Đạt được thoả thuận mới
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/10 là hội nghị trực tiếp đầu tiên được tổ chức sau 2 năm tại Rome (Italy). Theo đó, tại hội nghị này, nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ủng hộ lời kêu gọi xoá nợ cho các nước nghèo và cam kết sẽ hỗ trợ quá trình tiêm chủng để 70% dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tới giữa năm 2022.
Nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Rome (Italy). Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Italy Mario Draghi kêu gọi các nước cần làm việc cùng nhau để vượt qua những thách thức ghê gớm mà cả thế giới đang phải đối mặt. Cụ thể, ông Draghi cho biết: "Từ đại dịch, biến đổi khí hậu đến việc đánh thuế công bằng và bình đẳng, mọi thứ không chỉ đơn giản chỉ là sự lựa chọn".
Theo đó, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đạt được thoả thuận về một mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp trốn thuế ở các "thiên đường thuế". Thỏa thuận thuế doanh nghiệp được ca ngợi là bằng chứng về sự phối hợp đa phương đổi mới. Trong đó, các tập đoàn lớn phải đối mặt với mức thuế tối thiểu 15% ở bất cứ nơi nào họ hoạt động từ năm 2023.
Chia sẻ về thoả thuận này trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: "Đây không chỉ là một thỏa thuận thuế - đó là ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh thế giới đang chao đảo bởi giá năng lượng tăng và chuỗi cung ứng bị đình trệ, Tổng thống Biden dự kiến sẽ thúc giục các nhà sản xuất năng lượng của G-20 có năng lực dự phòng, đặc biệt là Nga và Ả Rập Xê-út, đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ.
Được biết, các nhà lãnh đạo cũng tổ chức nhiều cuộc họp bên lề, bao gồm các cuộc thảo luận giữa Mỹ, Anh, Đức và Pháp về chương trình hạt nhân của Iran.
Phát biểu về hội nghị thượng đỉnh G-20 trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ông Draghi nhận định: "Thật vui khi gặp lại tất cả các bạn ở đây, sau một vài năm khó khăn đối với cộng đồng toàn cầu".
Kỳ vọng về vấn đề khí hậu
Bên cạnh vấn đề thuế và hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu cũng là một đề tài "nóng" được đưa ra thảo luận trong năm nay. Theo đó, sau khi kết thúc Hội nghị G-20, Tổng thống Joe Biden cùng nhiều nhà lãnh đạo khác sẽ bay tới Glasgow (Scotland) tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-26). Hội nghị này được đánh giá là vô cùng quan trọng để giải quyết tình hình nóng lên toàn cầu.
Được biết, nhiều quốc gia của G-20 đã tạo ra khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Theo đó, nhiều người kỳ vọng trước khi tới COP-26, cuộc họp của G-20 tại Rome có thể sẽ "mở đường" cho những thoả thuận đột phá.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận các cuộc đàm phán tại G-20 và COP-26 sẽ rất khó khăn nhưng cảnh báo rằng nếu không hành động, nền văn minh thế giới có thể sụp đổ nhanh chóng như đế chế La Mã cổ đại, mở ra một Kỷ nguyên đen tối mới.
Một thông cáo do Reuters công bố cho biết các nước G-20 sẽ gia tăng các nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mức mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh các ảnh hưởng khí hậu.
Tài liệu cũng thừa nhận rằng kế hoạch hiện tại của các quốc gia về cách hạn chế phát thải độc hại sẽ phải được tăng cường. Tuy nhiên, chi tiết các kế hoạch hiện chưa được công bố.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ cam kết ngừng cung cấp tài chính cho sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay và "làm hết sức mình" để ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới trước khi kết thúc thập kỷ tới.
Minh Hạnh (Theo Reuters)