Trầm cảm, lo âu ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày, thậm chí có người tự làm đau bản thân hoặc tìm đến cái chết. Chính vì vậy, việc quan tâm đến sức khỏe tâm thần là rất cấp thiết, cần đặt ngang hàng với sức khỏe thể chất.
PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh để giúp độc giả hiểu rõ hơn về trầm cảm, lo âu, cũng như cách thức để đối diện và “chữa lành”, từng bước vượt qua nó.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh đã “chữa lành” cho rất nhiều người có vấn đề về tâm lý.
- PV: Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, cô có thể cho biết đâu là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người bị lo âu, trầm cảm?
- Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh: Chúng ta khi sinh ra đều là những con người tuyệt vời nhưng trong hành trình cuộc sống, hầu hết chúng ta đều có những nỗi đau, những lần bị tổn thương tâm lý. Sự tổn thương này có thể là do môi trường, người xung quanh tác động hoặc chính chúng ta tự gây ra.
Ví dụ đại dịch Covid-19, chiến tranh, động đất… là những sự kiện khiến nhiều người bị sang chấn tâm lý do trải qua các nỗi đau như bệnh tật, mất mát người thân, mất việc... Sự tổn thương cũng có thể đến từ những mối quan hệ đổ vỡ như bị phản bội, lừa dối… Hay đó có thể là những áp lực mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Người lớn áp lực về tài chính, sự nghiệp, gia đình; trẻ em áp lực về điểm số, thành tích học tập…
Tất cả những điều đó khiến chúng ta căng thẳng, lo âu. Trạng thái này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tê liệt khả năng tư duy lành mạnh, tâm trí của ta bị bao trùm bởi những cảm xúc xấu và suy nghĩ tiêu cực. Ta lo lắng quá mức, sợ hãi, đau khổ, thấy mình chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt… Khi không thể tự mình vượt qua những nỗi sợ đang bủa vây tâm trí, cơ chế bên trong con người sẽ cố gắng tìm cách lẩn trốn, không dám đối diện với thực tại và gây ra trầm cảm.
- Thưa cô, có dấu hiệu gì để nhận biết chính mình hoặc người nào đó bị trầm cảm, lo âu không?
- Trầm cảm, lo âu được thể hiện qua những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực (trống rỗng, buồn chán, sợ hãi, tội lỗi…); hành vi tiêu cực (không muốn làm gì, gây hại cho chính mình…); những mâu thuẫn nội tâm và niềm tin giới hạn (nghĩ mình kém cỏi, không có giá trị…).
Biểu hiện thường thấy là trầm uất, mệt mỏi, dễ cáu giận, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh, mất ngủ hoặc ngủ triền miên, không muốn trò chuyện với người khác, tự làm đau bản thân, nghĩ nhiều về cái chết…
Trầm cảm, lo âu được thể hiện qua những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Ảnh minh họa.
Phụ nữ bị trầm cảm nhiều hơn đàn ông. Họ thường rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu sau một biến cố nào đó của cuộc đời.
Tôi nhớ trường hợp một người phụ nữ ở Hải Dương, sau khi chồng mất đột ngột trong một tai nạn giao thông thì chị ấy suy sụp, trầm cảm. Tâm trí chị chỉ đầy những hoài niệm về chồng, nỗi đau mất mát khiến chị không thiết tha công việc, cũng chẳng còn quan tâm đến con cái.
Sau đó, chị bị tai nạn giao thông gãy chân và xương háng, phải nằm viện điều trị suốt một thời gian dài. Ra viện, cơ thể chị bình phục nhưng tâm hồn vẫn chẳng thể lành. Chị sống như một cái xác không hồn, gầy nhom, ốm yếu, mất kết nối với các con. Thấy cuộc sống quá bế tắc, chị đã tìm đến tôi. Sau 5 buổi trị liệu tâm lý, tôi đã giúp chị ấy tháo gỡ những vướng mắc trong lòng, dần tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
Một số trường hợp khác thì bị trầm cảm sau sinh, trầm cảm do áp lực học hành, bệnh tật, nợ nần, làm ăn thua lỗ…
- Vậy nếu bản thân có những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, cần phải làm gì để vượt qua nó, thưa cô?
- Nếu cảm thấy tâm lý bất ổn, mọi người nên tập thể dục thể thao, tích cực gặp gỡ bạn bè, chia sẻ tâm sự với người thân… để giải tỏa tâm trạng. Nhưng điều quan trọng nhất để vượt qua trầm cảm, lo âu là phải đối diện và “chữa lành” mối quan hệ với chính mình.
Khi gặp áp lực, thử thách hay những biến cố, khổ đau, chúng ta thường không dám đối diện mà trốn tránh, không chấp nhận sự thật hoặc chìm đắm trong đó. Thực tế, sai lầm, thất bại hay nỗi đau là điều mà bất cứ ai cũng phải trải qua trong cuộc đời. Nó không phải để vùi dập chúng ta mà là cơ hội để chúng ta mạnh mẽ, vững vàng hơn. Vì vậy, hãy xem những trở ngại thách thức mà mình gặp phải là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống.
Ăn cua đá núi, người đàn ông bị tổn thương phổi đến mức ho ra máu
Những điều chúng ta lo âu, sợ hãi hầu hết là không có thật, nó chỉ là cảm giác mà tâm trí mang lại. Khi cảm thấy sợ hãi, hãy đặt cho mình câu hỏi nỗi sợ này có thật không? Nếu để nỗi lo lắng, sợ hãi này lấn át thì mình sẽ mất đi điều gì? Tự đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời sẽ giúp chúng ta thành thật hơn với chính mình, hiểu rõ về nỗi sợ và sống tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Từ đó, đủ dũng cảm để đối diện và vượt qua những lo âu, sợ hãi bên trong mình.
Hãy trao đi thật nhiều yêu thương, thực hành lòng biết ơn mỗi ngày để xóa tan nỗi lo lắng, sợ hãi. Mỗi ngày thay vì suy nghĩ về những điều tiêu cực, hãy tập trung vào những điều tích cực để có tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Để nỗi sợ hãi biến mất, hãy không ngừng rèn luyện để nâng cao giá trị bản thân. Thay vì lo âu, sợ nghèo sợ khổ, hãy lập kế hoạch cải thiện tài chính, nâng cao năng lực. Thay vì sợ đau ốm, hãy ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ hợp lý, tập thể dục mỗi ngày. Thay vì sợ mất đi tình yêu thương hãy tự yêu lấy chính mình.
Nếu đã thực hiện các cách trên mà vẫn bị bủa vây bởi những suy nghĩ tiêu cực, muốn làm hại bản thân, muốn chấm dứt cuộc sống… thì cần đến gặp các chuyên gia tâm lý, tâm thần để được tư vấn, điều trị kịp thời. Bằng các liệu pháp phù hợp, các chuyên gia sẽ tìm ra nguyên nhân, giúp bạn chữa lành những tổn thương tâm lý, chuyển hóa cảm xúc xấu và hành vi tiêu cực, ổn định sức khỏe cũng như tinh thần để tìm lại những niềm vui đã đánh mất và sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!
Gia Bảo