Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hút đến 1.000 bóng cười/tháng, nam thanh niên tàn phế ở tuổi đôi mươi

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Các bác sĩ cho biết, nam thanh niên đã từng nhập viện điều trị các vấn đề liên quan đến lạm dụng bóng cười, nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ".

Ngày 17/2, Tạp chí Tri thức dẫn lời ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân P.H.K. (21 tuổi) nhập viện trong tình trạng tê bì, yếu tứ chi, không thể tự đi lại.

Khai thác tiền sử bệnh án, bác sĩ cho biết bệnh nhân làm việc tại một cơ sở kinh doanh bóng cười và đã có thâm niên sử dụng "mặt hàng" này lên đến con số đáng kinh ngạc 1.000 quả/tháng. Đáng chú ý, trước đó, anh P.H.K. đã từng nhập viện điều trị các vấn đề liên quan đến lạm dụng bóng cười, nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ", tiếp tục sử dụng do sự lệ thuộc về mặt tâm lý và áp lực từ công việc.

Điều đáng lo ngại hơn cả, theo BS. Nghĩa, chỉ trong tháng đầu tiên của năm nay, khoa Nội Thần kinh đã tiếp nhận liên tiếp ba trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tất cả đều liên quan đến việc sử dụng bóng cười. Điều này cho thấy một thực tế đáng báo động tình trạng lạm dụng chất kích thích này đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong giới trẻ.

Hút đến 1.000 bóng cười /tháng, nam thanh niên tàn phế tuổi đôi mươi. Ảnh minh họa 

Một trường hợp khác là bệnh nhân V.M.C. (21 tuổi), nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch, cũng có tiền sử sử dụng bóng cười và nhiều loại chất kích thích khác. Gần đây, bệnh nhân này đã rơi vào tình trạng lệ thuộc nghiêm trọng, không thể kiểm soát được hành vi của bản thân.

Theo thông tin từ người nhà, chỉ ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân V.M.C. đã sử dụng bóng cười với tần suất dày đặc, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mất khả năng ngôn ngữ, tổn thương não trên diện rộng. Kết quả chụp MRI sọ não cho thấy những tổn thương lan tỏa ở cả hai bán cầu não và thể chai - những dấu hiệu rõ ràng của tổn thương thần kinh nặng nề, tiềm ẩn nguy cơ để lại di chứng lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn.

Gần đây nhất, bệnh viện tiếp nhận trường hợp của bệnh nhân V.Đ.M. (24 tuổi) với các triệu chứng rối loạn vận động và cảm giác. Bệnh nhân này cũng có tiền sử sử dụng bóng cười liên tục trong vòng ba tháng. Kết quả chụp MRI tủy sống cho thấy những tổn thương nghiêm trọng, đi kèm với nhiều bất thường trong các chỉ số xét nghiệm máu, cho thấy tình trạng sức khỏe đang suy giảm nghiêm trọng.

Mặc dù sau quá trình điều trị tích cực, cả ba bệnh nhân đều có những dấu hiệu hồi phục tương đối tốt, nhưng các bác sĩ vẫn đưa ra những tiên lượng không mấy khả quan. Họ dự đoán rằng các bệnh nhân này sẽ phải đối mặt với những tổn thương lâu dài, thậm chí vĩnh viễn đối với hệ thần kinh, tiềm ẩn nguy cơ tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Sử dụng bóng cười thường xuyên có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh minh họa 

Bóng cười (N₂O) là một loại khí không màu, vị ngọt nhẹ, vốn được sử dụng trong y tế cho mục đích gây mê, giảm đau. Tuy nhiên, khí này đang bị lạm dụng như một chất kích thích, tạo cảm giác hưng phấn, "phê" và gây cười không kiểm soát. Do đó, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam cấm kinh doanh và sử dụng bóng cười có chứa khí gây nghiện.

"Cơ chế tác động của N₂O là gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương", VnExpress dẫn lời bác sĩ Nghĩa nói. Sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm thiếu hụt vitamin B12, tổn thương tủy sống và hệ thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần và các vấn đề tim mạch.

Đa số bệnh nhân cho biết hít bóng cười với mục đích giải trí, thư giãn hoặc do nghiện chất. Một số có trình độ học vấn cao, nhưng vẫn chủ quan, xem nhẹ tác hại của bóng cười, dẫn đến lạm dụng, để lại những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các loại ma túy khác, bởi khí cười là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều.

Tin nổi bật