Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học, nguyên nhân do dâu?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Theo đại diện các trường đại học, một trong các lí do dẫn đến việc hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học có thể đến từ rào cản về học phí.

81,87% thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học

Tối 27/8, Bộ cho biết năm nay cả nước có 733.600 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Số trúng tuyển đợt một là gần 673.600.

Tính đến hết thời gian xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ - lúc 17h ngày 27/8, 81,87% thí sinh chính thức trúng tuyển vì hoàn thành đầy đủ thủ tục, tăng 1,53% so với năm ngoái.

Hơn 122.000 thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học.

Theo quy định, nếu không có lý do chính đáng, những em này bị hủy kết quả. Muốn vào đại học, các em phải tham gia xét tuyển bổ sung hoặc đăng ký xét lại vào các năm sau.

Vậy, nguyên nhân do dâu khiến hơn 122.000 thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau

Chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1" của báo Thanh Niên, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân phân tích: "Các năm luôn có một tỷ lệ nhất định thí sinh không xác nhận nhập học trên hệ thống dù trúng tuyển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể một bộ phận thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng không thực sự yêu thích nên không nhập học".

Hơn 122.000 trong khoảng 673.600 thí sinh đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải cho rằng có những thí sinh sau khi trúng tuyển mới tìm hiểu học phí các trường đại học. Không chỉ học phí, sinh viên còn cần một khoản sinh hoạt phí để có thể theo học đại học.

Trong khi đó, chính sách cho sinh viên được vay vốn 4 triệu đồng/tháng lại chỉ thực hiện được sau khi thí sinh đã trở thành sinh viên của trường đại học. Tuy nhiên, nếu không xác nhận nhập học vì lý do tài chính, thí sinh cần liên hệ trực tiếp các trường đại học để tìm sự hỗ trợ.

Đồng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phân tích trên báo VietNamnet rằng, trong số hơn 122.000 thí sinh từ chối nhập học đại học sẽ được phân ra do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất, những thí sinh có điểm cao nhưng bỏ học đại học trong nước vì đã nộp hồ sơ đi học nước ngoài.

Do vậy việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống là phương án dự phòng và nếu các em không đi nước ngoài học mới lựa chọn trong nước. Số lượng này chiếm khoảng 20.000- 30.000 thí sinh/năm. Trong đó 3 nước Australia, Mỹ, Anh được nhiều thí sinh lựa chọn.

Nguyên nhân thứ hai do kinh tế gia đình thí sinh khó khăn, trong khi các trường đại học thực hiện tự chủ. Thí sinh có đăng ký xét tuyển nhưng bị chùng lại bởi học phí cao, gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Một bộ phận thí sinh không đăng ký để xét tuyển bổ sung vào trường đại học địa phương gần nhà hoặc trường có học phí thấp hơn.

Nguyên nhân thứ 3 là thí sinh đi học nghề gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có thể làm việc, sau đó sẽ học liên thông lên đại học. Nguyên nhân thứ 4 là thí sinh đi xuất khẩu lao động và con số này hiện nay khá nhiều. Phần còn lại là thí sinh trúng tuyển vào những ngành không ưa thích hoặc triển vọng nghề nghiệp thấp.

Rào cản học phí có thể là một lý do

Chia sẻ trên báo VietNamNet, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TP.HCM nhìn nhận, bên cạnh số gia đình có điều kiện, số gia đình khó khăn về kinh tế hiện cũng rất nhiều và con cái của họ bị rào cản bởi học phí.

“Học phí cao và chi phí cho cuộc sống của tân sinh viên hiện nay là một rào cản lớn. Một tân sinh viên ở trường công lập trung bình mỗi tháng sẽ phải cần khoảng 10 triệu đồng cho học phí, nhà trọ, sinh hoạt... Trong khi đó chi phí này ở các trường đại học tư thục còn lớn hơn rất nhiều”, ông Sơn nói.

Rào cản học phí có thể là một lý do khiến hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Trường Đại học Công Thương TP.HCM còn cho rằng, hiện nay cơ chế cho vay tiền để học tập chưa phù hợp. Các ngân hàng thương mại cổ phần nên tham gia vào mới giải quyết được vấn đề. Ông Sơn ủng hộ học phí cao nhưng cho rằng nên có chính sách cho vay tiền đủ thu và chi để sinh viên học tập.

Chung quan điểm với Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, ông Phùng Quán - Chuyên gia tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, học phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh ở vùng xa, vùng sâu.

Tuy nhiên nếu giỏi thật sự, các em sẽ giành được học bổng và các chính sách hỗ trợ... từ nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng cựu sinh viên, các tổ chức khác.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa thông báo, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ GD&ĐT quyết định mở hệ thống để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17h ngày 31/8.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 733.000 thí sinh, trong đó 673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống đợt 1. Như vậy 122.107 thí sinh không xác nhận nhập học, chiếm 18,13% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Theo quy định, với thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Với các trường hợp đã xác nhận nhập học trên hệ thống của bộ sẽ không tự gỡ thông tin hủy được.

Còn với thí sinh chưa trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học đợt 1 có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của các trường, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của trường (nếu trường xét tuyển bổ sung).

Tin nổi bật