Hiện nay, trên hầu khắp các tuyến phố, không khó để thấy những tấm biển “Cho thuê mặt bằng”, “Cho thuê cả nhà”... Nằm trên mặt tiền những con phố lớn ở vị trí đắc địa, nhiều ngôi nhà cho thuê vẫn luôn trong cảnh ế ẩm, "cửa đóng then cài" suốt ngày. Nhiều mặt bằng kinh doanh đóng cửa bỏ trống, treo biển sang nhượng, cho thuê cửa hàng. Đó là thực trạng trên các con phố lớn như Kim Mã, Đào Tấn, các con phố trên quận Hai Bà Trưng,...
Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa trên các con phố lớn đóng cửa bỏ trống, treo biển cho thuê nhà
Thậm chí, từng là địa điểm mơ ước của nhiều tiểu thương buôn bán, nhưng hiện tại các khu “đất vàng” khu vực phố cổ có giá lên đến cả tỷ đồng/m2 trong trung tâm Hà Nội vẫn “bất động” đìu hiu không có người thuê.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam (thành viên của Tập đoàn tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới), nhu cầu mặt bằng cho thuê sẽ trầm lắng trong 6 tháng đầu năm 2023, khi mà doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Đa số khách thuê sẽ có xu hướng tạm hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng mới hoặc mở rộng.
Về phía người cho thuê, nhiều chủ nhà cho biết, giá cả chính là nguyên nhân khiến các mặt bằng của họ ế ẩm, không có người thuê.
Chị Nguyễn Thị Uyên (35 tuổi), người cho thuê mặt bằng trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) cho biết, căn nhà của chị cũng đã dán biển cho thuê được 3 tháng. Trước đây, chị cho thuê mặt bằng với mức giá 80 triệu/tháng, hiện tại đã giảm xuống 70 triệu/tháng. Mặc dù có nhiều người hỏi nhưng họ vẫn chê đắt và không thuê.
Cũng giống như trường hợp của chị Uyên, anh Quốc Đại (28 tuổi), người cho thuê mặt bằng trên phố Kim Mã (quận Ba Đình) cũng chia sẻ, mặt bằng của anh được đánh giá là khá đẹp. Tuy nhiên, dù đã treo biển cho thuê được gần 1 năm nhưng hiện tại vẫn trong tình trạng ế ẩm vì bị chê giá thuê quá cao.
Nhiều chủ nhà cho rằng, giá cả chính là nguyên nhân khiến các mặt bằng của họ rơi vào tình trạng ế ẩm, không có người thuê
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều mặt bằng kinh doanh nằm tại vị trí đắc địa trên các tuyến phố Hà Nội ế khách thuê là do phải chịu những ảnh hưởng đến từ sự thăng trầm trong thị trường bất động sản năm 2023. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số của ngành bán lẻ, cụ thể là xu hướng bán hàng online cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ bỏ trống mặt bằng kinh doanh tăng cao.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội
Cũng theo ông Điệp, tình trạng ế ẩm của hàng loạt mặt bằng kinh doanh tại các khu “đất vàng” ở Thủ đô gây ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
“Bất động sản là một trong những lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế. Khi xảy ra tình trạng mặt bằng ế ẩm như vậy sẽ ảnh hưởng ngay đến việc phát triển bất động sản. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi chu kỳ bất động sản đi xuống; luật đất đai có nhiều thay đổi; xuất hiện những giải pháp về trái phiếu chứng khoán, hạn chế tín dụng đã khiến thị trường bất động sản càng biến động, từ đó gây ảnh hưởng đến hàng trăm ngành nghề khác.”, ông Điệp cho biết.
Một thực trạng là mặt bằng cho thuê ế ẩm dường như là tình trạng chung đang xảy ra ở trên nhiều tuyến phố khắp Hà Nội. Một vài người môi giới cho biết, nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong giai đoạn hiện nay là có. Tuy nhiên, nhiều chủ mặt bằng không nhận giảm giá cho thuê dù để trống thời gian dài, trong khi tình hình kinh tế khó khăn, đa số người thuê mặt bằng kinh doanh phải cân nhắc về giá thuê và các chi phí cố định đi kèm.
Ông Nguyễn Thế Điệp nhận định, việc cân đối lại giá thuê, thời gian ký hợp đồng hoặc vấn đề tiền cọc sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 do Batdongsan.com.vn tổng hợp, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực đến từ các thông tin quy hoạch chung, hạ tầng giao thông và các chính sách. Một số phân khúc của thị trường này cũng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với quý I/2023, thị trường cho thuê chỉ ghi nhận sự tăng trưởng của mức độ quan tâm đối với phân khúc nhà phố chỉ ở mức 1%, gần như đi ngang so với quý liền kề trước đó. Ông Điệp cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ và nhanh chóng một số giải pháp, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng hồi phục, khởi sắc.