Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hôn nhân đồng tính: Chưa có lối ra

(DS&PL) -

Trong tuần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), trong đó cho phép lập thỏa thuận tài sản trước hôn nhân, mang thai hộ, bỏ quy định cấm người đồng tính kết hôn.

Trong tuần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), trong đó cho phép lập thỏa thuận tài sản trước hôn nhân, mang thai hộ, bỏ quy định cấm người đồng tính kết hôn.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE), cho biết đã có văn bản gửi tới tất cả đoàn đại biểu Quốc hội (QH) bày tỏ sự lo lắng về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sau khi được Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý.

Không cấm nhưng không thừa nhận

Ông Lê Quang Bình cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã đồng ý với việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới, thay vào đó là “không thừa nhận” hôn nhân giữa họ. Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình trình QH vào tháng 10/2013 đã bổ sung quy định về giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản, con cái (điều 16) khi 2 người cùng giới chung sống với nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất sẽ được đưa ra QH thảo luận trong tuần này lại bỏ quy định tại điều 16.

Tháng 4/2014, Viện Xã hội học, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) và iSEE đã tiến hành một nghiên cứu với 5.300 người dân sinh sống ở 8 địa phương. Kết quả cho thấy 41,2\% ủng hộ quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, 56\% cho rằng, cặp đôi cùng giới nên có quyền cùng nhận con nuôi và nuôi con, 51\% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47\% ủng hộ quyền thừa kế tài sản.

“Mặc dù thừa nhận quan hệ tình cảm, sống chung giữa những người cùng giới tính là một thực tế đã tồn tại và cần giải quyết nhưng Ủy ban Thường vụ QH vẫn đề nghị QH bỏ quy định về giải quyết hậu quả pháp lý trong dự thảo luật. Việc bỏ điều 16 về giải quyết những vấn đề sau chung sống cùng giới sẽ gây hoang mang cho cộng đồng người đồng tính và gây hụt hẫng cho rất nhiều người, trong đó có gia đình của họ - vốn đang rất mong chờ pháp luật sẽ có thừa nhận pháp lý với quan hệ chung sống cùng giới tính", ông Bình nói.

Hiện nay có khá nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng giới

Qua các nghiên cứu của iSEE cho thấy, cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam rất đông và xu hướng sống chung như vợ chồng ngày càng phổ biến. Nếu có quy định giải quyết hậu quả pháp lý thì những người đồng tính sẽ cảm thấy quyền lợi của mình được bảo vệ tốt hơn dù pháp luật không công nhận hôn nhân giữa họ. “Pháp luật không quy định cụ thể thì khi xảy ra những tranh chấp trên thực tế giữa những người đồng tính sống chung với nhau như vợ chồng sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan thực thi pháp luật”, ông Bình nhận định.

Hơn nữa, trong bức thư gửi các đại biểu QH, iSEE cho rằng: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính sẽ ngăn cản việc cấp chứng nhận độc thân để người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan thẩm quyền nước ngoài và không thừa nhận hôn nhân cùng giới đã kết hôn hợp pháp ở nước ngoài. “Chúng tôi kiến nghị giữ lại điều 16 và mong các đại biểu QH xem xét kỹ trước khi bấm nút thông qua luật này”, ông Bình nói.

Lập “hợp đồng” tài sản trước hôn nhân

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh sửa của Ủy ban Thường vụ QH, việc bổ sung quy định về chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng sẽ giúp các cặp vợ chồng có thêm sự lựa chọn khi xác định quan hệ tài sản trong hôn nhân. Trong trường hợp các bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. “Đây là thỏa thuận dân sự, đã qua thủ tục công chứng hoặc chứng thực nên không cần đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ghi nhận trong đăng ký kết hôn”, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ.

Thỏa thuận về chế độ tài sản sẽ bao gồm thông tin về tài sản chung, tài sản riêng và các giao dịch có liên quan; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ. Nếu pháp luật không quy định thì một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi và cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em.

Giữ nguyên độ tuổi kết hôn

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, quy định về độ tuổi kết hôn đã được áp dụng hơn 50 năm, phù hợp với truyền thống, văn hóa của Việt Nam cũng như điều kiện để tạo dựng cuộc sống gia đình, không ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam. Trong khi đó, độ tuổi kết hôn trung bình của nam và nữ đều cao hơn khá nhiều so với quy định. Chính vì thế Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc giữ nguyên quy định hiện hành.

Tin nổi bật