Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huyện Tân Lạc - Hòa Bình: Tạo bước đột phá về sản xuất nông nghiệp

(DS&PL) -

Huyện Tân Lạc, Hòa Bình những năm qua đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án được thực hiện đã góp phần nâng cao được đời sống của người dân.

Huyện Tân Lạc, Hòa Bình những năm qua đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án được thực hiện đã góp phần nâng cao được đời sống của người dân.

Huyện Tân Lạc có diện tích đất nông nghiệp trên 8.600 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm trên 51%. Tuy nhiên, giá trị sản xuất từ lúa không cao, chưa thành hàng hóa, nếu chỉ độc canh cây lúa thì đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2014, Ban thường vụ Huyện ủy Tân Lạc đã ban hành Nghị quyết số 12 về đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất lúa kém hiệu quả, giai đoạn 2014 - 2020. Gần 6 năm triển khai, Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, căn bản, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện. 

Không còn ruộng đất để hoang

Vốn đã quen với tư duy nghèo thì nghèo trước tiên cứ phải đủ gạo ăn nên nhiều năm liên tục, gia đình anh Bùi Văn Ước, xóm Bái Trang, xã Đông Lai luôn trồng hết đất ruộng cả 2 vụ trong năm, mặc dù vậy, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 12 của Huyện ủy Tân Lạc về đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất lúa kém hiệu quả, là Bí thư Chi bộ, anh Ước là một trong những người được cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tin tưởng, giao trách nhiệm thực hiện. Sau khi được quán triệt, anh Ước quyết định chuyển đổi một phần đất ruộng kém năng suất sang trồng mía tím. Ngay vụ đầu tiên, cùng trên mảnh ruộng ấy, giá trị kinh tế đem lại gấp 1,5 lần, từ thực thu hơn 3 triệu đồng/vụ, anh Ước thu được hơn 14 triệu đồng vụ mía đầu tiên. Với kết quả đó, anh Ước quyết định chuyển tiếp diện tích đất lúa năng suất kém sang trồng mía và sả.

Từ bước đi của gia đình anh Ước, nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân xóm Bái Trang đã tích cực chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm. Hiện nay, với hơn 18 ha đất trồng lúa/năm nhưng xóm chỉ duy trì trồng 6 ha lúa, còn lại 9 ha đất lúa được nhân dân chuyển đổi sang trồng sả, mía, bí xanh, thanh long... 

Đồng chí Bùi Thị Kín, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Đông Lai cho biết: Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết số 12 của Huyện ủy Tân Lạc đã đi vào cuộc sống, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu trước đây, đất kém hiệu quả chỉ trồng 1 vụ rồi bỏ hoang, thì nay người dân không cho đất "nghỉ", mở rộng trồng các loại cây, rau, đậu, mía..., nâng giá trị canh tác từ hơn 40 triệu đồng/năm (trồng lúa) lên 150 - 180 triệu đồng/năm khi trồng màu. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, đưa mức thu nhập bình quân của xã đạt trên 32 triệu đồng/người/ năm.

Không chỉ tại Đông Lai, nhiều xã trên địa bàn huyện Tân Lạc đã tích cực chuyển đổi đất kém hiệu quả đưa vào những loại cây trồng có năng suất cao. Theo thống kê, từ năm 2013 - 2015, toàn huyện chuyển đổi được 1.527 ha, từ năm 2016 - tháng 5/2019, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm đạt 2.881 ha, tăng 1.354 ha. Hình thức chuyển đổi chủ yếu là luân canh lúa - màu - lúa. 

Đồng chí Bùi Thị Thương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 12 được ban hành, BTV Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết; chỉ đạo MTTQ và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban th][ngf vuj Huyện ủy phụ trách các cụm, vùng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn chỉ đạo hướng dẫn phân công phụ trách để cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết vận dụng vào từng đơn vị địa phương. Trên cơ sở Nghị quyết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 26 về thực hiện Nghị quyết và thống nhất kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp hàng năm có gắn với nội dung của Nghị quyết.

Lồng ghép các chương trình phối hợp 

Nhân dân đồng tình thực hiện, tuy nhiên, ngay từ khi triển khai chương trình hành động, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc đã xác định để Nghị quyết đi vào thực tế, ngoài sự đồng thuận của nhân dân còn phải có sự phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chính vì vậy, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 12, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nghiên cứu các mô hình phù hợp với từng vùng, tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết thêm: Nếu trước đây, giá trị trên 1 ha canh tác đất lúa kém hiệu quả chỉ đạt khoảng 35 tạ/ha/năm, thì khi chuyển đổi sang trồng mía cho thu nhập bình quân từ 140 - 180 triệu đồng/năm; trồng cây lấy hạt đạt giá trị từ 250 triệu đồng/ha/năm; trồng bí xanh, bí đỏ, su su cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. 

Hiện nay, để có nguồn hỗ trợ nhân dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu hàng năm, huyện đã lồng ghép thực hiện Nghị quyết với triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác. Tính đến nay, tổng nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án hỗ trợ thực hiện chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hơn 3.684 triệu đồng. Trong đó, nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mang lại hiệu quả cao như: mô hình sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; mô hình trồng lạc; mô hình sản xuất dưa bao tử; dự án chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô theo Quyết định số 915 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, huyện phối hợp thực hiện hỗ trợ phân bón NPK cho diện tích đưa cây trồng hàng năm vào diện tích lúa kém hiệu quả và mô hình phòng trừ sâu bệnh. Không dừng lại ở đó, Huyện ủy Tân Lạc đã chỉ đạo thực hiện phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, có 6 doanh nghiệp và 4 HTX tham gia liên kết sản xuất trên đất lúa kém hiệu quả. 

Nghị quyết số 12 đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cái khó hiện nay chính là tình trạng đất manh mún, không tập trung nên chưa tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có quy mô lớn. Từ thực tế đó, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc xác định tiếp tục vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch sản xuất để tận dụng tối đa đất canh tác, đồng thời xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. 

Minh Huyền

Tin nổi bật