Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hội bảo vệ người tiêu dùng Hà Tĩnh lên tiếng vụ khách vừa mua điện thoại Samsung nhưng bị từ chối bảo hành

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Mua điện thoại Samsung S24 Ultra bản chính hãng tại một cửa hàng Viettel Store, anh T.T.Đ phát hiện máy bị lỗi camera chỉ sau 20 ngày sử dụng. Nhân viên kỹ thuật Viettel Store sau đó xác nhận máy gặp vấn đề song từ chối bảo hành với lý do Samsung nhận định máy không lỗi. Anh Đ. đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.

Ngày 21/2, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV TM-DV Viettel (Chi nhánh Viettel), đề nghị doanh nghiệp này cử cán bộ có thẩm quyền trực tiếp đến làm rõ các vấn đề do khách hàng T.T.Đ khiếu nại.

Trước đó, vào ngày 27/1, anh T.T.Đ đến cửa hàng Viettel Store tại số 65 Nguyễn Công Trứ, thành phố Hà Tĩnh và mua một máy điện Samsung Galaxy S24 Ultra bản 256GB với giá 25,99 triệu đồng. Máy do Tập đoàn Samsung sản xuất tại Việt Nam và được phân phối chính hãng bởi Viettel Store

Sau 20 ngày sử dụng, anh Đ. phát hiện máy bị lỗi camera. Đến chiều 17/2, vị khách hàng này đưa sản phẩm lỗi đến cửa hàng Viettel Store số 34 Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh để kiểm tra.

Tại đây, qua kiểm tra, nhân viên kỹ thuật Trần Hậu Mưu (cán bộ phụ trách kỹ thuật tại cửa hàng) xác nhận máy điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra của anh Đ. gặp vấn đề, cụ thể là mờ camera, chụp không sắc nét, đã xử lý khởi động lại máy nhưng không khắc phục được.

Nhân viên kỹ thuật của Viettel Store xác nhận camera của máy anh Đ bị mờ hơn. Tuy nhiên, khách hàng này vẫn bị từ chối bảo hành.

Do trùng vào ngày thứ bảy, nên nhân viên hướng dẫn anh Đ. 3 ngày sau quay lại địa chỉ mua hàng ban đầu để được hỗ trợ kiểm tra bảo hành đổi mới.

Tuy nhiên, đến 19/2, anh Đ đến tại cơ sở mình mua ban đầu tại Viettel Store số 65 Nguyễn Công Trứ để thực hiện áp dụng chính sách bảo hành thì lại bị từ chối. Nhân viên tại đây phản hồi đã kiểm tra và có xác nhận của Trung tâm bảo hành Samsung là máy không bị lỗi nên cửa hàng không thể áp dụng bảo hành cho khách hàng.

Giải thích việc trước đó nhân viên kỹ thuật đã xác nhận máy bị lỗi camera mờ, chụp không rõ nét nhưng lại từ chối bảo hành, anh Phan Bảo Trung, đại diện cửa hàng nơi anh Đ. mua điện thoại phản hồi do hãng Samsung nhận định máy không lỗi nên không thể bảo hành.

Bất lực trước những điều kiện phía đại lý bán hàng nêu ra, nhận thấy quyền lợi khách hàng bị “tước đoạt”, nghi ngờ hàng hoá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Anh Đ. Đã phản ánh tới cơ quan chức năng, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh.

Sáng 20/2, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã trực tiếp xác minh thông tin tại cửa hàng Viettel Store số 65 Nguyễn Công Trứ.

Đội quản lý thị trường thuộc Cục QLTT Hà Tĩnh cùng anh Đ và đại diện cửa hàng Viettel Store làm việc tại cửa hàng nơi anh Đ mua sản phẩm.

Tại đây, đại diện phía cửa hàng Viettel Store đã xuất trình một hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT). về việc xuất bán điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra bản 256GB với giá 25.990.00 đồng (máy bán cho anh Đ.), song hoá đơn này lại được xuất cho bà D.T.H thay vì anh T.T.Đ. Phía cửa hàng không xuất trình được quy trình tiếp nhận, xử lý bảo hành cho khách từ phía đại lý.

Qua làm việc, phía đại diện cửa hàng Viettel Store cam kết sẽ hỗ trợ xử lý ngay cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khoảng 2 giờ đồng hồ, anh Đ vẫn nhận được câu trả lời từ chối bảo hành và yêu cầu anh phải thực hiện khiếu nại qua ứng dụng của Samsung và tiếp tục chờ thông tin tiếp theo.

XEM THÊM: Tổng Giám đốc TCT Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam từ chức vì lý do cá nhân

Thời gian qua, nhiều trường hợp cá nhân, người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hoá bị lỗi, không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đơn vị bán hàng lúc cam kết.

Vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật... Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024. Trong đó, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Cụ thể,  Điều 4 của Luật nêu rõ người tiêu dùng:

- Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.

- Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.

- Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh……

PV

Tin nổi bật