Theo IAEA, các máy ly tâm này đã được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz và tất cả các máy ly tâm được lắp đặt đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm với khí UF6.
Ngày 9/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc xác nhận Iran đang lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này.
Tổng số máy ly tâm đã được hoặc đang được lắp đặt: 22 máy IR-4, 1 máy IR-5, 30 máy IR-6 và 3 máy IR-6s.
Cũng theo IAEA, các máy ly tâm này đã được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz và "tất cả các máy ly tâm được lắp đặt đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm với khí UF6 (uranium hexafluoride) - một hỗn hợp khí dùng cho quá trình làm giàu urani, mặc dù không có thiết bị nào trong số này được thử nghiệm với UF6 vào ngày 7 và 8/9/2019".
IAEA xác nhận Iran đang lắp đặt các máy ly tâm làm giàu urani. Ảnh: TTXVN |
Xác nhận của IAEA được đưa ra một ngày sau khi Tehran chỉ trích các cường quốc châu Âu đã để Iran có ít sự lựa chọn ngoại trừ việc thu hẹp những cam kết theo thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ la Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trước đó, ngày 16/5, hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời người phát ngôn AEO Behrouz Kamalvandi nêu rõ: “Chúng tôi hiện không có kế hoạch thay đổi công suất của các máy ly tâm để tăng công suất và thúc đẩy quy trình sản xuất”. Người phát ngôn này khẳng định chính quyền Iran chỉ tăng công suất bằng số máy ly tâm vốn đã được lắp đặt tại nhà máy Natanz.
Liên quan đến việc IAEA tăng cường giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran theo thỏa thuận hạt nhân, ông Kamalvandi cho rằng vào một số giai đoạn, IAEA cần phải thông báo trước kế hoạch và những việc đang thực hiện để tiến hành một số công tác kỹ thuật.
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.
Vũ Đậu (T/h)