh Sunni cầm đầu, lực lượng đã chiếm giữ các thành phố then chốt và các khu vực rộng lớn khác của Iraq.
Phát biểu với các phóng viên tại Arập Xêút Arabia, Ngoại trưởng Zebari nói: “Iraq đã chính thức đề nghị Washington giúp đỡ theo thỏa thuận an ninh giữa hai nước, tiến hành các cuộc không kích chống lại các nhóm khủng bố”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA, Ngoại trưởng Hoshyar Zebari gọi cuộc nổi dậy của ISIL là “mối đe dọa lớn nhất” đối với chính phủ Iraq. Ông nói rằng khủng bố ở Iraq không chỉ là một mối đe dọa cho Iraq và các nước láng giềng mà còn đe dọa nước Mỹ. Ông cũng cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị ở Iraq muốn nhận sự trợ giúp từ phía Mỹ thay vì từ nước láng giềng Iran. Ông nói thêm: “Đại đa số các nhà lãnh đạo chính trị Iraq đồng ý với nhau rằng sự trợ giúp của Mỹ trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố sẽ tạo ra ít vấn đề hơn so với sự tham gia của Iran”.
|
Bản đồ chiến sự Iraq: Màu đỏ do quân nổi dậy kiểm soát), màu xanh la mạ do người Kurd kiểm soát, màu đen do chính phủ kiểm soát, còn màu trắng là các thành phố đang tranh chấp. |
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, nói trước một tiểu ban Thượng viện Mỹ rằng chính phủ Iraq đã không có khả năng bảo vệ nhân dân. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagen trách cứ các nhà lãnh đạo Shi’ite của Iraq không bao giờ thực hiện cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết với người Sunni và người Kurd.
Tổng thống Barack Obama vẫn còn chưa quyết định phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng Iraq. Ông đã bàn bạc về vấn đề này với các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 18/6. Cuộc họp này đã thảo luận về những nỗ lực của Mỹ để củng cố lực lượng an ninh Iraq.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói rằng chọn lựa duy nhất mà Tổng thống Obama đã loại bỏ là đưa lực lượng tác chiến Mỹ trở lại Iraq. Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ không có kế hoạch hợp tác quân sự với Iran trong bất kỳ hành động nào tại Iraq.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng yếu tố chính trị là một phần quan trọng cho sự thành công của Iraq về lâu về dài: "Quan điểm của chúng tôi là Iraq và sự thành công ở đây không lệ thuộc vào sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào. Họ cần phải thực hiện những bước tiến trên mặt trận chính trị để bao gồm nhiều thành phần hơn, để cai trị với một cung cách phi giáo phái. Nhưng Mỹ và Tổng thống Obama đang xem xét tới nhiều sự lựa chọn khác nhau, xem xét tới những yếu tố bao gồm quyền lợi an ninh quốc gia của Mỹ”.
Trong diễn biến liên quan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cùng ngày đã triệu hồi đại sứ của nước này ở Iraq để “tham vấn”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao UAE bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về “chính sách phân biệt và mang tính chất giáo phái khiến một bộ phận quan trọng của nhân dân Iraq bị đẩy ra bên lề xã hội”, ám chỉ cộng đồng người Hồi giáo Sunni tại Iraq.