Công tác xóa đói, giảm nghèo tại huyện Đồng Văn, Hà Giang
Trong 06 tháng đầu năm 2024, được sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của người dân, chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn huyện Đồng Văn đã đạt được một số kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như cứu đói, cứu tế, khắc phục thiệt hại do thiên tai.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở và an sinh xã hội,… giúp cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện cơ chế cho vay ủy thác qua các tổ chức, đoàn thể, trong năm 2024 đã giải ngân cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 411.162 vnđ với 10.123 hộ.
Công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối thị trường lao động được quan tâm thường xuyên, giải quyết việc làm cho 5.625 lao động, trong đó giải quyết việc làm mới là 1.560 lao động đạt 44,6% kế hoạch huyện giao, thu nhập bình quân đầu người từ 8 – 10 triệu đồng/lao động/tháng.
Huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Phát động phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2024 đã kêu gọi hỗ trợ, quyên góp được 50 tấn xi măng và 38.850.000 vnđ xã hội hóa, phấn đấu để thực hiện xây mới 972 nhà vệ sinh cho hộ nghèo, cận nghèo năm 2024.
Bên cạnh kết quả đạt được từ việc thực hiện chương trình, vẫn còn đó những mặt hạn chế của huyện Đồng Văn như tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới. Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định chưa nghiêm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại một số xã còn lúng túng, chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, nguồn lực của cộng đồng. Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, một số bộ phận người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tất cả các tồn tại hạn chế trên xuất phát từ việc Đồng Văn là một huyện nghèo, nguồn vốn thực hiện Chương trình chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương và của UBND tỉnh Hà Giang cấp, việc huy động các nguồn lực khác còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất lớn.
Ngoài ra, huyện Đồng Văn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp. Đời sống nhân dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, thiếu đất sản xuất.
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đồng Văn phấn đấu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt,…
Tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tổ chức phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao, đảm bảo kịp thời, đúng nội dung chính sách hỗ trợ của Nhà nước và hướng dẫn của các ngành chuyên môn để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như công trình đường dân sinh, cấp nước sinh hoạt, trường học.
Chỉ có triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ các giải pháp trên cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành mới có thể thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.