Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu là 3% trong năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với con số đưa ra hồi tháng 4.

Reuters đưa tin ngày 25/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do hoạt động kinh tế ổn định trong quý I. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo những thách thức dai dẳng đang làm giảm triển vọng trung hạn.

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cho biết lạm phát và căng thẳng nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng đều đã giảm nhưng cán cân rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt vẫn nghiêng về phía giảm, tín dụng bị thắt chặt.

IMF dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu là 3% trong năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Triển vọng tăng trưởng cho năm 2024 vẫn được giữ nguyên ở mức 3%.

Dự báo tăng trưởng năm 2023 - 2024 thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm 3,8% trong giai đoạn 2000 - 2019, chủ yếu do hoạt động sản xuất yếu hơn ở các nền kinh tế tiên tiến và có thể duy trì ở mức đố trong nhiều năm.

“Chúng ta đang đi đúng hướng nhưng vẫn vẫn còn gặp khó khăn. Điều chúng ta đang thấy khi nhìn vào 5 năm tới là mức tăng trưởng gần 3%, có thể cao hơn 3% một chút. Đây là sự chậm lại đáng kể so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

 Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của Quỹ Tiền tệ Thế giới. Ảnh: Reuters

Ông Gourinchas cho rằng tình trạng này liên quan đến vấn đề già hóa dân số toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Các công nghệ mới có thể tăng năng suất trong những năm tới nhưng cũng có thể gây xáo trộn thị trường lao động.

Theo IMF, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi chứng kiến triển vọng “ổn định rộng rãi” trong giai đoạn 2023 - 2024, với mức tăng trưởng dự kiến 4% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Thế nhưng, IMF lưu ý tín dụng sẵn có bị thắt chặt và nguy cơ tình trạng nợ nần có thể lan sang một nhóm các nền kinh tế lớn hơn.

IMF nhận định tình hình kinh tế thế giới hiện đã khả quan hơn, với quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu liên quan đến COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng trở lại mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, các yếu tố cản trở tăng trưởng trong năm 2022 vẫn tồn tại, khi lạm phát còn ở mức cao làm giảm sức mua của các hộ gia đình, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay và khả năng tiếp cận tín dụng ít hơn do căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng xuất hiện hồi tháng 3.

“Thương mại quốc tế và các chỉ số về nhu cầu cũng như sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất đều cho thấy sự suy giảm hơn nữa”, IMF thông tin và lưu ý các khoản tiết kiệm được tích cóp trong thời đại dịch đang giảm ở các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ.

Trong khi những lo ngại trước mắt về tình hình ngành ngân hàng tạm lắng xuống, sự hỗ loạn của ngành tài chính có thể tiếp tục diễn ra khi thị trường điều chỉnh để thúc đẩy sự thắt chặt của các ngân hàng trung ương.

Tác động của lãi suất cao hơn đặc biệt rõ ràng tại các nước nghèo hơn, khiến chi phí nợ cao hơn và hạn chế khả năng đầu tư ưu tiên. Vì thế, thiệt hại về sản lượng so với dự báo trước đại dịch vẫn còn lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Về tình hình lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ con số 8,7% vào năm 2022 xuống mức 6,8% vào năm 2023, sau đó xuống 5,2% trong năm 2024. Lạm phát lõi giảm với tốc độ từ từ hơn, xuống 6,0% vào năm 2023 từ mức 6,5% trong năm 2022, tiếp đó xuống 4,7% vào năm 2024.

IMF cảnh báo lạm phát có thể tăng nếu cuộc xung đột tại Ukraine leo thang, nhắc đến mối lo ngại về việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, hoặc nhiệt độ gia tăng do hiện tượng El Nino đẩy giá hàng hóa lên cao, dẫn đến lãi suất tăng cao hơn.

Theo IMF, tăng trưởng thương mại thế giới đang giảm và sẽ chỉ đạt 2,0% vào năm 2023, trước khi tăng lên 3,7% vào năm 2024. Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mức 5,2% hồi năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do hoạt động kinh tế ổn định trong quý I. Ảnh minh họa: Reuters

IMF đã nâng triển vọng đối với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự báo mức tăng trưởng 1,8% vào năm 2023 do thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.

Tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng tại Trung Quốc, ở mức 5,2% vào năm 2023 và 4,5% vào năm 2024. Tuy nhiên, IMF cảnh báo sự phục hồi của Trung Quốc đang kém hiệu quả và sự thu hẹp lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một rủi ro.

Nền kinh tế Đức hiện được dự báo giảm 0,3% vào năm 2023 trong khi hồi tháng 4, con số này chỉ ở mức 0,1%. Trong khi đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Anh năm 2023 lên 0,4%, thay vì giảm 0,3% như trong báo cáo trước đó.

Các nước khu vực đồng Euro (Eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 0,9% vào năm 2023 và 1,5% vào năm 2024. Tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản cũng được điều chỉnh tăng 0,1% lên 1,4% vào năm 2023 nhưng vẫn giữ nguyên mức 1,0% vào năm 2024.

Reuters dẫn thông tin từ IMF cho biết, việc tăng lãi suất theo chính sách của ngân hàng trung ương nhằm hạn chế lạm phát tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều hơn mức dự kiến hồi tháng 4, trước khi cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

XEM THÊM: Hy Lạp: Máy bay lao vào sườn đồi khi tham gia chữa cháy rừng

Theo IMF, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, tăng cường giám sát tài chính cũng như rủi ro. Nếu tình trạng căng thẳng tiếp tục xuất hiện, các nước nên nhanh chóng cung cấp thanh khoản. IMF cũng khuyên các nước xây dựng bộ đệm tài chính để chuẩn bị cho những cú sốc tiếp theo và đảm bảo hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Tổ chức này cho hay, dữ liệu lạm phát bất lợi có khả năng dẫn đến sự gia tăng đột ngột trong kỳ vọng của thị trường về lãi suất. Điều này có thể thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính, gây áp lực căng thẳng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức liên quan đến bất động sản thương mại.

Theo ông Gourinchas, sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu do xung đột tại Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác là một yếu tố rủi ro lớn, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển. Vấn đề này có thể gây ra nhiều hạn chế hơn đối với thương mại, đặc biệt là các hàng hóa chiến lược như khoáng sản quan trọng, lưu động vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động và thanh toán quốc tế.

Đinh Kim (Theo Reuters)

Tin nổi bật