Các cuộc "săn phù thủy" tưởng chừng chỉ tồn tại ở thời xa xưa hay trong phim ảnh, nhưng ít ai biết, đây vẫn là một hủ tục gây nhức nhối dư luận ngay cả trong thế kỷ 21 hiện đại.
Hồi đầu tháng 8, cụ bà 90 tuổi Akua Denteh đã bị người dân tại một ngôi làng ở Ghahan (Tây Phi) bắt giữ và đánh đập tới chết. Nguyên nhân là do họ cáo buộc bà Denteh hành nghề phù thủy trong nhiều năm.
Hủ tục "săn phù thủy" đã khiến nhiều người phụ nữ vô tội bị đánh đập tới tử vong tại châu Phi. Ảnh" Getty Images |
Trường hợp của bà Akua Denteh không phải đặc biệt ở Ghana, hay trên thế giới. Ở nhiều nước khác, hàng loạt phụ nữ vẫn bị buộc tội hành nghề phù thủy mỗi năm. Họ bị đàn áp và thậm chí bị giết trong các cuộc "săn lùng phù thủy" có tổ chức, đặc biệt là ở Châu Phi.
Vụ việc này đã một lần nữa cho thấy định kiến sâu sắc đối với phụ nữ bị cáo buộc làm phù thủy tại nhiều quốc gia. Hủ tục "săn phù thủy" cũng đã khiến dư luận thế giới vô cùng chấn động. Theo đó, những nhà hoạt động nhân quyền và bình đẳng giới đang yêu cầu thay đổi nhận thức về văn hóa tại những quốc gia tín ngưỡng như vậy. Theo đó, ngày 10/8 hàng năm đã được chọn làm Ngày Thế giới chống lại những cuộc "săn phù thủy".
Hủ tục nhức nhối trong thế giới đương đại
Dù đã có nhiều tổ chức và hội truyền giáo kêu gọi chấm dứt các cuộc "săn phù thủy", nhưng nhiều phụ nữ trên thế giới ngày nay vẫn đang là nạn nhân của hủ tục này.
Những cuộc "săn phù thủy" được tiến hành và khuyến khích bởi Công giáo tại châu Âu từ khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Theo nhà sử học Wolfgang Behringer, giáo sư chuyên về thời kỳ cận đại tại Đại học Saarland cho biết, trong 3 thế kỷ này, có khoảng 50.000 đến 60.000 đã bị sát hại vì bị cho là phù thủy tại châu Âu. Đây là một con số cực lớn vào thời điểm đó, gần gấp đôi so với dân số tại một thành phố lớn của Đức.
Một bức ảnh của bác sĩ "phù thủy" ở Sierra Leone được chụp vào khoảng năm 1900. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, chỉ tính trong thế kỷ 20, số người bị hành quyết trong các cuộc "săn phù thủy" thậm chí còn nhiều hơn. Ông Behringer phát biểu: "Chỉ tính riêng tại Tanzania, từ năm 1960 đến năm 2000, có tới 40.000 người bị giết hại với cáo buộc hành nghề phù thủy. Mặc dù luật pháp nước này không hề có điều khoản nào chống lại phù thủy, nhưng tại các ngôi làng, họ cho rằng đây là việc cần làm".
Theo đó, nhà sử học đã khẳng định "các cuộc săn phù thủy không phải là một vấn đề lịch sử mà là một vấn đề nhức nhối vẫn tồn tại cho đến nay".
Vấn nạn trên toàn châu Phi
Ở Tanzania, nạn nhân của những cuộc săn phù thủy này thường là những người mắc bệnh bạch tạng. Theo đó, người ta tin rằng các bộ phận cơ thể của những người bạch tạng có thể được sử dụng để chiết xuất độc dược chống lại mọi loại bệnh tật. Những vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Zimbawe và nhiều nơi khác tại châu Phi.
Trong khi đó ở Ghana, người ta lại đổ lỗi cho phù thủy vì đã khiến những đứa trẻ sinh ra trong tình trạng khuyết tật.
Thérèse Mema Mapenzi đang cố gắng giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em gái bị cáo buộc là "đứa con của phù thủy". Ảnh: DW |
Còn ở Cộng hòa Congo, những nạn nhân của cáo buộc hành nghề phù thủy thường là những người trẻ. Theo đó, những đứa trẻ được sinh ra mới mác "đứa con của phù thủy" đã bị chính người thân và gia đình ruồng bỏ. Bà Thérèse Mema Mapenzi, người làm cho dự án truyền giáo ở thành phố Bukayu, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết: "Có nhiều trường hợp những đứa trẻ là hậu quả của nạn hiếp dâm hay con ngoài giá thú, nhưng chúng đã bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ".
Bà Mapenzi cho biết, cơ sở của bà ban đầu được dựng lên để làm nơi trú ẩn cho những người phụ nữ bị hiếp dâm hay bạo hành. Nhưng những năm qua, bà đã tiếp đón ngày càng nhiều trẻ em là nạn nhân của các cuộc "săn phù thủy". Chúng bị đánh đập tơi tả, bị gán mác "phù thủy" và phải trải qua nhiều nỗi đau khác cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tìm kiếm giải pháp đối thoại
Bà Thérèse Mema Mapenzi cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ các nạn nhân, bà cũng cố gắng trong tìm kiếm các giải pháp đối thoại với cộng đồng để ngăn chặn các cuộc "săn phù thủy". Bà đã đóng vai trò hòa giải và từng giúp nhiều gia đình đoàn tụ với đứa con bị cáo buộc là "phù thủy". Theo bà Mapenzi, trung bình phải mất từ 2 đến 3 năm để thuyết phục và giải thích với họ về vấn đề này.
Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng không phải điều dễ dàng. Nhiều nhà thờ vẫn còn cho rằng phù thủy là nguyên nhân gây ra các căn bệnh như HIV/AIDS hay vô sinh ở phụ nữ. Họ đem những đứa con ngoài giá thú trở thành người chịu trách nhiệm cho các vấn đề phức tạp, khó giải quyết và coi chúng là "đứa con của phù thủy" đem đến điềm xấu.
Bởi vậy, đối với bà Thérèse Mema Mapenzi, Ngày Thế giới chống lại những cuộc "săn phù thủy" đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp xóa bỏ hủ tục đầy nhức nhối này tại châu Phi.
Bên cạnh đó, ông Jörg Nowak, nhà nghiên cứu các cuộc "săn phù thủy" khẳng định: "Không có thứ gì gọi là phù thủy. Nhưng lại có những lời buộc tội và bêu xấu được sử dụng để ma quỷ hóa người khác chỉ để đạt được lợi ích cho riêng mình".
Minh Hạnh (Theo DW)